Hãy cẩn thận! Trong lúc vui thú với hình ảnh tuổi già của mình, bạn có thể đang bị ăn cắp dữ liệu cá nhân

Trí Dũng |

FaceApp, ứng dụng nổi đình nổi đám gần đây nhờ khả năng biến trẻ thành già của một nhà phát triển Nga đang bị đặt dấu hỏi lớn về vấn đề đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật cho người dùng.

Nhờ filter biến mọi người trong ảnh già thêm vài chục tuổi, FaceApp hiện đang là “hot trend" trên điện thoại di động, đứng đầu danh sách ứng dụng miễn phí ở cả Appstore của iOS và Google Play trên nền Android. Nhưng điều này cũng đồng thời dấy lên lo ngại rằng, với hàng trăm nghìn bức ảnh được đăng tải trong tuần qua, FaceApp sẽ xử lý đống dữ liệu đó như thế nào?

Hãy cẩn thận! Trong lúc vui thú với hình ảnh tuổi già của mình, bạn có thể đang bị ăn cắp dữ liệu cá nhân - Ảnh 1.

Filter tăng hàng chục tuổi cho người chụp đang hot trên FaceApp thời gian gần đây

FaceApp lần đầu được biết đến vào năm 2017. Ứng dụng cho phép thay đổi khuôn mặt người dùng bằng nhiều bộ lọc khác nhau nhờ trí thông minh nhân tạo (AI). Được biết, những bức ảnh chụp sẽ được đưa lên máy chủ xử lý trước khi quay lại với người dùng.

Chính sách của FaceApp

Theo điều khoản dịch vụ của FaceApp, ứng dụng này được quyền sử dụng những thông tin người dùng tải lên cho mục đích thương mại bao gồm tên, chân dung và giọng nói. Chưa hết, theo chính sách này, FaceApp được tiếp tục giữ lại những thông tin đã tải lên dù cho ứng dụng đã bị xóa trên các thiết bị của khách hàng. Theo công ty, động thái lưu trữ dữ liệu nhằm tuân thủ "một số nghĩa vụ pháp lý". Tuy vậy không thấy có điều khoản nào nói về thời hạn lưu trữ những thông tin kể trên.

Hơn nữa, mọi dữ liệu đó có thể được luân chuyển qua các quốc gia khác nhau - bất cứ nơi đâu FaceApp được phép hoạt động. Điều đó có nghĩa là những thông tin này có thể xuất hiện tại Nga - nơi nhóm phát triển ứng dụng đặt trụ sở dù rằng FaceApp đang sử dụng các máy chủ thuộc sở hữu của Google và Amazon tại Mỹ.

FaceApp đưa ra các điều khoản cụ thể giải quyết vấn đề quyền riêng tư

Trong bối cảnh những lo ngại về quyền riêng tư của người dùng đang tăng cao, FaceApp đã cung cấp một tuyên bố, được chia thành các điều khoản nhỏ, để làm rõ chính sách dịch vụ của mình.

Theo đó, các thông tin của khách hàng có thể được chuyển tới nhóm phát triển tại Nga. Nhưng phía công ty khẳng định mọi dữ liệu này sẽ được giữ trên máy chủ tại Mỹ. Ảnh được lưu trữ lại chỉ với mục đích làm cho quá trình chỉnh sửa hiệu quả hơn và những dữ liệu này thường được xóa sau 2 ngày làm việc.

Cũng theo FaceApp, họ sẽ ngay lập tức đáp ứng nếu người dùng yêu cầu xóa sạch những dữ liệu đã tải lên. Theo thống kê, 99% người dùng sử dụng ứng dụng này đều không đăng nhập thông qua Facebook hay Google nên công ty không có nhiều cách để xác định thông tin chính xác từ khách hàng nên việc ăn cắp dữ liệu là không xảy ra trên thực tế.

Nhưng vì sao FaceApp lại bị nghi ngờ như vậy?

Hồi năm ngoái, cựu cố vấn đặc biệt Robert Mueller đã buộc tội hơn một chục công dân Nga liên quan tới một chiến dịch truyền thông diện rộng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Cụ thể, một công ty nghiên cứu Internet có trụ sở tại thành phố St.Petersburg, Nga đã sử dụng hàng loạt các tài khoản giả mạo trên Facebook, Twitter… để truyền bá những thông tin sai sự thật trong thời gian tranh cử.

Hãy cẩn thận! Trong lúc vui thú với hình ảnh tuổi già của mình, bạn có thể đang bị ăn cắp dữ liệu cá nhân - Ảnh 2.

Một công ty công nghệ Nga bị tố tuyên truyền thông tin trái sự thật trong kì bầu cử tổng thống Mỹ 2016

Dù rằng không thể đánh đồng tất cả các doanh nghiệp công nghệ tại Nga đều có ý đồ xấu. Nhưng "con sâu làm rầu nồi canh", người tiêu dùng và các chuyên gia đã có ấn tượng không tốt và luôn đề cao cảnh giác đối với các công ty công nghệ đến từ quốc gia này. FaceApp có thể là một trong những nạn nhân như vậy.

Mặc cho phía công ty đã tuyên bố những dữ liệu này sẽ không được bán cho bất kì bên nào khác và cũng không được chuyển về Nga nhưng vẫn còn đó những lo ngại rằng tên tuổi và ảnh chân dung của các khách hàng sẽ bị sử dụng sai mục đích hoặc nhượng lại cho một công ty khác không đảm bảo.

Thêm một lưu ý nhỏ dành cho phiên bản FaceApp trên iOS. Tuy rằng thông qua cài đặt, người dùng iPhone hay iPad có thể chặn quyền truy cập bộ sưu tập ảnh của FaceApp và các ứng dụng khác. Tuy vậy, một lỗ hổng bảo mật nhỏ trên iOS 11 cho phép ứng dụng truy cập mỗi ảnh một lần nếu được người dùng cấp quyền.

Cho đến hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa phát hiện ra bất kì hoạt động bất thường nào từ phía FaceApp. Nhưng người dùng cũng không nên chủ quan. Hãy chú ý hơn trong việc kiểm soát và chia sẻ dữ liệu cá nhân với các ứng dụng trên di động.

Tham khảo Business Insider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại