Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian, cuộc chiến ở Dải Gaza có thể sẽ tái bùng phát và leo thang về cả quy mô lẫn phạm vi xung đột, nếu các bên (cả Israel và Hamas) phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được, dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào ngày 24/11.
Nggoại trưởng Iran cảnh báo cộng đồng quốc tế về viễn cảnh quy mô xung đột có thể mất kiểm soát nếu thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas không được các bên tham gia xung đột duy trì nghiêm túc, dưới sự góp sức của cộng đồng quốc tế.
Theo ông Hossein Amir Abdollahian, nếu xung đột tái bùng phát thì tình hình trong khu vực sẽ không còn như trước khi ngừng bắn và không ai có thể kiểm soát được quy mô của cuộc chiến.
Được biết, Ngoại trưởng Iran đưa ra tuyên bố này tại Beirut, trong chuyến thăm lần thứ hai tới Lebanon, kể từ khi Hamas tấn công tên lửa vượt qua dải Gaza hồi đầu tháng 10 vừa qua, khiến bùng nổ xung đột giữa nhóm vũ trang Palestine Hamas và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Tại Beirut, nhà ngoại giao hàng đầu của Iran đã gặp Tổng thư ký Phong trào dân quân Hezbollah của Lebanon là ông Hassan Nasrallah, vị thủ lĩnh của các chiến binh người Shiite thường xuyên đe dọa Tel Aviv về một “mặt trận thứ hai” ở biên giới phía bắc của Israel.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran cũng đã có cuộc hội đàm với lãnh đạo phong trào Jihad Hồi giáo Palestine Ziad al-Nahale và thành viên Bộ Chính trị Hamas là ông Khalil al-Hayya, tại Lebanon.
Theo bình luận của giới truyền thông, rất có thể là các nhà đàm phán của Iran, Hezbollah, Jihad, Hamas đã thảo luận về triển vọng của thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được giữa Israel và Hamas và những gì sẽ xảy ra tiếp theo thỏa thuận ngừng bắn tạm thời này.
Ngoài ra, chắc chắn là quan chức Iran và lãnh đạo các nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn cũng sẽ thảo luận về khả năng tiếp tục xảy ra các hành động thù địch chống lại Israel, một khi thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ.
Mặc dù Tehran thường xuyên nhận được cảnh báo từ Washington và Tel Aviv về việc Iran sẽ gánh chịu hậu quả xấu nến can dự vào cuộc xung đột giữa Israel với nhóm vũ trang Palestine, nhưng Iran từ trước đến nay đã hết sức hậu thuẫn cho Hamas và hỗ trợ nhiều nhóm chiến binh khác ở Trung Đông.
Nước này mặc dù không tung ra bất cứ hành động thù địch nào đối với Israel nhưng ngấm ngầm chỉ đạo, cung cấp tiền bạc, viện trợ vũ khí và chuyển giao công nghệ chế tạo vũ khí, biến các nhóm vũ trang người Shiite thành công cụ trọng “cuộc chiến ủy quyền” với Israel.
Thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Hamas và Israel chắc chắn đã được sự chấp thuận của Iran, với những điều kiện mà Tehran coi là “có thể chấp nhận được”.
Nhưng nếu sau này Mỹ và Israel không đáp ứng những yêu cầu này hoặc Tel Aviv cố chấp tiếp tục chiến dịch quân sự ở dải Gaza, chắc chắn cuộc xung đột sẽ tái bùng phát với sự tham gia của nhiều nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn như Hezbollah ở Lebanon; các nhóm dân quân Shiite ở Syria và Iraq; tổ chức Jihad và Hamas ở Palestine; cùng với nhóm vũ trang Houthis ở Yemen.