Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những ngôi mộ thượng lưu ngay bên ngoài thành phố cổ rộng lớn tại Hala Sultan Tekke (đảo Síp)
Hai ngôi mộ chứa hơn 500 đồ tạo tác, bao gồm đồ gốm; đồ trang trí làm bằng hổ phách; đá quý, gươm, giáo, một số món đồ được làm từ ngà voi; những chiếc vương miện bằng vàng, được chạm nổi hình ảnh con bò đực, linh dương, sư tử và hoa.
Trong số những đồ tùy táng có những chiếc vòng đội đầu làm từ vàng và được chạm nổi hình những con bò đực, linh dương, sư tử và hoa. Các họa tiết là của người Minoan nhưng những chiếc băng đô có lẽ được làm ở Ai Cập. (Ảnh: Peter Fischer)
Các cổ vật bao gồm nhiều cổ vật được nhập khẩu vào Síp từ các nền văn hóa lớn khác trong khu vực, bao gồm cả người Minoan trên đảo Crete, người Mycenaeans ở Hy Lạp và người Ai Cập cổ đại .
Nhà khảo cổ học Peter Fischer, giáo sư danh dự tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển, cho biết các đồ vật nhập khẩu đã xác nhận mức độ thương mại Địa Trung Hải trong thời kỳ cuối đồ đồng, giữa khoảng 1640 TCN và 1050 TCN.
Ông nói: “Nhiều vàng được tìm thấy, rất có thể được nhập khẩu từ Ai Cập nhưng chủ yếu thể hiện các họa tiết của người Minoan, chứng tỏ rằng người Ai Cập đã đổi đồng lấy vàng".
Nhiều đồ tùy táng được nhập khẩu vào Síp từ các nền văn hóa thời đại đồ đồng khác xung quanh Địa Trung Hải, bao gồm cả chiếc krater - một loại bình - từ Mycenaean Hy Lạp. Lớp tráng men trên bình mô tả một cỗ xe ngựa kéo.(Ảnh: Peter Fischer)
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các vật dụng hàng ngày, chẳng hạn như xương cá từ cá sông Nile. Fischer nói: “Chúng được chở đến bằng tàu của Ai Cập hoặc bằng thủy thủ đoàn người Síp trở về, thể hiện sự giao thương mạnh mẽ giữa các nền văn hóa này”.
Các đồ tạo tác trong lăng mộ quý giá cho thấy những người cư ngụ ở đây đã cai trị thành phố, vốn là trung tâm buôn bán đồng trong khoảng thời gian từ 1500 đến 1300 trước Công nguyên. Vào thời điểm đó, Síp là một 'lò luyện kim' của các nền văn hóa, rất có thể sẽ thống trị thương mại ở phía đông Địa Trung Hải.
Theo Live Science