Hãy dừng vuốt ve, võ sĩ Việt cần ăn đấm lệch quai hàm để trở thành chiến binh!

Na Miên |

Đêm 18/5, tại một sự kiện được quảng bá là WBA Asia Championship, Boxing Việt Nam đã thắng lớn. Nhưng đó có phải chuyên nghiệp và mang tầm vóc châu Á hay chỉ là hư danh?

Đấm phát gục ngay, võ sĩ chúng ta giỏi quá!

WBA Asia là tổ chức quyền Anh chuyên nghiệp dành cho các nước ở châu Á và châu Đại dương, từ năm 2017, tổ chức này được Hội đồng quyền Anh thế giới WBA thừa nhận và liên kết. Với các võ sĩ muốn theo chuyên nghiệp ở Việt Nam, được tham dự WBA Asia là một cơ hội lớn.

Ngày hôm qua, WBA Asia Championship lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam với đơn vị đăng cai là Saigon Sports Club (SSC). Đây có thể xem là sự kiện lớn với quyền Anh Việt Nam, xét cả góc độ chuyên môn lẫn công tác tổ chức.

Có tất cả 12 trận đánh ở các hạng cân, trong đó đáng chú ý là cặp đấu có sự tham gia của các tay đấm Việt Nam như Trần Văn Thảo - người từng giữ đai WBC châu Á hạng siêu ruồi, nhà vô địch Sea Games Trương Đình Hoàng.

Hãy dừng vuốt ve, võ sĩ Việt cần ăn đấm lệch quai hàm để trở thành chiến binh! - Ảnh 1.

Cả tuần trước sự kiện, WBA Asia Championship được quảng bá rầm rộ về những đối thủ sừng sỏ châu Á, đảm bảo tạo ra bầu không khí boxing đẳng cấp chuyên nghiệp châu lục. Các võ sĩ Việt Nam dĩ nhiên háo hức tập luyện để khẳng định đẳng cấp từng giữ đai WBC Asia như Trần Văn Thảo hay Trương Đình Hoàng càng khát khao chiến thắng vì đây là bước đi đầu tiên của nhà vô địch SEA Games trên võ đài chuyên nghiệp.

Khán giả mê boxing đương nhiên khoái và ai cũng mong mỏi các võ sĩ Việt Nam sẽ chiến thắng, vì màu cờ sắc áo và vì "Việt Nam mình đâu chịu thua kém ai"! Và tiếng cồng vang lên, Việt Nam thắng thật, thắng oanh liệt và giòn giã.

Các võ sĩ Trịnh Thế Long (hạng 64 kg), Võ Hồng Đạt (64 kg), Nguyễn Văn Hải (62 kg) và Võ Quang Đức Duy (54 kg) lần lượt hạ gục các đối thủ đến từ Indonesia và Thái Lan.

Trương Đình Hoàng hạ gục võ sỹ Thái Lan ngay trong hiệp 1

Ở trận đấu thứ 10 - trận đấu được chờ đợi nhất, Trương Đình Hoàng (77 kg) chỉ mất hơn 1 phút để cho đối thủ Arthit Bunphloeng nằm sàn. Hơn 1 phút sau, Hoàng tung tiếp một cú đánh tay phải uy lực vào mặt đối thủ, võ sĩ Thái Lan lại gục xuống và trọng tài buộc phải dừng trận đấu. Knock out!

Đây là trận đầu tiên của Trương Đình Hoàng trên sàn chuyên nghiệp, nhưng liệu có phải trận đấu nhanh nhất của võ sĩ họ Trương? Võ sĩ họ Trương cầm cúp rời võ đài, ra bên ngoài trả lời phỏng vấn báo chí tác nghiệp. Cuộc phỏng vấn kéo dài cũng không quá lâu nhưng một số phóng viên khi trở lại sàn đài thì… lại xong, lại knock-out!

Đó là trận đấu giữa Rongguo Wu - võ sĩ được quảng bá là tay đấm mạnh thứ 4 Trung Quốc ở hạng siêu ruồi với tay đấm Việt Nam Lê Văn Hiển - người được thay thế Trần Văn Thảo ở phút chót vì tai nạn.

Số phận của Rongguo Wu cũng như Arthit Bunphloeng, tức là ngay trong hiệp thi đấu đầu tiên, trọng tài buộc phải dừng trận đấu để đảm bảo cho võ sĩ mạnh thứ 4 Trung Quốc được về nước ngày hôm sau, chứ không cần phải "quá cảnh" một thời gian ở… Chợ Rẫy hoặc tệ hơn nữa là phải hồi cố quốc trong tiếng kèn hành vân, lưu thủy não nùng…

Hãy dừng vuốt ve, võ sĩ Việt cần ăn đấm lệch quai hàm để trở thành chiến binh! - Ảnh 3.

Xin hãy ngừng ca tụng!

Khoảng 300 khán giả hò reo sung sướng nhưng có cảm giác hơi hẫng hụt, vì… thắng nhanh quá. Đấm phát gục ngay. Võ đài nhà nghề châu Á tưởng thế nào, hóa ra cũng dễ chẳng kém các em nhỏ chơi mấy trò dân gian trong làng: Một đập ăn quan.

Một đập gục ngay! Một người có chuyên môn như ông Vũ Đức Thịnh thì dĩ nhiên không nghĩ quyền Anh nhà nghề châu Á là trò "Một đập ăn quan" của trẻ con trong làng. Chứng kiến giải đấu, vị trưởng Bộ môn Boxing của Tổng cục TDTT thẳng thắn: "Các võ sĩ Việt Nam rất mạnh. Nhưng nếu lấy sự kiện này mà làm thước đo cho sức mạnh và sự chuyên nghiệp của boxing Việt Nam thì chưa. Vì các võ sĩ quốc tế yếu quá".

"Các võ sĩ Việt Nam mạnh" như lời ông Vũ Đức Thịnh nói. Nhưng mạnh đến đâu thì cần có thước đo. Và đương nhiên WBA Asia Championship ngày 18/5 không thể xem là thước đo cho sức mạnh của boxing Việt Nam hay khẳng định boxing Việt Nam đã chuyên nghiệp để có thể "ăn cơm" nhà nghề.

Giả sử WBA Asia Championship mang tới những võ sĩ nhà nghề chất lượng thực sự thì các tay đấm Việt Nam có dễ dàng chiến thắng? Trương Đình Hoàng lại là một ví dụ.

Hãy dừng vuốt ve, võ sĩ Việt cần ăn đấm lệch quai hàm để trở thành chiến binh! - Ảnh 4.

Hoàng không có đối thủ ở Việt Nam. Nhưng tại đấu trường nghiệp dư như SEA Games, Hoàng 3 lần liên tiếp rớt đài ở bán kết dưới tay các võ sĩ Thái Lan. Phải tập luyện cùng sự nỗ lực rất lớn, Trương Đình Hoàng mới có thể đánh bại người Thái trong trận chung kết để mang HCV về cho boxing Việt Nam tại SEA Games 28.

Nếu thực sự muốn tốt cho các võ sĩ Việt Nam, muốn boxing Việt Nam có cái gọi là nhà nghề như Philippines, WBA Asia Championship phải thực sự xứng tầm với cái tên của nó.

Khi đó, Trương Đình Hoàng và các võ sĩ Việt Nam mới "chân ướt chân ráo" bước lên sàn chuyên nghiệp có thể đổ máu, lệch hàm và gục xuống, nhưng đó là những giọt máu cần thiết, những cái đổ gục phải có để từng bước đứng dậy bằng đúng thực lực của mình. Thật vậy, với thực lực các võ sĩ quốc tế như ông Trưởng môn Boxing Việt Nam lắc đầu ngao ngán là "yếu quá" thì chúng ta có nên tự hào?

Bóng đá Việt Nam trong quá khứ cũng từng ngập ngụa trong bao lời ca tụng, lăng xê từ truyền thông đến báo chí, để rồi thi đấu thì "ao làng không xong". Mọi chuyện chỉ thay đổi khi Park Hang-seo đến, khi ông thầy Hàn chỉ cho đám học trò trẻ họ là ai và cách chấp nhận thất bại, chứ không phải gieo vào đầu họ những ảo tưởng bằng những trận thắng đội Lào, thì thành công ban đầu mới đến.

WBA Asia Championship tại Việt Nam, nó mang hơi hướng của PR cho nhà tổ chức, hơn là chuyên môn thực sự cho võ sĩ Việt Nam và boxing chuyên nghiệp Việt Nam?

Hãy dừng vuốt ve, võ sĩ Việt cần ăn đấm lệch quai hàm để trở thành chiến binh! - Ảnh 5.

"Đối thủ mạnh" đến từ Trung Quốc thực ra quá yếu.

Vậy thế nào là chuyên nghiệp?

SSC - đơn vị đưa WBA Asia lần đầu về Việt Nam có thể gọi là chuyên nghiệp về cơ sở vật chất. Với sự đầu tư lớn, các phòng tập của SSC đáp ứng đủ tiêu chuẩn cho các môn võ. Riêng quyền Anh còn được đội ngũ chuyên gia - HLV Philippines đảm trách về mặt chuyên môn.

Chính trung tâm này đã biến Trần Văn Thảo - một tay đấm tưởng như đã bị lãng quên trở thành nhà vô địch WBC châu Á hạng siêu ruồi năm 2017. Và giờ đây, SSC đang tạo điều kiện và hướng cho những võ sĩ nghiệp dư như Trương Đình Hoàng theo chuyên nghiệp.

Trong cuộc họp báo cho sự kiện WBA Asia Championship tại Việt Nam, ông Đặng Tuấn Kha, thành viên trung tâm SSC quả quyết: "Chúng tôi chuyên về thể thao, đặc biệt là ở lĩnh vực võ thuật. Với mong muốn võ sĩ Việt Nam được đánh chuyên nghiệp nên chúng tôi đem giải WBA Asia về đây, để đưa võ sĩ Việt sánh ngang với châu Á. Và với đà phát triển này, chúng tôi tin tưởng sẽ tổ chức được giải tầm thế giới của WBA hay WBC".

