Thủ môn Filip Nguyễn: Giống Lâm "Tây" đến kỳ lạ; yêu Việt Nam nhờ một lần uống bia

Domino |

Cũng giống như Đặng Văn Lâm, Filip Nguyễn trước khi thành danh từng có thời gian tưởng không thể theo nghiệp bóng đá được nữa. Hãy cùng đến với những tâm sự của thủ thành Việt kiều trên tờ Bez Frazi.

Cha tôi là một người Việt Nam? Vậy thì sao?

Tôi nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Đầu dây bên kia là ban kỷ luật của Giải VĐQG Séc, họ muốn nói về chuyện tôi bị la ó ở trận đấu với Slavia. Một vài ngày trước trận đấu, có ai đó đã mắng tôi khá nặng lời.

Tất cả chỉ bởi vì gốc gác Việt Nam của tôi.

Tôi đáp lại rằng không cần thiết phải thế. Những án phạt kiểu như đóng cửa khán đài hay đại loại như vậy, thực sự không cần thiết. Tôi biết rằng tôi sẽ chỉ chịu cảnh đó ở Slavia một lần, những người chế giễu tôi rồi sẽ đến lúc cổ vũ cho tôi.

Tôi đã từng trải qua điều tương tự trong trận ra sân đầu tiên, khi những người ở Caslav la ó tôi. Nhưng một năm sau khi tôi trở lại Caslav, vẫn đúng con đường đó, các CĐV lại nói "Cũng được đấy, Filip".

Tôi không quan tâm tới những lời chế nhạo ở Slavia. Hoàn toàn không! Lần tới họ nên nghĩ ra một thứ gì khác, bởi những gì họ vẫn nói chẳng làm tôi phải chau mày.

Thủ môn Filip Nguyễn: Giống Lâm Tây đến kỳ lạ; yêu Việt Nam nhờ một lần uống bia - Ảnh 1.

Một BTV truyền hình cũng từng đùa cợt với tôi theo kiểu đó. Có thể anh ta muốn tỏ ra hài hước. Nhưng những gì anh ta nói tôi nghe đã nhàm tai rồi. Anh ta sau đó nhận ra đó là một trò đùa vô duyên và gửi lời xin lỗi tôi. Nhưng tôi chẳng quan tâm.

Năm ngoái tại Brno, một người hét vào mặt tôi: "Gã màu vàng khốn nạn". Khi đó, tôi mặc chiếc áo màu vàng, và tôi không thực sự hiểu người kia nói gì.

Sau tất cả, tôi không phải "gã màu vàng khốn nạn"!

Cha tôi là một người Việt Nam? Vậy thì sao?

Nếu ai đó muốn chửi mắng tôi, trước tiên anh ta cần biết tôi đã phải đấu tranh nhiều thế nào. Động lực phấn đấu, tinh thần quyết tâm không bỏ cuộc, tình yêu bóng đá, niềm tin và sự kiên trì. Tôi đã phải rất cố gắng để có được vị trí ngày hôm nay. Vị trí mà có lẽ một số người chỉ trích tôi không cảm thấy vui, đơn giản vì CLB của tôi xếp trên CLB của họ trên BXH.

Mùi mực khô

Không biết bạn đã từng ăn mực khô chưa, nhưng mùi của nó không dễ để làm quen đâu.

Tôi đã quen với mùi đó, nhưng các bạn cùng lớp tôi thì không. Họ mở những gói dăm bông, phô mai ra trong lớp. Còn tôi và chị gái hơn tôi 1 tuổi thì mở gói mực khô. Bạn bè tôi bỏ chaỵ và nói rằng chúng tôi là những kẻ bốc mùi. Còn tôi và chị thì khá thoải mái trong căn phòng lớp học sạch bóng người.

Mực, cùng với những ba lô đầy trái cây tươi ngon từ Việt Nam, được bố mang về cho chúng tôi.

Tôi và chị tôi rất gần gũi với nhau. Chúng tôi cùng nhau đối diện với mọi thứ tại trường học. Và bằng một cách nào đó, chúng tôi không phải gặp những kẻ bắt nạt vì nguồn gốc Việt Nam của mình.

Thủ môn Filip Nguyễn: Giống Lâm Tây đến kỳ lạ; yêu Việt Nam nhờ một lần uống bia - Ảnh 2.

Filip Nguyễn khi còn đi học

Chỉ có tôi hay đùa với thầy cô giáo rằng sở dĩ tôi được điểm năm (điểm cao nhất) là vì tôi đến từ châu Á. Tôi cũng khá thích nhìn phản ứng của mọi người khi tôi nói thế. Suốt thời gian đi học, mỗi khi có điều gì đó rắc rối, tôi và chị thường cố gắng tránh khỏi nó, giống như mẹ đã dạy.

Chị tôi cũng không phải người mang họ Nguyễn duy nhất trong lớp. Một người bạn từ Việt Nam cũng mang họ như thế đã đến với chúng tôi. Tôi có thể cá nếu bạn quen một người Việt, khả năng người đó họ Nguyễn rất cao. Tôi đọc được trong lịch sử Việt Nam có sự kiện nhiều người đã đổi sang họ Nguyễn vì lo lắng gặp nguy hiểm vì họ gốc của mình.

Cha tôi đến Séc vào những năm 80 với mong muốn một cuộc sống tốt hơn. Sau một thời gian, ông gặp mẹ tôi và họ kết hôn. Thành thật mà nói, đến bây giờ tôi vẫn không biết cha đã xoay sở thế nào. Cha tôi không có một gian hàng, ông làm việc trong cộng đồng người Việt tại Séc.

Lần đầu giáo viên hỏi về nghề nghiệp cha mẹ, tôi không biết trả lời ra sao. Cuối cùng mẹ dặn tôi cứ nói cha là một doanh nhân.

Nhiều năm trời tôi không nhận ra có những điều khác biệt. Tôi chỉ nghĩ rằng cha tôi có màu da sẫm hơn mọi người một chút và nói tiếng Séc với giọng khác một chút.

Nhưng rồi, cha tôi phải xa nhà biền biệt. Cha mẹ tôi li hôn. Và đó là lần đầu tiên tôi nhận ra chúng tôi khác với các bạn cùng lớp. Tôi và chị không có một người cha "bình thường", người dắt chúng tôi đi dạo quanh công viên.

Nếu ai đó lần đầu nhìn thấy tôi, họ chưa chắc nhận ra tôi là người mang 2 dòng máu. Tôi cao, màu da và màu mắt khác chút ít mọi người. Tôi từng gặp nhiều người Séc trông còn kỳ quặc hơn nhiều. Người ta chỉ đặt câu hỏi khi biết được họ Nguyễn của tôi.

Họ Nguyễn giúp tôi được nhớ tới dễ dàng hơn, thú vị đấy chứ. Tôi có những thứ khác với mọi người. Đó là điều thực tế trong cuộc sống hàng ngày và bóng đá.

Đôi khi, tôi coi đó là một lợi thế. Tôi được chú ý nhiều hơn khi thi đấu ở giải VĐQG Séc. Điều đó dẫn tới cuộc phỏng vấn hôm nay.

Filip Nguyễn và Mạc Hồng Quân

Lần duy nhất tôi cảm thấy bất công là ở đội trẻ Sparta.

Khi ấy, tôi gặp Mạc Hồng Quân. Cậu ấy chơi rất xuất sắc, ghi nhiều bàn thắng. Tôi được biết giờ đây cậu ấy cũng khá thành công ở Việt Nam và xuất hiện trên nhiều quảng cáo.

Nhờ có Quân, chúng tôi giành chiến thắng ở giải trẻ. Lúc đó, tôi làm một việc mà thông thường ít làm là theo dõi những bình luận về bài báo nhắc tới chiến thắng của chúng tôi.

"Cái quái gì thế? Làm thế nào mà một gã "Nguyễn" lại chơi ở Sparta? Mạc Hồng Quân? Những kẻ như cậu ta đang cướp chỗ của các cầu thủ trẻ Séc".

Thủ môn Filip Nguyễn: Giống Lâm Tây đến kỳ lạ; yêu Việt Nam nhờ một lần uống bia - Ảnh 3.

