Các nhà nghiên cứu tới từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang hợp tác nghiên cứu sứ mệnh đầy tham vọng sử dụng tàu vũ trụ để tấn công một tiểu hành tinh.
Vào tuần tới, họ sẽ gặp nhau ở Rome, Italia để thảo luận chi tiết về ý tưởng mà họ muốn chứng minh là một phương pháp phòng thủ khả thi giúp Trái Đất tránh khỏi các mối đe dọa tiềm tàng.
Đối tượng đầu tiên mà dự án nhắm tới là tiểu hành tinh Didymos dài 780 m, rộng 160 m, nhỏ hơn một chút so với đại Kim tự tháp Giza.
Ý tưởng của NASA và ESA là phóng một tàu vũ trụ có kích thước tương đương với chiếc tủ lạnh để tạo ra vụ va chạm làm chệch hướng Didymos ở tốc độ 6 km/s, tức là nhanh gấp 9 lần tốc độ của một viên đạn. Con tàu còn lại mang tên Hera của ESA sau đó sẽ tới khảo sát xác của thiên thạch này sau cú va đâm.
Con tàu vũ trụ gánh vác trọng trách "tấn công" sắp hoàn thành và sẽ được ra mắt vào mùa hè năm 2021.
Nếu mọi chuyện suôn sẻ, vụ va chạm sẽ xảy ra vào tháng 9/2022, được một vệ tinh thu nhỏ do Italia sản xuất ghi lại. Nhiệm vụ còn lại do Hera đảm nhiệm. Nó sẽ tới gần Didymos, đo đạc miệng núi lửa trên tiểu hành tinh này sau va chạm.
Hera cũng sẽ triển khai cặp vệ tinh nhỏ để thu thập thông tin về địa hình của Didymos.
Các nhà nghiên cứu hy vọng các thông số mà Hera thu về sẽ giúp họ thu được các thông tin cần thiết trong kế hoạch loại bỏ các tiểu hành tinh tiềm ẩn nguy cơ gây họa cho Trái Đất trong tương lai.