Hãng tin Reuters nhận định, chiến thắng vang dội của bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử Đài Loan cho thấy các chính sách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hòn đảo này đang bị chính người dân Đài Loan từ chối. Có thể thấy, gần như chắc chắn Bắc Kinh sẽ thắt chặt hơn nữa thái độ với Đài Bắc.
Sau bài phát biểu quan trọng của ông Tập một năm trước, Trung Quốc công khai thể hiện mong muốn Đài Loan chấp nhận mô hình "một quốc gia, hai chế độ" giống với Hong Kong.
Bà Thái Anh Văn đã ngay lập tức từ chối ý tưởng trên. 6 tháng sau, cuộc biểu tình nổ ra tại Hong Kong có vẻ như càng củng cố quyết tâm của bà Thái muốn khắc họa Trung Quốc như một thế lực ảnh hưởng tới dân chủ và tự do của Đài Loan.
Tuy nhiên, phản ứng của Bắc Kinh sau ngày 11/1 không hề chậm trễ khi tuyên bố, họ sẽ không thay đổi chính sách.
"Tôi nghĩ rằng cuộc thảo luận giờ đây ở Bắc Kinh là về gia tăng sức ép hơn nữa", bà Jude Blanchette đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington đánh giá.
Trung Quốc nói Đài Loan là lãnh thổ của mình trong khi Đài Loan khẳng định họ là một quốc gia độc lập với tên gọi Cộng hòa Trung Quốc.
Theo Reuters, có rất nhiều cách để gia tăng áp lực cho Đài Loan hậu bầu cử, bao gồm nhiều hành động mà Trung Quốc từng thực hiện: mở rộng tập trận quân sự xung quanh Đài Loan hoặc tìm cách "lôi kéo" 15 đồng minh còn lại của Đài Bắc. Bắc Kinh cũng có thể rút khỏi mọi thỏa thuận thương mại quan trọng từng ký kết hơn một thập kỷ trước.
Hôm thứ Hai (13/1), tờ báo Trung Quốc Hoàn Cầu cảnh báo, hành động quân sự có thể là bước tiếp theo.
"Chúng ta cần có một kế hoạch để dập tắt các hành động khiêu khích mới của bà Thái, kể cả thông qua áp lực quân sự", tờ báo viết.
Trung Quốc đã hai lần cử tàu sân bay mới hoạt động đi qua eo biển Đài Loan trước thềm bầu cử. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của bà Thái, nhiều lần máy bay ném bom Trung Quốc cũng đã xuất hiện xung quanh Đài Loan.
Ông Zheng Zhenqing, một chuyên gia về Đài Loan tại Đại học Thanh Hoa nói, viễn cảnh Trung Quốc sử dụng thêm sức ép quân sự đối với Đài Loan "là một điều thực tế có thể xảy ra".
Một nhà ngoại giao nắm rõ quá trình hoạt định chính sách tại Bắc Kinh và Trung Quốc, có thể Chủ tịch Tập Cận Bình đã không được cung cấp "bức tranh" đầy đủ về những gì đang xảy ra tại Đài Loan bởi vì các quan chức dưới quyền ông sợ hãi khi phải báo cáo các tin tức xấu.