Sau WBC Asia, Việt Nam có thể tổ chức WBA hay WBC World? Đó là mục tiêu tích cực cần hướng đến. Nhưng trước hết vẫn phải nói về SSC với Trần Văn Thảo trong sự kiện WBC Asia.

Trần Văn Thảo - một tay đấm của SSC, một tay đấm tài năng thực thụ. Trận đấu của anh dự kiến với võ sĩ Trung Quốc Rongguo Wu được người hâm mộ boxing Việt Nam rất chờ đợi. Ai cũng mong mỏi Thảo sẽ chiến thắng, để tích điểm WBA châu Á nhằm từng bước tranh đai, giống như cái cách anh đã thành công ở WBC Asia.

Nhưng thật đen đủi cho Trần Văn Thảo, khi ngay trước giờ G (đã cân xong và kiểm tra y tế cho trận đấu), Thảo lại đi xe máy ngoài đường và chẳng may bị tai nạn, xe máy đè lên khiến anh bị bung khớp và giãn dây chằng. Thế là Trần Văn Thảo phải bỏ cuộc.

Tai nạn giao thông là một sự cố không ai mong muốn. Nhưng với bất cứ lý do gì, sự cố này mang tính nghiệp dư không thể chấp nhận. Với các võ sĩ chuyên nghiệp thực thụ trên sàn đài tầm châu lục, trước mỗi trận đấu, họ luôn được ê-kíp hỗ trợ tối đa từ dinh dưỡng, tâm lý, y tế cho đến di chuyển đi lại. Chuyện dính cảm cúm đối với họ đã là thiếu chuyên nghiệp chứ đừng nói tới tai nạn xe máy. Vậy ê-kíp của Trần Văn Thảo đâu?

Trần Văn Thảo là võ sĩ, nhiệm vụ của anh là thi đấu. Vụ tai nạn trước giờ G rõ ràng là lỗi của cả một ê-kíp hỗ trợ thiếu chuyên nghiệp. Họ là ai?

Hãy dừng vuốt ve, võ sĩ Việt cần ăn đấm lệch quai hàm để trở thành chiến binh! - Ảnh 6.

Trần Văn Thảo đã thực sự có được sự chuyên nghiệp?

Một sân chơi phạm luật chơi? Và bọn trẻ con hát gì?

Trần Văn Thảo bỏ cuộc. Nếu đây là sân chơi nhà nghề đúng nghĩa của WBC Asia và trận đấu để tích điểm cho bảng xếp hạng của tổ chức này thì khi Trần Văn Thảo bỏ cuộc, đối thủ Rongguo Wu có thể được tuyên thắng cuộc.

Luật quyền Anh cũng cho phép người thay thế. Và ban tổ chức đã chọn võ sĩ Lê Văn Hiển đấu Rongguo Wu thay cho Trần Văn Thảo. Theo một số nguồn tin, Lê Văn Hiển từng ăn tập ở trung tâm boxing của Quân Đội nhưng hiện tại là võ sĩ tự do.

Nhưng có điều Rongguo Wu thi đấu ở hạng cân 52 kg, hạng siêu ruồi (Flyweight). Trong khi đối thủ thay thế Lê Văn Hiển nặng 61 kg, thuộc hạng dưới bán trung (Light welterweight). Tức võ sĩ Việt Nam hơn đối thủ 9 kg và 4 hạng cân, một khoảng cách không tương xứng trong thi đấu quyền Anh.

Theo luật thi đấu về cân nặng của Liên đoàn Quyền Anh quốc tế (IBF), các võ sĩ không được nặng quá 4,5 kg trong giới hạn ở hạng cân mình thi đấu. Vậy phải chăng trận đấu giữa Lê Văn Hiển và Rongguo Wu - trận đấu được cho là thuộc khuôn khổ chuyên nghiệp của WBA Asia đã vi phạm luật thi đấu quốc tế?

Rõ ràng, có quá nhiều điểm nghiệp dư - từ chất lượng võ sĩ ngoại, công tác tổ chức cũng như gép trận đấu trong một giải đấu được gọi là chuyên nghiệp tầm châu lục của WBA Asia.

Quyền Anh Việt Nam cần chuyên nghiệp. Nhưng là con đường chuyên nghiệp thực thụ để từng bước phát triển, chứ không cần cái mác nhà nghề mà "một đấm gục luôn" để khen nhau cho sướng, một cách dễ dàng như bọn trẻ con vẫn chơi trò "một đập ăn quan" trong làng.

Nhưng trò chơi "ô ăn quan" chỉ để cho vui. Bởi sau khi chơi, những đứa biết nghĩ cho tương lai khi đứng lên ra về học bài sẽ động viên nhau mà hát rằng: "Thà để mồi hôi rơi trên trang sách, còn hơn đổ nước mắt cuối mùa thi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại