Các nước châu Á tìm kiếm nhân tố kích thích kinh tế mới
Đối với châu Á, Trung Quốc cho đến nay vẫn là một thị trường lớn trong chuỗi cung ứng của khu vực, tuy nhiên nhu cầu của thị trường này hiện đang dần suy yếu, và các nước láng giềng buộc phải thực hiện các kế hoạch khác.
Các chính sách được thiết kế lại bao gồm thu hút các công ty nước ngoài đến để kinh doanh, cố gắng kích thích nhu cầu trong nước và cung cấp dịch vụ OEM (nhà sản xuất phụ tùng gốc) cho các thị trường xuất khẩu khác.
Thái Lan đã công bố "kế hoạch di chuyển", trong đó bao gồm các ưu đãi về thuế và những sửa đổi về mặt luật pháp để thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng Trung ương Indonesia hồi tuần trước đã thực hiện cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong vòng ba tháng đồng thời công bố các biện pháp để kích thích tiêu dùng trong nước. Ấn Độ và Philippines cũng đã nhiều lần tiến hành cắt giảm lãi suất.
Quá trình xuất khẩu sang Trung Quốc ở các khu vực khác của châu Á trong năm nay đã chậm lại, điều này khiến các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm thị trường thay thế. Trong nửa đầu năm 2019, xuất khẩu Nhật Bản và Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm, tuy nhiên việc xuất khẩu hàng hóa trong cùng kỳ sang Mỹ, Anh và Nga đã tăng.
Malaysia và Thái Lan cũng có sự tăng trưởng trong xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Singapore và Việt Nam.
Trao đổi với Reuters, Phó chủ tịch ngân hàng trung ương Indonesia Dody Budi Waluyo cho biết, "Những nỗ lực tìm kiếm thị trường phi truyền thống đã giúp [Indonesia] tăng cường xuất khẩu sang các nước như Chile, Qatar và Sri Lanka".
"Chúng tôi đã đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu để có thể bù đắp những ảnh hưởng do sự sụt giảm trong xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc Mỹ".
Theo phân tích của Reuters về tám nền kinh tế lớn, bao gồm Hàn Quốc, Indonesia và Đài Loan cho thấy, tính đến cuối nửa đầu năm 2019, đóng góp từ nguồn thu nhập từ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc Đại lục vào GDP nói chung đã giảm xuống 8%, so với 9.3% cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, nhu cầu trong nước đóng góp 0.7% vào tốc độ tăng trưởng GDP quý II của Nhật Bản, đủ để bù đắp 0.3% đến từ nhu cầu bên ngoài.
GDP quý II của Malaysia tăng 4.9%, được hưởng lợi mạnh mẽ từ hoạt động tiêu dùng tư nhân.
"Tăng trưởng kinh tế tại các thị trường mới nổi ở châu Á đang có dấu hiệu chậm lại, một phần do những căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, tiêu dùng tư nhân tại địa phương đã duy trì hiệu suất tốt", báo cáo cuối tháng 7 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết.
Biểu đồ thể hiện quy mô xuất khẩu của các nước châu Á sang Trung Quốc sụt giảm trong năm 2019 (Nguồn: Reuters)
Làn sóng giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Theo các chuyên gia phân tích, các công ty châu Á gần đây đã dồn dập đóng cửa các nhà máy của họ ở Trung Quốc và di chuyển dây chuyền sản xuất về bản địa, điều này sẽ giúp họ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo báo cáo được công bố tháng 9/2019 của Nomura, các công ty Đài Loan như Flexium Interconnect và Quanta Computer, SK Hynix và các công ty khác của Hàn Quốc, các công ty Nhật Bản như Mitsubishi Electric và Toshiba Machine hiện đang tìm cách chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc Đại lục.
Ngoài ra, một số công ty và doanh nghiệp của Mỹ và châu Âu cũng đã chuyển các nhà máy của họ từ Trung Quốc sang các nước có chi phí thấp hơn như Việt Nam, Philippines và Campuchia.
Nhà sản xuất đồ thể thao của Đức Puma đã chuyển một bộ phận sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam và Bangladesh, trong khi các nhà bán lẻ khác của Mỹ như Gap Inc, Steve Madden Ltd và Macy's Inc cũng đang rời khỏi Trung Quốc.
Theo các tài liệu được Reuters công bố, Ấn Độ đang nhắm mục tiêu vào các công ty bao gồm Apple, Foxconn và Wilstrong Crop.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào một số thị trường chi phí thấp trong khu vực đã tăng đáng kể, tăng hiệu suất tài khoản hiện tại và giúp các ngân hàng trung ương tại địa phương có thêm nhiều không gian để cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Từ tháng 1 - 8/2019, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt 12 tỷ USD, so với con số 11.25 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Malaysia và Thái Lan cũng chứng kiến sự gia tăng của FDI.
Theo Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện nghiên cứu kinh tế Oxford cho biết, các quy trình sản xuất đòi hỏi kỹ năng lao động cao sẽ được chuyển đến những nơi như Hàn Quốc và Đài Loan, trong khi các quy trình sản xuất khác có thể được chuyển sang các nước như Ấn Độ và Việt Nam.
"Trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhiều công ty đã lên kế hoạch chuyển đi vì chi phí sản xuất ở Trung Quốc đã tăng. Nhưng sau đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã trở thành một tác nhân kích thích để đẩy nhanh quá trình này."