Một số vùng ở Anh trong đó có Scotland và thủ đô London đã lên tiếng vẫn muốn ở lại Liên minh châu Âu.
Một ngày sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu, trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 23/6, Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon tuyên bố, Scotland muốn thảo luận ngay lập tức với Liên minh châu Âu để bảo vệ vị trí của Scotland trong Liên minh châu Âu.
Phát biểu sau cuộc họp chính quyền khẩn cấp diễn ra hôm qua, bà Sturgeon cũng tiết lộ rằng chính quyền Scotland đang chuẩn bị đưa ra dự thảo luật cho phép tiến hành cuộc trưng cầu ý dân thứ hai như mong muốn của hầu hết người dân, về việc trở thành quốc gia độc lập và tách khỏi Vương quốc Anh, trong khi tiếp tục thảo luận về vị trí của khu vực này tại Liên minh châu Âu.
Thủ hiến Scotland cũng khẳng định, chính quyền Scotland đã nhất trí sớm tiến hành các bước đi cần thiết để đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc trưng cầu ý dân này.
Bà Scotland nói: “Tôi có thể xác nhận rằng, trong một vài ngày tới, tôi sẽ thành lập một ủy ban cố vấn gồm các chuyên giá có thể tham vấn cho tôi và chính quyền Scotland về một số vấn đề quan trọng như: luật pháp, tài chính và ngoại giao.
Ủy ban này cũng có nhiệm vụ thu thập tiếng nói từ khắp các diễn đàn chính trị ở Scotland về tương lai của Scotland.
Trong cuộc thảo luận của chính quyền, chúng tôi đã tập trung vào những vấn đề mà chúng tôi cần phải làm để bảo vệ mối quan hệ của Scotland với Liên minh châu Âu và chỗ đứng của Scotland trong thị trường chung”.
Thống kê cho thấy, trong cuộc trưng cầu ý dân tại Anh ngày 23/6 vừa qua, có đến 62% người dân Scotland muốn được ở lại “ngôi nhà chung" Liên minh châu Âu.
Theo một kết quả khảo sát mới nhất được công bố hôm nay, hơn một nửa người dân Scotland ủng hộ tách vùng lãnh thổ này ra khỏi nước Anh với mong muốn đảm bảo tư cách thành viên của Scotland tại Liên minh châu Âu.
Kết quả cuộc khảo sát của công ty thăm dò dư luận Panelbase đăng trên tạp chí The Sunday Times cho thấy, có đến 52% số người được hỏi ủng hộ Scotland tách khỏi Vương quốc Anh và trở thành quốc gia độc lập, trong khi 48% phản đối.
Kết quả này hoàn toàn trái ngược với kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 về vấn đề này khi có tới 55% số người đã bỏ phiếu phản đối việc tách khỏi Vương quốc Anh.
Cùng quan điểm với Thủ hiến Scotland, thị trưởng thủ đô London Sadiq Khan trong một phát biểu mới nhất đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ Anh phải cho thủ đô London “một chân” trong bàn đàm phán khi Anh tiến hành đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu để đảm bảo cho London được quyền tiếp cận với thị trường chung châu Âu, cũng như các quyền về thương mại, việc làm và đầu tư.
Theo ông Khan, quyết định Anh rời Liên minh châu Âu có thể làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư của Anh, nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, đồng thời đe dọa tới vai trò của thủ đô London, vốn được xem là thủ phủ tài chính toàn cầu.
“London là một trong các khu vực tại Anh đã bỏ phiếu ở lại châu Âu. Khoảng 60% số người dân London đã bỏ phiếu vì điều này. Chúng tôi rất thất vọng vì việc Anh quyết định rời Liên minh châu Âu.
Nước Anh đang bị chia rẽ. Công việc của tôi là phải mang mọi người lại với nhau và hóa giải những bất đồng.
Điều mà tôi muốn nói với Chính phủ là chúng tôi cần một chân trong bàn đàm phán. Chúng tôi phải có quyền tiếp cận với thị trường chung, với 500 triệu khách hàng tiềm năng.
Vì sao ư? Vì các hoạt động đầu tư, thương mại và việc làm của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào việc tiếp cận thị trường. Chính phủ cần công nhận điều đó”, ông Khan nhấn mạnh
Trong một diễn biến có liên quan, hai ngày sau cuộc trưng cầu ý dân với kết quả 51.9% cử tri Anh ủng hộ nước này rời khỏi Liên minh châu Âu, tính đến nay đã có hơn 2 triệu người dân Anh ký vào một bản kiến nghị kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần hai ở nước này.
Trong số những chữ ký trên, phần lớn là những người sống tại các thành phố lớn của vùng England, đứng đầu là thủ đô London.
Thậm chí, có người đưa ra yêu cầu riêng đối với Thị trưởng Khan tuyên bố tách thủ đô London khỏi Vương quốc Anh và nộp đơn xin ra nhập Liên minh châu Âu.
Theo nội dung bản kiến nghị trên trang đăng ký thỉnh nguyện thư của Nghị viện Anh kêu gọi chính phủ thực thi một điều khoản quy định: nếu kết quả một cuộc trưng cầu ý dân nhận được dưới 60% số người ủng hộ và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu dưới 75% thì sẽ phải tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai.
Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 vừa qua, tỷ lệ cử tri Anh tham gia bỏ phiếu là 72,2% và phe ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu chỉ giành được chiến thắng sít sao với 51,9% ủng hộ.
Đây là bản kiến nghị thu hút được nhiều chữ ký hơn bất kỳ bản kiến nghị nào khác trên trang mạng của Nghị viện Anh.
Theo quy định, khi đơn đề nghị thu thập được hơn 100.000 chữ ký, cơ quan lập pháp Anh sẽ phải cân nhắc tiến hành thảo luận.
Ủy ban kiến nghị thuộc Nghị viện Anh, nơi đang xem xét liệu có trình đề xuất này lên Hạ viện hay không, dự kiến sẽ họp và thảo luận về vấn đề này vào ngày 28/6 tới./.