Nga đổ xô xin quốc tịch một quốc gia châu Âu. (Ảnh: Global Look Press)
Theo các tài liệu của một trung tâm bất động sản của Nga, nhu cầu nhập quốc tịch của người Nga ở Montenegro đã tăng lên trong 5 tháng liên tiếp.
Trang tin Lenta dẫn lời các nhà phân tích cho biết, vào tháng 5/2021, nhu cầu nhập quốc tịch ở Montenegro của người Nga đã tăng 16% so với tháng 4. Trên cơ sở hàng năm, nhu cầu tăng 40%. Vào tháng 1/2021, số lượng đơn xin quốc tịch tăng 44% so với tháng 12/2020. Ngoài ra, nhu cầu tăng từ tháng 1 đến tháng 4 giao động từ 13-15%.
Nhìn chung, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5, sự quan tâm của người Nga đến vấn đề cấp quốc tịch ở Montenegro cao hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia, người Nga đổ xô đi làm hộ chiếu ở quốc gia châu Âu này chủ yếu vì ở đây hộ chiếu có thể được thực hiện nhanh.
Thông thường toàn bộ quy trình xin hộ chiếu ở Montenegro chỉ mất chưa đầy 6 tháng. Ngoài ra, việc nhập quốc tịch Montenegro không đòi hỏi các khoản đầu tư lớn chỉ với 417 nghìn euro là đủ cho một gia đình 4 người.
“Một trong những điều kiện hấp dẫn nhất là chủ quốc tịch không cần sở hữu tài sản sau khi có hộ chiếu. Chủ sở hữu quốc tịch có thể bán tài sản nếu không muốn nhận thêm thu nhập từ các khoản đầu tư. Ngày nay không có quốc gia châu Âu nào khác cung cấp ưu đãi như vậy”, các chuyên gia cho biết.
Đồng thời, Montenegro không yêu cầu cư trú. Không giống như hầu hết các chương trình đầu tư - nhập tịch ở châu Âu, người nộp đơn không bắt buộc phải sống ở Montenegro để đủ điều kiện nộp đơn.
Đầu tháng 6, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Montenegro, Yakov Milatovic, đã gọi người Nga là chủ sở hữu bất động sản lớn nhất ở nước này. Theo ông Milatovic, vào năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19 người Nga thậm chí còn tích cực hơn trong việc mua nhà ở Montenegro.
Được biết, sở hữu quốc tịch Montenegro đồng nghĩa với việc nhà đầu tư và gia đình sẽ trở thành công dân châu Âu vào năm 2025, sau khi Montenegro gia nhập Liên Minh Châu Âu (EU). Quyền lợi công dân châu Âu bao gồm: Tự do sinh sống, học tập, làm việc tại bất cứ quốc gia nào thuộc Liên minh châu Âu, được hưởng chính sách bảo vệ công dân của EU, cùng được lựa chọn đặt cơ sở kinh doanh tại các quốc gia châu Âu.