Câu nói đó làm tôi tổn thương. Tôi cũng là một người Séc như họ. Tôi sinh ra và lớn lên ở Séc. Tôi là một cậu bé từ Branik, cũng giống như những cậu bé ở Mnisek hay Roudnice.

Dù đến từ đâu, tôi được ra sân vì tôi xứng đáng. Tôi không lấy chỗ của ai cả. Tôi tập luyện chăm chỉ và đủ tốt để được thi đấu. Mạc Hồng Quân cũng thế.

Những lời than vãn kia giống như việc một vài người Séc cho rằng người Việt lấy đi công việc của họ. Vậy điều gì đã ngăn cẳn những người Séc đó mở cửa hàng tiện lợi và bán đến tận 11 giờ đêm mỗi ngày? Chẳng ai ngăn họ cả. Chỉ là họ không sẵn sàng làm việc như người Việt Nam. Người Việt Nam luôn cố gắng từng ngày để giúp con cái có cuộc sống tốt hơn.

Về góc độ bóng đá. Tôi có thể hiểu được vì sao các CĐV không muốn CLB đưa về các cầu thủ gốc gác nước ngoài vì sợ rằng con em họ sẽ mất chỗ. Lần đầu tiên trong đời, tôi đối mặt với một dạng phân biệt chủng tộc.

Những người bạn của tôi đôi khi bày ra một vài trò đùa. Họ từng gọi tôi và Quân là anh em dù chúng tôi không giống nhau mấy. Đôi khi họ có nhắc đến màu da vàng và những chiếc đũa. Tôi hiểu những trò đùa của họ không có ác ý và tôi còn hưởng ứng theo.

Nhưng tôi sẽ rất thất vọng nếu như những người quen biết tôi thực sự coi sự khác biệt màu da là một vấn đề nghiêm trọng, giống như những kẻ la ó tôi.

Nhiều khi, tôi tự hỏi tại sao người ta lại làm thế. Một người ném pháo sáng trong trận đấu giữa Sparta với Plzen và kêu "hu hu hu" để chế giễu cầu thủ da đen. Tại sao anh ta lại có thể nghĩ đến chuyện sẽ làm như thế? Tại sao lại mắng chửi người khác chỉ vì gốc gác của họ?

Tôi ngồi cạnh Oscar (đồng đội người Liberia của Filip Nguyễn) trong phòng thay đồ. Cậu ấy thân thiện và tôi quý mến cậu ấy. Tôi tưởng tượng ra cảnh chúng tôi đi trên phố và tôi không tin sẽ có một kẻ lạ mặt chạy tới kêu "hu hu hu" trước mặt cậu ấy.

Có lẽ kẻ lạ mặt kia chỉ dám làm điều đó khi đang ở trong đám đông, nơi anh ta không bị chỉ đích danh. Và nếu anh ta chịu nói chuyện với cầu thủ một cách cá nhân, tôi tin 2 bên sẽ hiểu nhau.

Những lời lăng mạ đến với bạn khi bạn mang gốc gác khác biệt so với cộng đồng xung quanh. Tôi là thế hệ mang 2 dòng máu Việt-Séc đầu tiên tại nơi tôi sống. Suốt thời niên thiếu, tôi không gặp thêm ai giống mình, cho đến khi tôi biết Mạc Hồng Quân.

Tình cờ trở thành thủ môn

Tuổi thơ của tôi khá yên bình. Chuyện ly dị của cha mẹ có lẽ là nỗi bất hạnh duy nhất. Dù vậy, tôi vẫn thường xuyên gặp cha. Vì thiếu thốn, mẹ và 2 chị em tôi chuyển về Branik sống với bà. Bà có tất cả 3 người con gái. Chúng tôi sống cùng nhau trong một căn hộ có lúc lên đến 9 người.

Không ai trong gia đình nghĩ đến thể thao. Đó là lý do tại sao tôi tiếp xúc với bóng đá khá muộn, vào năm 9 tuổi.

Một cách tình cờ, những tiếng ồn từ hàng rào phía trước căn nhà thu hút tôi. Cậu bé từ chung cư đối diện đang đá một quả bóng và tôi tham gia cùng cậu ấy. Chúng tôi bắt đầu chuyển sang chơi chuyền bóng một chạm và rồi dắt nhau đến sân bóng trường học gần đó.

