Chiến phí mỗi ngày "khủng khiếp", xung đột với Hamas đang khiến Israel gánh hậu quả nặng nề ra sao?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Các báo cáo chuyên ngành cho thấy Israel phải chi cho một ngày chiến sự lên tới khoảng 200 triệu shekel (49 triệu USD), bao gồm kinh phí huy động quân dự bị, đạn dược và vật tư.

Cuộc chiến với Hamas có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Israel - nước có thu nhập cao, đứng thứ 18 về tổng thu nhập quốc nội (GDP). Thu nhập bình quân đầu người của Israel năm 2022 ước tính là 54,7 nghìn USD.

GDP của Israel đang tăng trưởng với tốc độ cao trong 10 năm qua (từ 2013 đến 2022), trung bình 4,1%/năm. Theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), vào cuối năm 2022, GDP của Israel ước tính đạt 525 tỷ USD.

Năm 2023, trước khi xảy ra xung đột với Hamas, IMF dự đoán kinh tế Israel sẽ tăng trưởng 3,1%, đạt 521,7 tỷ USD, thấp hơn năm trước do đồng shekel suy yếu.

Các báo cáo chuyên ngành cho biết, chi phí cho 1 ngày chiến sự lên tới khoảng 200 triệu shekel (49 triệu USD), bao gồm chi phí huy động quân dự bị, đạn dược và vật tư. Mức này tương đương 1,47 tỷ USD mỗi tháng.

Còn Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich phát biểu trên Kênh phát thanh quân đội Israel hôm 25/10 rằng xung đột đang khiến đất nước tiêu tốn đến 1 tỷ shekel mỗi ngày (tương đương 246 triệu USD). Ông khẳng định ngân sách quốc gia Israel năm 2023-2024 cần điều chỉnh do chi phí phát sinh từ cuộc đối đầu với Hamas.

Chiến phí mỗi ngày khủng khiếp, xung đột với Hamas đang khiến Israel gánh hậu quả nặng nề ra sao? - Ảnh 1.

Cuộc chiến với Hamas có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Israel. Ảnh: Reuters

Báo Times of Israel cho biết, ngân hàng Hapoalim lớn nhất Israel ước tính cuộc chiến với Hamas sẽ khiến Israel thiệt hại ít nhất 27 tỷ shekel (6,7 tỷ USD), tương đương khoảng 1,6% GDP của nước này. Đây là chưa kể chi phí di dời hơn 200 nghìn dân đến các nơi an toàn, cũng như thiệt hại về các khoản đầu tư và doanh thu du lịch.

Trưởng ban cố vấn kinh tế của Hapoalim Leo Leiderman cho biết, thời gian kéo dài và tính chất của cuộc chiến sẽ quyết định mức độ thiệt hại cho nền kinh tế Israel. Theo ông, sự sụt giảm đáng kể có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng cá nhân, bao gồm cả lý do tâm lý. Ngoài ra, du lịch, thương mại, dịch vụ vận tải, lĩnh vực giải trí và nhà hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Việc huy động 360.000 quân dự bị tham chiến - một trong những cuộc huy động lớn nhất trong lịch sử Israel - chiếm hơn 8% trong số khoảng 4,36 triệu người đang làm việc của đất nước, cũng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Việc mất đi nguồn lực này sẽ gây khó khăn cho sản xuất, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều lao động.

Trong vòng 20 ngày kể từ cuộc tấn công của Hamas đến 26/10/2023, giá trị cổ phiếu blue-chip TA-35 của Sở giao dịch chứng khoán Tel Aviv đã giảm 12,8%, trong khi đồng shekel giảm 5,3% so với đồng USD trong cùng kỳ.

Ngày 23/10/2023, Ngân hàng hàng trung ương Israel đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 xuống 2,3% so với mức 3,1% trước đó. Tới ngày 9/10/2023, ngân hàng trung ương Israel tuyên bố sẽ bán tới 30 tỷ USD trên thị trường mở, tức khoảng 15% dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ đồng shekel - vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm nay sau cuộc tấn công của Hamas.

Theo Bộ Tài chính Israel, ngân sách quốc phòng của Israel năm 2022 lên tới 23,4 tỷ USD, tương đương 4,5% GDP của cả nước, đứng thứ 10 trên thế giới về chi tiêu quốc phòng so với GDP.

Leiderman cho biết, chi tiêu quân sự của Israel sẽ tăng đáng kể do cuộc chiến với Hamas. Chi tiêu này không chỉ dành cho trang bị thêm vũ khí, mà gồm cả việc trả lương cho 360.000 người được huy động vừa qua.

Thâm hụt ngân sách, theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Israel, sẽ tăng lên 2,3% GDP vào cuối năm 2023 so với kế hoạch ban đầu chỉ là 1,1% GDP và sẽ tăng lên 3,5% vào năm 2024. Leiderman cho biết, viện trợ của Hoa Kỳ chỉ đáp ứng được một phần của sự thiếu hụt này.

Chiến phí mỗi ngày khủng khiếp, xung đột với Hamas đang khiến Israel gánh hậu quả nặng nề ra sao? - Ảnh 2.

Thủ tướng Netanyahu và liên minh cánh hữu đứng trước nhiều thách thức sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas hôm 7/10. Ảnh: NBC News

Israel đứng trước nhiều thách thức

Khi Hamas phát động cuộc tấn công Israel ngày 7/10/2023, theo lời kêu gọi của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, một chính phủ khẩn cấp đoàn kết dân tộc đã được thành lập. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất đảng Đoàn kết Quốc gia của Benny Gantz và Gadi Eisenkot gia nhập chính phủ này. Hai người đều là cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel (IDF).

