Nguyễn Thị Thu Hằng là thí sinh nữ duy nhất lọt vào vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 20. Hằng thể hiện sự tự tin, thông minh và quyết đoán qua các vòng thi. Ở phần thi Khởi động, Hằng gây ấn tượng khi MC chưa đọc dứt câu hỏi em đã trả lời xong đáp án, đạt 60 điểm.
Ở phần thi Vượt chướng ngại vật, Hằng nhanh chóng bứt phá, giải được đáp án hàng ngang đầu tiên được lựa chọn, nâng tổng điểm lên 150 và dẫn đầu cuộc đua.
Bước vào vòng thi Tăng tốc và Về đích, ngoài thể hiện sự thông minh, quyết đoán, Hằng còn cho khán giả thấy màn thi đấu có chiến thuật khi lựa chọn 3 câu hỏi 10 điểm, theo đó, trả lời chính xác 1 câu vẫn bảo lưu được số điểm để về đích với 235 điểm. Với số điểm này, nữ sinh bỏ xa 3 chàng trai đối thủ.
Thầy Vũ Đắc Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn A cho biết, trước đó nhiều ngày, để chuẩn bị tốt hành trang kiến thức cho Hằng tham gia hành trình leo núi, nhà trường đã thành lập tổ “đồng hành”, trong đó giáo viên các môn đặt ra nhiều câu hỏi, tình huống để hỗ trợ học sinh. “Hy vọng, sẽ có những học sinh noi gương Hằng, viết tiếp truyền thống hiếu học của quê hương”, ông Toàn nói.
Quá trình dài tích lũy kiến thức
Là nữ thí sinh duy nhất nhưng Hằng không cảm thấy áp lực mà ngược lại rất tự tin. “Giành được chiến thắng hôm nay là do em kiên trì, có mục tiêu và tích lũy kiến thức một thời gian dài”, Hằng tâm sự.
Cách đây nhiều năm, Hằng đã ấp ủ giấc mơ chinh phục đỉnh Olympia khi em biết một học sinh của trường từng mang điểm cầu truyền hình về cho trường và tự hỏi: Tại sao mình không quyết tâm?
Tờ giấy “Vô địch Olympia” được Hằng viết dán lên tường và giờ này vẫn còn nằm ở đó. Hằng thích đặt mục tiêu, có kế hoạch rõ ràng và thực hiện bằng được mục tiêu đó. “Ngay trong hè, em thường đọc hết SGK để nắm kiến thức cơ bản.
Ngoài ra, em thường có thói quen đọc báo, xem thời sự, đọc sách để tích luỹ kiến thức. Những việc này trở thành thói quen và khi gặp câu hỏi, em bật ra câu trả lời ngay được”, Hằng nói.
Hằng cho biết, trước mắt sẽ chuẩn bị cho kế hoạch du học vì đó cũng là ước mơ em ấp ủ bấy lâu. “Em rất thích từ “lãnh đạo”, có thể em sẽ nghiên cứu một lối đi nào đó. Em cũng chưa biết sau khi du học có về Việt Nam hay không nhưng ở lại hay trở về đều có thể cống hiến cho đất nước”, Hằng nói.
Chị Phạm Thị Đỗ Ngọc, mẹ của nữ sinh, cho biết, hồi nhỏ, Hằng thường xuyên đau ốm, những lần trước lên Hà Nội dự thi, con gái cũng thường say xe, rất mệt. Hằng là con cả trong gia đình có 2 chị em gái; ngoài giờ học, em thường giúp đỡ mẹ những việc vặt trong nhà.
Hằng có thành tích học tập ấn tượng. Ngay từ khi học THCS, em đã đạt huy chương Bạc môn Toán, huy chương Đồng môn tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia... Hằng cũng là Á khoa điểm đầu vào Trường THPT Kim Sơn A và giành giải thưởng cấp tỉnh về nghiên cứu khoa học.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình, ông Vũ Văn Kiểm cho biết, với chiến thắng của Hằng, lần đầu tiên địa phương chạm tay vào Vòng nguyệt quế. Tuần tới, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức lễ trao tặng bằng khen cho Hằng, đồng thời tham mưu UBND tỉnh có phần thưởng xứng đáng cho em. “Sinh ra ở vùng đất nghèo khó, Thu Hằng là tấm gương của tinh thần ham học tập, sự vươn lên và thành tích em đạt được rất đáng tự hào”, ông Kiểm nói.
Á quân “sư tử”
Vũ Quốc Anh,Trường THPT Ngô Gia Tự (Ðắk Lắk), đã thi đấu với tinh thần “Fair Play” (chơi đẹp) đến phút chót. Về nhì trong đoàn “leo núi”, chàng trai có biệt danh “sư tử” để lại dấu ấn đẹp, làm nức lòng người dân Tây Nguyên.
Ông Phạm Ðăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ÐT Ðắk Lắk, nói: “Chúng tôi sẽ có phần thưởng thật xứng đáng, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần cho Quốc Anh cũng như những học sinh có đoạt thành tích cao trong các cuộc thi năm 2020.
Sắp tới, Sở sẽ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa với vùng có điều kiện phát triển. Ðặc biệt, chúng tôi tiếp tục tập trung đầu tư cho giáo dục mũi nhọn tỉnh nhà, cũng như các chương trình sân chơi trí tuệ”.