Tôi chưa bao giờ đến sân bóng trước đó, nhưng rồi tôi nhanh chóng trở thành "khách quen" của sân. Người bảo vệ - đồng thời là HLV thủ môn học sinh - chú ý đến tôi. Anh ấy hỏi tôi có muốn chơi cho CLB không. Lúc đó tôi không hiểu rõ nhưng vẫn đồng ý.

Tôi nhận ra mình thích bắt gôn khi đá bóng với bạn. Tôi thích cảm giác nhảy lên cao, vượt trên tất cả mọi người, bắt lấy trái bóng và lăn vài vòng trên mặt đất.

Thủ môn Filip Nguyễn: Giống Lâm Tây đến kỳ lạ; yêu Việt Nam nhờ một lần uống bia - Ảnh 4.

Dù vậy, ban đầu tôi đá vị trí hậu vệ ở Branik. Cơ hội chỉ đến khi thủ môn của đội bóng tỏ ra chán nản với vị trí "gác đền". Anh ta cố tình tránh những cú sút của đội bạn và chạy lên rất cao. Cuối cùng, anh ta đứng ra một bên và khoanh tay, tỏ vẻ không muốn bắt gôn nữa. HLV hỏi ai muốn bắt thay, tôi đứng gần đó nhất và được chọn. Kể từ sau đó, tôi không bao giờ rời khung thành nữa.

Thủ môn Filip Nguyễn: Giống Lâm Tây đến kỳ lạ; yêu Việt Nam nhờ một lần uống bia - Ảnh 5.

 Ngẫm lại, hồi đó tôi nhận vị trí thủ môn chỉ vì không muốn chạy nữa, nhưng giờ thì tôi biết mình có những thứ đáp ứng được cho vai trò "gác đền". Cha tôi cao 1m50, mẹ tôi cũng bình thường, nhưng tôi thì đã cao tới 1m90. Mọi người cũng nhận xét rằng trong tôi có sự nhanh nhạy của một người châu Á.

Branik là một đội bóng nhỏ với những cậu bé thuộc gia đình bình thường, không có những kẻ hợm hĩnh và những người cha ép con theo đuổi bóng đá. Chúng tôi chơi bóng vì niềm vui là chính, không ai nghĩ xa đến việc thi đấu chuyên nghiệp. Sau này, đồng đội tôi trở thành bác sĩ hoặc luật sư khá nhiều.

Thế nên khi tôi rời Branik đến Sparta năm 15 tuổi, tôi cảm thấy mình như mình cần nói lời xin lỗi.

Giấc mơ lung lay dữ dội

Vaclik, Marek Cech, Stech, Bicik..., có một số "Nguyễn" ở phía sau họ. Những niềm hi vọng sẽ không trở thành hiện thực nếu không có một hợp đồng để thúc đẩy họ tiến lên. Ở tuổi 18, tôi kiếm được 25.000 Koruna (khoảng 25 triệu đồng) với vai trò thủ môn số ba hoặc số bốn ở Sparta. Tôi cũng được hưởng những cơ sở vật chất và dịch vụ tốt nhất.

"Chúng tôi không cần cậu, cậu có thể đi. Bảo trọng nhé", một ngày đội bóng nói như thế.

Chỉ sau một cái búng tay, tôi phải rời đội, không tiền, gần như không còn hi vọng. Tôi cảm thấy mọi thứ thật tồi tệ, có lẽ là tồi tệ nhất từ khi sinh ra.

Thủ môn Filip Nguyễn: Giống Lâm Tây đến kỳ lạ; yêu Việt Nam nhờ một lần uống bia - Ảnh 6.

 Rất nhiều người bạn cùng tuổi với tôi, những tài năng lớn, vượt hơn tôi, đã mất đi động lực khi rời Sparta. Họ không muốn đến những giải đấu thấp hơn, họ muốn tìm đến những nơi họ có thể nhận mức lương tương tự. Họ cần bảo hiểm, cần những tư vấn tài chính và hơn thế.

Tôi không phải là cầu thủ tốt nhất. Nhưng tôi trụ vững được vì tôi là người không bỏ cuộc.

Chẳng có CLB nào quan tâm đến tôi. Tôi phải gửi video đi khắp nơi, cho tới khi đội hạng ba Novy Bydzov chú ý tới tôi. Trong lúc chờ đợi, tôi làm một công việc bình thường.

Các cầu thủ bóng đá thường có cái tôi cao và không chấp nhận điều đó, may mắn là tôi không thế. Ngay cả khi tôi đã theo đuổi bóng đá nhiều năm, tôi không nghĩ mình khác mọi người. Tôi đã làm công việc bán hàng qua điện thoại một thời gian. Rồi tôi lại chuyển qua đi giao thức ăn cho các trường học. Kể ra tôi cũng hợp với công việc đó đấy chứ.

Tôi thức dậy lúc 7 giờ sáng. 8 giờ sáng tôi ở trong xe tải và chất những chiếc thùng to vào xe. Tôi đi các trường học để giao thức ăn. Giao xong rồi, tôi lau sạch sẽ chiếc xe, ăn bữa trưa miễn phí và đi một tiếng rưỡi đến nơi tập luyện bóng đá.

Bằng cách nào đó, dọn dẹp xong tôi trở về kịp Prague. Tôi nhận được 10.000 Koruna (khoảng hơn 10 triệu đồng) tiền lương một tháng và thêm 2000 nữa vì đá bóng (cho CLB Novy Bydzov). Tôi sống như thế 2 năm trước khi được CLB hạng nhì Vlasim đặt vấn đề. Mặc dù phải thay đổi cộng việc giao hàng do các buổi tập sáng và gặp khó khăn về tài chính, bóng đá đã thúc đẩy tôi.

Suốt những ngày khó khăn đó, mẹ luôn động viên tôi.

Tôi nhận ra bà hi sinh mọi thứ cho tôi. Bà từng vay mượn để mua giày đá bóng. Bà từng rất yêu thích ngựa, nhưng sau này bà buộc phải bỏ niềm vui đó, nhường lại cho bạn bè. Tất cả mọi thứ trong nhà tôi đều tập trung cho bóng đá. Đúng như nghĩa đen, tất cả những gì chúng tôi có thể chi trả và vay mượn.

Khi phải rời Sparta, tôi nhất quyết không từ bỏ cũng vì mẹ tôi. Tôi đã hứa với bà năm tôi 12 tuổi rằng mình sẽ trở thành một cầu thủ bóng đá, một ngôi sao.

Mẹ tôi rất tin tưởng tôi. Mặc dù phải "giật gấu vá vai", bà không bao giờ phàn nàn. Bà không biết rằng tôi có thể được CLB nào thu nhận không, nhưng bà muốn tôi theo đuổi ước mơ và phải vui vẻ.

Vì thế nên tôi quyết chiến đấu.

Từ Vlasim đến Slovan Liberec

Tôi đến Vlasim. Từ vị trí thủ môn thứ ba, tôi có mặt trong danh sách dự bị và rồi giành suất đá chính.

Cũng trong thời gian này, tôi đã về Việt Nam thử việc. Đội bóng muốn tôi ở lại, đó là đội bóng thuộc top đầu giải đấu. Nhưng nếu nhận lời, tôi khó lòng trở lại châu Âu. Vì thế tôi quyết định nếu có cơ hội sẽ trở về Việt Nam sau.

Quyết định đó cuối cùng là đúng đắn. Một năm rưỡi ở Vlasim giúp tôi được Slovan Liberec để mắt tới. Tôi chuyển đến đó, đóng vai trò thủ môn dự bị. Và rồi dần dần chiếm được vị trí số một trong khung thành.

Ngay từ những ngày đầu, tôi đã luôn coi trọng những thứ mà nhiều người không quá chú ý. Đôi khi đó là những điều rất nhỏ nhặt. Nhiều người nhanh chán đôi giày của mình và vứt đi chỉ sau một tháng. Tôi thì khác. Tôi nhận được giày miễn phí, nhưng thực ra nó đâu thực sự miễn phí. Ai đó đã trả tiền để tôi có giày. Tôi từng kiếm tiền từ những việc nhỏ nhặt nhất, vì thế tiết kiệm đã ngấm vào máu của tôi.

Có người càu nhàu vì phải dậy sớm để tập luyện buổi sáng. Tôi nhớ lại 3 năm trước đó, khi tôi phải cắm đầu vào làm việc và không ai hỏi tôi có muốn làm việc hay không. Tôi phải làm, để chi trả những hóa đơn chờ đợi. Chỉ cần có cơ hội với bóng đá, tôi sẽ chớp lấy. Nhờ bóng đá, tôi sẽ kiếm được tiền và có thể không cần làm những công việc trước kia nữa, hoàn toàn tập trung theo đuổi ước mơ từ bé.

Mẹ tôi là người khiến tôi có suy nghĩ đó.

Mẹ đi bước nữa, nhưng vẫn luôn dồn tâm trí dõi theo mọi bước đường của tôi. Cha dượng tôi thu thập tất cả những bài báo viết về tôi, cắt ra để lưu lại. Ông đưa mẹ tôi đến những trận đấu của tôi, ở Olomouc, Ostrava, Zlin...

Tôi luôn nghe thấy tiếng mẹ trên khán đài. Mẹ tôi hiểu bóng đá, nhưng đôi khi bà hơi... quá khích. Đặc biệt nếu như bà nghĩ trọng tài bắt không chuẩn hay đội bạn phạm lỗi với tôi.

Bà có mặt ở Slavia, khi người ta chửi rủa tôi. Bà nghe thấy hết, nhưng tôi biết bà không buồn, vì bà biết tôi cảm thấy thế nào. Thực tế thì bà đã phải chịu đựng những thứ còn khủng khiếp hơn nhiều trong suốt nhiều năm, vượt xa những lời la ó trên khán đài. Chúng tôi chưa bao giờ thực sự nói chuyện về điều đó, nhưng tôi cảm thấy được những lời đàm tiếu, những thái độ xấu đối với mẹ tôi khi bà lấy chồng Việt Nam.

Cô bạn gái và lần uống bia "định mệnh"

Bạn gái tôi Aneta cũng từng trải qua những điều tương tự, cũng bởi vì cô ấy có một nửa dòng máu Việt Nam. Khi tôi còn chơi ở Vlasim, tôi gặp cố ấy ở phòng gym. Chỉ nhìn qua là cô ấy biết tôi cũng là một người mang 2 dòng máu Việt-Séc.

Cô ấy bị thu hút về điều đó. Chúng tôi liên lạc, trò chuyện với nhau, dần dần hiểu nhau. Chúng tôi có chung quan điểm, chung những niềm vui.

Thủ môn Filip Nguyễn: Giống Lâm Tây đến kỳ lạ; yêu Việt Nam nhờ một lần uống bia - Ảnh 8.

 Khi chúng tôi quen nhau, tôi chẳng là ai cả, chỉ là một gã thủ môn vô danh ở giải hạng hai. Tôi biết cô ấy yêu tôi không phải vì những thành công đến sau đó. Tôi hạnh phúc vì kể từ khi có cô ấy ở bên, sự nghiệp tôi ngày càng thăng hoa hơn.

Thật vui khi chúng tôi có nhiều điểm chung, và một trong số đó là gốc gác Việt Nam. Không giống như nhiều bạn bè của Aneta, tôi có thể hiểu được những gì bố cô ấy nói, vì ông nói rất giống tôi. Và tôi luôn cố gắng diễn đạt mọi thứ một cách đơn giản nhất có thể với ông. Mỗi khi trò chuyện với nhau, chúng tôi thường nói về bóng đá.

Aneta, giống như tôi, không hề biết tiếng Việt. Tôi cố gắng học tiếng Việt nhưng không được thành công lắm. Thi thoảng, chúng tôi nghĩ rằng những người cha không dạy tiếng Việt cho chúng tôi vì cùng lý do.

Chúng tôi đều là người Séc.