Chiến dịch quân sự của Hamas phủ bóng đen lên nội bộ Israel vốn đang phải đối phó những cuộc khủng hoảng sâu sắc.

Dư luận xã hội cũng như nhiều nhân vật phe đối lập đang đòi ông B. Netanyahu phải chịu trách nhiệm về tình hình hiện nay, đặc biệt là sự yếu kém của cơ quan tình báo Mossad khi không dự đoán được cuộc tấn công của Hamas, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều người chết và bị thương.

Kết quả thăm dò dư luận do báo Maariv của Israel mới đây cho thấy, 80% người Israel cho rằng thủ tướng B. Netanyahu phải chịu trách nhiệm về sự yếu kém an ninh được bộc lộ sau cuộc tấn công của Hamas.

Trong khi đó, cựu thủ tướng Israel Ehud Barak (nhiệm kỳ 1999-2001) mô tả cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10/2023 là "thất bại lớn nhất trong lịch sử Nhà nước Israel" vì đã không ngăn chặn được cuộc tấn công và chậm trễ trong việc gửi quân đến bảo vệ công dân.

Cựu thủ tướng Ehud Olmert (nhiệm kỳ 2006-2009) cũng buộc ông Netanyahu phải chịu trách nhiệm về tình hình hiện nay, đồng thời ông Olmert vẫn cam kết tìm kiếm giải pháp hai nhà nước và đàm phán với người Palestine.

Cựu thủ tướng Yair Lapid (2022), lãnh đạo phe đối lập, đã từ chối tham gia chính phủ đoàn kết khẩn cấp của thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ông cho rằng, sự hiện diện của những nhân vật cực đoan trong nội các và cơ cấu nội các an ninh kép không có ranh giới quyền lực rõ ràng, chính phủ sẽ không hoạt động được.

Mặc dù đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ khẩn cấp để đối phó với cuộc xung đột vũ trang với Hamas, thủ tướng Benjamin Netanyahu và chính phủ của ông vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.

Các nhà quan sát chính trị cho rằng, dù ông Netanyahu có thừa nhận trách nhiệm đối với sự yếu kém của bộ máy an ninh hay không thì tương lai chính trị của ông cũng sẽ gặp trắc trở.

Chiến phí mỗi ngày khủng khiếp, xung đột với Hamas đang khiến Israel gánh hậu quả nặng nề ra sao? - Ảnh 3.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu họp với các quan chức quốc phòng và an ninh cấp cao về chiến dịch trên bộ vào Gaza. Ảnh: timesofisrael.com

Trước đây, sau chiến tranh Yom Kippur tháng 10/1973, Ủy ban Agranat - một Ủy ban Quốc gia - đã được thành lập để điều tra những thất bại của quân đội Israel (IDF) trong giai đoạn mở đầu cuộc chiến, do không phát hiện được việc Ai Cập chuẩn bị cho cuộc tấn công nhằm vào phòng tuyến Bar Lev và cuộc tấn công đồng thời của Syria ở cao nguyên Golan, khiến 2.812 binh sĩ Israel thiệt mạng.

Thủ tướng Golda Meir và Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan lúc đó đã bị cách chức do để xảy ra những sơ suất trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, tình thế của thủ tướng Netanyahu hiện nay khó khăn hơn nhiều so với Golda Meir cách đây 50 năm, vì ông là người đã đưa xã hội Israel vào tình trạng chia rẽ chưa từng có trước cuộc chiến khi đưa ra kế hoạch sửa đổi tư pháp.

Các cuộc biểu tình rầm rộ với sự tham gia của hàng triệu người phản đối ông bùng nổ trên toàn quốc, khiến các cơ quan an ninh và quân sự bị phân tâm, không tập trung vào các nhiệm vụ chính của mình.

Nhiều nhà phân tích chính trị Israel nhận xét tình hình hiện nay ở Israel sẽ không chỉ dẫn đến khả năng chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Netanyahu mà chính phủ cánh hữu của ông cũng sẽ gặp khó khăn lớn.

Xung đột chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình

Chiến phí mỗi ngày khủng khiếp, xung đột với Hamas đang khiến Israel gánh hậu quả nặng nề ra sao? - Ảnh 4.

Gần 1 tháng không kích và 17 năm bao vây, 5 cuộc chiến tranh tổng lực, Hamas không những không bị tiêu diệt, mà ngày càng lớn mạnh. Việc phóng hàng loạt tên lửa và tấn công vào sâu trong lãnh thổ Israel đã thể hiện điều này. 

Thực tế cho thấy cuộc xung đột Israel - Palestine không thể giải quyết được bằng quân sự và chỉ có thể bằng biện pháp hòa bình.

Để chấm dứt đổ máu, các bên phải ngừng bắn ngay lập tức, trở lại bàn đàm phán để tìm ra một giải pháp công bằng và bền vững cho cuộc xung đột.

Cơ sở của giải pháp này là các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là các nghị quyết của Hội đồng Bảo an yêu cầu Israel phải rút khỏi các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, thành lập một Nhà nước Palestine độc lập trong đường biên giới trước năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem sống bên cạnh Nhà nước Israel.

Chừng nào chưa có một nhà nước cho người Palestine thì xung đột sẽ vẫn còn tiếp diễn và an ninh của Israel cũng như của khu vực sẽ không được đảm bảo.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại