Thợ điêu khắc Đinh Văn Tâm hoàn thiện đôi rồng chùa Vân An, TP Đông Hà.
Sau khi sáng tạo và hoàn thiện “hoa hậu hổ”, “hoa hậu mèo” trưng bày dịp Tết Nguyên đán 2 năm trước, anh Đinh Văn Tâm (Quảng Trị) đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của cộng đồng.
Những ngày này, anh đang khẩn trương dành tâm huyết và trí lực để chuẩn bị ra mắt công trình “rồng Giáp Thìn” đón Xuân.
Chiêm ngưỡng đôi rồng chầu
Anh Đinh Văn Tâm (33 tuổi, trú tại thôn An Giạ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã có 15 năm làm nghề điêu khắc. Anh Tâm chưa hề qua trường, lớp đào tạo nào về điêu khắc, chỉ vừa học vừa làm, tích lũy kinh nghiệm. Khi tay nghề “cứng” thì cùng các cộng sự nhận các công trình để làm.
Dịp Tết Nguyên đán 2 năm trước, anh Đinh Văn Tâm đã thành công với tạo hình “hoa hậu hổ” năm Nhâm Dần 2022, tiếp đến là “hoa hậu mèo” năm Quý Mão 2023, được cộng đồng tán thưởng. Mấy tháng nay, anh Tâm và các cộng sự đang cố gắng hoàn thiện tạo hình con giáp của năm Giáp Thìn.
Những ngày này, Tâm và đội thợ tập trung hoàn thiện 2 con rồng bằng bê tông cốt thép được đặt ở chùa Vân An (phường Đông Lễ, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). 2 con rồng án ngữ ở ngay trước chùa. Mỗi con có chiều cao khoảng 4,5m, chiều dài thân khoảng 13 - 15m, với các chi tiết sắc sảo, uốn lượn sống động.
Anh Đinh Văn Tâm cho biết, sau khi nhận lời đề nghị của chùa Vân An, anh đã tham khảo nhiều mẫu hình rồng trên mạng, lựa chọn những mẫu hình rồng gần gũi, đẹp mắt rồi phác thảo bản vẽ dựa trên ý tưởng của chính mình. Từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc ra mắt đôi rồng này khoảng gần 3 tháng.
Theo anh Tâm, trước đây anh và đội thợ chủ yếu làm những bức phù điêu, kích thước nhỏ. Bây giờ, nhóm của anh mới làm rồng lớn nên cũng gặp khó khăn. Đặc biệt, rồng là linh vật không có thật, chủ yếu dựa trên tưởng tượng của dân gian. Mặt khác, do thi công ngoài trời nên gặp bất lợi về thời tiết, vì thế việc tạo hình cũng lâu hơn.
“Trong quá trình tạo hình rồng có nhiều chi tiết rất cầu kỳ, như mặt rồng, râu, đường vân, mây... Hơn nữa, phải thi công rất cẩn thận từng chi tiết, làm sao cho rồng trở nên sống động, uốn lượn, đảm bảo tính thẩm mĩ. Do đó, từ ý tưởng đến thiết kế, thi công phải qua nhiều lần chỉnh sửa”, anh Tâm nói.
Theo Đinh Văn Tâm, 2 con rồng này được đặt ở vị trí cố định và sử dụng lâu dài, được đúc bằng bê tông cốt thép. Mỗi ngày, nhóm thợ có khoảng 5 người làm việc ở đây. Để thi công hoàn thiện 2 con rồng này mất khoảng 3 tháng.
Thầy Từ Quảng, trụ trì chùa Vân An, cho biết chùa được xây dựng năm 2019, nhưng do diện tích đất nhỏ nên làm cầu thang ra phía trước chùa. Ban đầu, ông dự định đặt làm 2 con sư tử cạnh cầu thang, nhưng sau đó quyết định làm 2 con rồng. Sau khi liên hệ với đội thợ của Tâm, ông Từ Quảng đồng ý với phương án thiết kế, rồi cho khởi công xây dựng.
Ông Từ Quảng cho biết, việc xây dựng 2 con rồng mục đích để trang trí chùa, vừa làm lan can cầu thang. “Năm nay là năm Giáp Thìn, chùa xây dựng 2 con rồng cũng trùng hợp, dù chưa hoàn thành, nhưng một số người dân đã đến chiêm ngưỡng”, ông Từ Quảng cho hay.
'Linh vật' rồng làm đẹp công viên
Ngoài đôi rồng ở chùa Vân An (TP Đông Hà), nhóm của anh Đinh Văn Tâm cũng nhận làm tạo hình rồng - con vật của năm Giáp Thìn 2024. Tạo hình rồng này do UBND thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) đặt hàng để trưng bày ở công viên.
Theo anh Đinh Văn Tâm, tạo hình rồng đặt ở công viên được làm bằng xốp và thép, phục vụ cho nhu cầu vui Tết đón Xuân của người dân, nên nhóm của anh cố gắng thiết kế, thi công sao cho hợp lý. Hiện, việc thi công linh vật rồng đó cũng khá thuận lợi.
“Những năm trước, khi làm tượng hổ và tượng mèo, được mọi người đón nhận và khen nên quá trình tạo hình rồng năm nay, tôi cũng cảm thấy khá áp lực, vì lo sản phẩm không hoàn hảo sẽ khiến mọi người thất vọng. Nhưng khó khăn đó cũng là động lực buộc tôi phải cố gắng nhiều hơn.
Tuy nhiên, tôi luôn xác định, làm cái gì bản thân mình thấy đẹp trước thì mọi người mới ủng hộ. Trong quá trình thực hiện, tôi và anh em luôn cố gắng cẩn thận từng chi tiết để sản phẩm mình tạo ra được đẹp nhất, phù hợp, đảm bảo thẩm mĩ, hài hòa với cảnh quan”, Đinh Văn Tâm chia sẻ.
Trong khi đang thực hiện 3 tạo hình rồng cho chùa Vân An và thị trấn Lao Bảo nhóm anh Tâm cũng nhận được nhiều đề nghị từ các cơ quan, địa phương đặt hàng “rồng Giáp Thìn” nhưng cả nhóm phải từ chối vì sợ không đảm bảo thời gian và chất lượng.
Hiện tại, tạo hình rồng cơ bản đã hoàn thiện. Những ngày này, Tâm và đội thợ đang triển khai công đoạn trang trí. Được biết, linh vật rồng do UBND thị trấn Lao Bảo đặt Tâm làm, sẽ được vận chuyển đến Công viên Văn hóa Trung tâm thị trấn Lao Bảo khoảng 10 ngày trước Tết Nguyên đán 2024. Ngoài linh vật rồng, UBND thị trấn Lao Bảo sẽ trang trí thêm hoa, tiểu cảnh.
Để tạo yếu tố bất ngờ, tác giả và UBND thị trấn Lao Bảo thống nhất, sẽ không để lộ, lọt hình ảnh linh vật rồng trước khi bàn giao vào khoảng 16/12 âm lịch.
“Kinh phí để làm linh vật rồng được xã hội hóa chứ không phải lấy từ ngân sách. Chúng tôi đặt làm linh vật rồng và trang trí hoa ở công viên để tạo điểm đến thu hút người dân và du khách”, ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, thông tin.
Vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Tâm làm bức tượng hổ đặt ở công viên Lê Duẩn. Bức tượng này nổi tiếng cả nước, được nhiều người đến chụp ảnh. Đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, UBND huyện Triệu Phong đưa bức tượng mèo do Tâm làm đặt ở quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong. Thống kê cho thấy, trong những ngày Tết, có khoảng 25.000 lượt người đã đến chiêm ngưỡng bức tượng mèo. Bức tượng này nổi tiếng khắp cả nước, trên mạng xã hội và được bình chọn là “hoa hậu” mèo.