Giờ đây, các bậc phụ huynh có thể dùng câu đe dọa ấy để cảnh tỉnh trẻ em khi đến gần những kẻ biến thái: "hãy coi chừng con quái vật".
Nhưng "con quái vật" không chỉ đến từ bên ngoài. Chúng xuất hiện ngay trong cách hành xử hời hợt, vô tình của ông bà, bố mẹ, từ tư duy không xác đáng của quan tòa.
Vô tình tạo môi trường sống cho "con quái vật"
Hôm qua, có một lời cảnh báo được chia sẻ khủng khiếp trên mạng xã hội. Chị L. (Thụy Khê, Tây Hồ, Hà Nội) kể rằng vì gia đình bận việc riêng nên gần 1 năm nay, chị thường xuyên phải đặt dịch vụ GrabBike đưa đón con đi học.
Chị ngây thơ nghĩ rằng mình sẽ bảo vệ được con chỉ bằng cách theo dõi quãng đường trên phần mềm ứng dụng và giao cho con chiếc điện thoại cùng lời dặn: Gọi ngay cho bố mẹ khi gặp vấn đề.
Chúng ta không khỏi rùng mình khi đọc lời kể ấy: "Con tôi nói khi tài xế GrabBike chở cháu bé qua Trường Đại học Y thì bắt đầu hỏi chuyện linh tinh, có những lời lẽ khiếm nhã.
Tài xế hỏi con gái tôi thích màu gì, rồi hỏi tôi thích màu gì? Cháu có bao giờ nhìn thấy ngực mẹ cháu chưa? Có biết mẹ mặc quần trong màu gì không? Thậm chí, tài xế này còn ngỏ ý cho chạm vào quần chíp của con gái tôi".
Có hay không sự thật khủng khiếp đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ. Nhưng đã thấy một điều rất rõ ràng: Người mẹ ấy đã vô tình đẩy con mình vào vòng nguy hiểm.
Không có bất cứ phần mềm nào, chiếc điện thoại nào đủ sức ngăn cản yêu râu xanh. Trong hoàn cảnh chỉ có một mình, đứa trẻ của chúng ta làm sao có thể chống cự nếu chiếc mặt nạ tài xế của kẻ biến thái đột ngột rơi xuống?!
Một người hiền lành, khi say rượu, có thể trở thành kẻ thú tính. Một người vốn biết kiềm chế chỗ đông người, có thể trở thành kẻ bệnh hoạn nếu được thoải mái ở một không gian mà nạn nhân mất đi sức kháng cự.
Khi đẩy trẻ em vào hoàn cảnh khó chống đỡ và tạo ra khoảng trống để kẻ xấu tung hoành, chúng ta đã vô tình tiếp sức cho "con quái vật". Đặt niềm tin không đúng người, không đúng lúc, không đúng chỗ, bao giờ cũng phải trả giá đắt.
Những khoảng trống chết người
Những người tố cáo Nguyễn Khắc Thủy đã nói rằng, ông này nhiều lần mời cháu bé bị xâm hại vào nhà mình chơi.
Nhưng ông Thủy chỉ thừa nhận một lần: "Lần đó thấy cháu H.A. đang đứng một mình bảo sắp đi học mà bố mẹ đi vắng không nấu cơm nên tôi bảo qua nhà tôi ăn cơm".
Một TS tâm lý đã bình luận rằng: "Những kẻ biến thái luôn sắp sẵn rất nhiều bữa cơm cài bẫy kiểu ấy".
Nhưng các bậc bố mẹ thì lại phải nỗ lực cao nhất để xóa đi khoảng trống mà con họ phải đứng một mình khi bố mẹ đi vắng và phải hạn chế những bữa cơm gia đình không kịp nấu.
Khi vụ việc đau lòng xảy ra, người lớn rất nhanh chóng xả giận dữ vào thủ phạm, vào quan tòa nếu xử chưa đúng ý, nhưng thường hay quên cảnh báo chính mình: Chúng ta đã làm những gì để thiên thần của mình tránh xa được quỷ dữ?
Cách đây vài tháng, một đứa em đã hốt hoảng gọi điện tâm sự với tôi: "Em đã tự xỉ vả mình cả tuần nay. Nếu con bé nhà em có việc gì thì cả đời em không tha thứ cho mình được".
Vì muốn dạy con tự lập nên cô ấy luôn khuyến thích con gái 5 tuổi của mình tự đi thang máy một mình, kể cả xuống sân chơi lúc 10h00 đêm.
Một hôm, trong thang máy chỉ có cô bé và gã biến thái. Khi con gái khóc thét lên đập cửa phòng, cô mới biết gã biến thái đã sờ soạng con mình. Thang máy không có camera và cô không bao giờ biết được mặt của gã đàn ông đốn mạt đó.
Xã hội có thể làm nhiều thứ để giảm thiểu yêu râu xanh, nhưng đừng bao giờ hy vọng chúng biến mất hoàn toàn tên trái đất này.
Khi chị L tố cáo tài xế quấy rối tình dục con mình, rất nhiều người xỉ vả hãng taxi. Đương nhiên, hãng taxi không thể không có trách nhiệm liên quan, nhưng chúng ta phải nhớ rằng: Không một hãng taxi nào, khi phỏng vấn nhận người, lại có thể phát hiện ra bản chất râu xanh của một tài xế, nếu hắn chưa từng có tiền sử xâm hại.
Vì vậy, hãng chỉ có thể xử lý tài xế (nếu có vi phạm) sau khi vụ việc xảy ra. Và khi ấy, tất nhiên, con cái chúng ta đã lãnh đủ.
Khi con mình bị xâm phạm, cô em nghĩ ngay đến việc chất vấn ban quản lý tòa nhà: Tại sao thang máy không có camera? Nhưng rồi cô chợt nhận ra: Sẽ còn rất nhiều nơi không thể có camera.
Cho nên, cái camera hiệu quả nhất chính là bố là mẹ là ông là bà của lũ trẻ. Nếu cái camera ruột thịt ấy còn không bao quát được con cháu mình, thì việc đứa trẻ gặp nguy hiểm, chỉ là chuyện không sớm thì muộn.
Niềm tin lung lay của quan tòa
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xử Nguyễn Khắc Thủy án treo, đã đăng đàn trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, sau khi hứng chịu siêu bão dư luận.
Phần trả lời của ông Huỳnh Ngọc Thiện cho thấy, dù là một quan tòa, nhưng rất lạ là ông lại rất thiếu niềm tin vào sự xét xử của mình. Từ đây ông Thiện đưa ra những tư duy hết sức lệch lạc.
Ông không dám xử nặng vì sợ ông Thủy đã dọa tự thiêu từ trước. Nhưng đó chưa phải chi tiết gây ám ảnh nhất.
Ông Thiện sợ rằng, nếu xử nặng, ông Thủy tuổi cao sẽ "không còn đủ sức đi tìm công lý".
Sợ rằng "nếu kết tội bằng một hình phạt tù, thì ông Thủy bị đẩy đến bước đường cùng nên tìm đến cái chết để bảo vệ danh dự và lấy cái chết để làm áp lực các cơ quan cấp trên vào cuộc điều tra".
Các cụm từ mà thẩm phán Thiện dùng "đi tìm công lý", "bảo vệ danh dự", thường chỉ dành cho những người có dấu hiệu bị xử oan sai.
Đọc cả bài phỏng vấn, cũng có thể thấy ông Thiện nghi ngại ông Thủy bị oan sai, vì vụ án chỉ dựa trên lời kể, thiếu chứng cứ trực tiếp, thời gian xảy ra vụ việc đã lâu…
Ông Thiện kết luận: "Và khi đó rất có khả năng các cơ quan có chức năng nhận thấy chứng cứ để kết tội ông Thủy là rất mong manh, như nhận định và phân tích của tôi nêu trên, để rồi sẽ kết luận ông Thủy không phạm tội.
Khi đó, HĐXX do tôi làm chủ tọa chắc chắn sẽ nhận hậu quả khủng khiếp hơn bây giờ".
Dù có vẻ không tin ông Thủy có tội, nhưng ông Thiện vẫn kết án. Và ông Thiện đã đưa ra các tình tiết giảm nhẹ khiến dư luận phẫn nộ: bị cáo là đảng viên, đóng góp lâu năm cho ngành ngân hàng, tuổi cao sức yếu…
Rất may, Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM đã kháng nghị bản án vì xét thấy những lý lẽ của chủ tọa Huỳnh Ngọc Thiện thiếu thuyết phục.
Vụ án sẽ được xét xử tiếp và kết quả hồi sau sẽ rõ, nhưng đã có thể thấy rõ một mảnh đất nuôi dưỡng "con quái vật" trong tư duy của thẩm phán Thiện.
Một thẩm phán có thể xử sai do trình độ và nhận thức chưa đủ. Nhưng tư duy lệch lạc, nghĩ một đằng xử một nẻo, thì thẩm phán ấy gây nguy hiểm hơn nhiều cho xã hội.
Khi ấy, luật pháp không có giá trị răn đe mà còn biến công lý thành diễn viên hài.