Tôi nhớ lại lần đầu nói chuyện với cha ở Việt Nam, khi tôi đến thử việc ở một CLB. Chúng tôi gặp nhau ở Sài Gòn và ngồi uống bia, điều tôi lần đầu được trải nghiệm. Cho đến trước cuộc gặp, Việt Nam với tôi cũng giống như các quốc gia khác như Italia hay Croatia, chỉ khác là có cái nóng đến rát mặt, ngay từ lúc rời máy bay.

Nhưng khi chúng tôi ngồi xuống với nhau, tôi dần cảm thấy mình thực sự là người Việt Nam.

Thủ môn Filip Nguyễn: Giống Lâm Tây đến kỳ lạ; yêu Việt Nam nhờ một lần uống bia - Ảnh 9.

Ai cũng có thể thành công

Mỗi lần trước trận đấu, khi mặc chiếc áo vào người, tôi đều thở mạnh. Thời khắc đó, tôi muốn nhận thức được tôi đang ở đâu và chiếc áo đấu tôi nhận được từ đâu.

Sau khi kết thúc với Sparta, tôi không bao giờ dám mơ có thể đạt được những thành tựu như hiện tại. Vì thế mỗi khi mặc lên mình chiếc áo Slovan Liberec, tôi cảm thấy biết ơn. Biết ơn những nơi, những người đã giúp đỡ tôi. Tôi dừng lại để nghĩ về con đường mình đã đi qua.

Tôi luôn hạnh phúc khi có thể làm điều gì đó giúp đội nhà giành chiến thắng. Những gì tôi có bây giờ có thể coi là phần thường cho sự kiên trì. Tôi cũng có thể truyền cảm hứng tới những người khác. Đó là lý do tôi luôn cố gắng cư xử sao cho thật đúng đắn. Tôi không muốn trở thành một kẻ bừa bãi. Tôi cố trở thành người mà những cậu bé sẽ học theo.

Tôi được biết rất nhiều CĐV Việt Nam theo dõi tôi thi đấu. Việt Nam là một đất nước yêu bóng đá rất cuồng nhiệt và CĐV luôn dõi theo những cầu thủ mang dòng máu Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Một đoạn clip về tôi được biên tập khá đơn giản nhưng cũng thu hút tới 2 triệu lượt xem, một con số rất lớn. Tôi có một vài lần trả lời phỏng vấn truyền thông Việt Nam. Ngay sau đó, tôi bỗng trở nên nổi tiếng tại đây và nhận được rất nhiều lời đề nghị kết bạn trên mạng xã hội.

Các CĐV kêu gọi tôi trở về khoác áo ĐT Việt Nam. Đúng là đã có thời điểm, tôi muốn trở về xin quốc tịch Việt Nam. Nhưng tạm thời tôi muốn tập trung vào sự nghiệp bóng đá tại châu Âu.

Thành công trong bóng đá, kể cả là những thành tựu nhỏ nhất, cũng đều rất đẹp. Tiền bạc đi kèm thành công, và bạn có thể mua nhiều thứ cho những người bạn yêu quý, giúp đỡ họ lúc khó khăn. Nhưng điều đẹp nhất mà tôi cảm thấy là những người xung quanh tôi tự hào vì tôi. Đó là mẹ, bạn gái, và thậm chí là cả người cha đã không gặp tôi nhiều năm.

Sau các trận đấu, ông Marcel Winter, Chủ tịch hội hữu nghị Séc-Việt Nam, thường gửi lời chúc mừng tôi. Tôi cảm thấy những gì mình làm được sẽ góp phần giúp đỡ các cậu bé, cô bé từ những gia đình Việt-Séc. Sẽ thật tự hào nếu như tôi có thể góp phần vào con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp tại Séc của những cầu thủ trẻ Việt Nam.

Đúc kết những gì trải qua, tôi tin rằng những trở ngại mà tôi phải vượt qua thực ra không xuất phát từ gốc gác Việt Nam mà đều thuần túy thuộc về bóng đá. Và vì đã vượt qua được một số rào cản đáng kể, tôi nghĩ tôi có thể khẳng định một điều gì đó.

Ai cũng có thể thành công, bất kể bạn là người da vàng, da trắng hay da đen.

Màu da chẳng hề quan trọng đâu!

Filip Nguyễn

Filip Nguyen và những pha cứu nguy xuất sắc tại giải VĐQG CH Czech

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại