Mỹ đã cáo buộc Nga tìm cách gây bất ổn cho châu Âu và kêu gọi Serbia hành động ngăn cản các hoạt động tình báo của Moscow đối với Belgrade.
Bất ngờ về đoạn phim bị rò rỉ
Tổng thống Serbia Alexanderar Vucic tuần trước cho biết ít nhất một điệp viên Nga đã liên lạc với các thành viên trong lực lượng quân đội nước này sau khi đoạn phim giám sát về một cuộc họp như vậy được đăng tải lên mạng.
Ông nói rằng đoạn video được quay vào tháng 12 năm ngoái và ghi lại cảnh cựu phó tùy viên quân sự Nga tại Serbia Georgy Kleban đưa một túi nhựa chứa một phong bì đựng đầy tiền mặt cho một trung tá người Serbia đã nghỉ hưu – người được xác định là ZK.
Ông Vucic cho biết đoạn phim này không do lực lượng an ninh của Belgrade ghi lại nhưng họ "đã thu thập bằng chứng về mặt âm thanh và video hình ảnh về liên hệ giữa Kleban và các thành viên của quân đội Serbia trong "vài dịp khác".
Tuy nhiên, ông Vucic cho biết ông không đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về vụ bê bối gián điệp và khẳng định điều này sẽ không làm tổn hại đến mối quan hệ chặt chẽ giữa Belgrade và Moscow, hoặc tạo nên ảnh hưởng gì xấu đến chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Serbia dự kiến vào ngày 4/12.
Điện Kremlin, trong khi đó, đã cho rằng các cường quốc phương Tây đang cố gắng làm mất uy tín của Nga và tăng áp lực lên Serbia để cắt đứt quan hệ chính trị, quân sự và kinh tế của họ đối với Moscow trong bối cảnh đang có một cuộc canh tranh địa chính trị nhằm gây ảnh hưởng ở Balkan.
Chúng tôi lo ngại về các báo cáo đề cập tới sự can thiệp không thích hợp của Nga vào Serbia. Hoa Kỳ ủng hộ các nỗ lực của Serbia trong việc tiến hành điều tra vấn đề này và kêu gọi chính phủ (Serbia-pv) buộc những người có liên quan tới các hoạt động bất hợp pháp này phải chịu trách nhiệm, một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói với Radio Free Europe.
Chính phủ Nga đang tìm cách gây bất ổn cho châu Âu thông qua áp lực quân sự, hoạt động có hại trên mạng và gây tác động tiêu cực ở nhiều quốc gia là đồng minh, đối tác và bạn bè của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã làm rõ với chính phủ Nga ở cấp cao nhất: các ông phải chấm dứt các hoạt động gây bất ổn của mình trên khắp thế giới".
Không rõ ai đã quay đoạn phim giám sát chất lượng cao trên hoặc đăng nó lên YouTube vào tuần trước, nhưng điều đó đã khiến ông Vucic và các quan chức Belgrade khác gặp lúng túng khi lâu nay vẫn đề cập tới Nga là một quốc gia anh em có chung truyền thống Slavic và Chính thống giáo, đang bảo vệ lợi ích của Serbia và ủng hộ lập trường phản đối của Belgrade đối với sự độc lập của Kosovo.
Khó xoay chuyển Serbia – Nga
Nga đã cung cấp xe tăng và máy bay chiến đấu cho Belgrade trong những năm gần đây và tháng trước đã gửi quân đội và các thiết bị công nghệ cao tới Serbia trong các cuộc tập trận quân sự mới nhất của họ. Theo đó, ông Vucic cũng xác nhận đã mua một hệ thống phòng không tiên tiến của Pantsir từ Moscow.
Tất nhiên, chúng tôi lo ngại không chỉ về việc triển khai các thiết bị quân sự của Nga trên lãnh thổ Serbia, mà còn về khả năng Serbia có được các hệ thống quân sự quan trọng của Nga, ông Matthew Palmer, một đặc phái viên cao cấp của Mỹ tại Balkans, cho biết trong tháng này.
"Chúng tôi hy vọng các đối tác Serbia của chúng tôi sẽ cẩn thận và thận trọng về bất kỳ giao dịch nào như vậy", quan chức Mỹ trên cho hay.
Hoa Kỳ đã trừng phạt ngành công nghiệp vũ khí quy mô lớn của Nga để đáp trả hành động của Moscow tại Ukraine và Thomas Zarzecki, một quan chức bộ ngoại giao giám sát việc thực hiện các biện pháp đó, đã gặp các quan chức Serbia vào ngày 8/11.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Belgrade cho biết mục đích của chuyến thăm này là không công bố quyết định trừng phạt, và các nhà ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Serbia để đảm bảo rõ ràng về vấn đề này và tránh hiểu lầm.
Serbia từ chối ký các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và trong khi vẫn hướng đến việc trở thành thành viên EU. Họ cũng không muốn tham gia NATO, không giống như phần còn lại của khu vực Balkan, nơi Moscow đang dần mất ảnh hưởng tại Montenegro, Hy Lạp và Bulgaria.
"Ông Vucic có thể đang chơi một trò chơi nước đôi", Dimitar Bechev, một chuyên gia về Balkans tại Đại học Bắc Carolina, nói về vụ bê bối tình báo mới nhất.
Vụ việc này phần nào giúp cho ông ấy, vì bây giờ ông ấy có thể đi đến phương Tây và nói: 'Bạn thấy đấy, tôi cũng là nạn nhân của sự can thiệp của Nga, giống như các ông ở phía bên kia Đại Tây Dương, vì vậy mọi thứ các ông nghe về sự thân thiết của tôi với Nga là không chính xác, chuyên gia này cho hay.
Lúc này dường như có lẽ có ai đó khiến ông Vucic phải bối rối, Bechev nói với tờ Irish Times.
Bất cứ ai đứng đằng sau nó, tôi không nghĩ rằng nó sẽ gây ra một bước ngoặt lớn với người Nga hoặc Serbia sẽ cắt đứt quan hệ với họ. . .Ông Vucic sẽ cố gắng tăng cường thông tin về sự thân thiết với phương Tây trong một khoảng thời gian, nhưng tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ đảo ngược bất kỳ thỏa thuận nào ông ấy đã thực hiện với người Nga, theo Bechev.