Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng.
Theo đó, mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng 2 bến container số 5, số 6 tại khu bến cảng Lạch Huyện, TP. Hải Phòng nhằm từng bước xây dựng khu bến cảng container hiện đại theo quy hoạch được phê duyệt.
Bên cạnh đó, dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc trực tiếp đến thị trường châu Âu, châu Mỹ; khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (hệ thống cảng biển, logistics và khu công nghiệp sau cảng) thúc đẩy kinh tế - xã hội TP. Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.
Địa điểm thực hiện dự án là khu bến cảng Lạch Huyện, khu vực đảo Cát Hải, TP. Hải Phòng. Thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm.
Về quy mô, dự án đầu tư xây dựng 2 bến cảng với chiều dài 750m (mỗi bến dài 375m) tiếp nhận cỡ tàu container đến 100.000 DWT (tương đương sức chở 8.000 Teus); 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà lan sức chở 48 Teus; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện; quy mô sử dụng đất khoảng 47 ha.
Vốn đầu tư thực hiện dự án là 6.425,2 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco là nhà đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2020 - 2025) là 6.072,976 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2030 và sau 2030) là 352,236 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chiếm 15% tổng vốn đầu tư, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác chiếm 85% tổng vốn đầu tư.
Tiến độ thực hiện giai đoạn 1 dự kiến thời gian xây dựng trong 4 năm kể từ khi phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư; giai đoạn 2 dự kiến thời gian xây dựng trong 1 năm, thời điểm xây dựng phù hợp với nhu cầu hàng hóa thông qua cảng.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hải Phòng kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án của Hateco theo đúng quy định về pháp luật đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, các pháp luật khác có liên quan, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của nhà đầu tư (vốn tự có, tự bổ sung, tự huy động và vốn vay) theo tiến độ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hải Phòng cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn Hateco khẩn trương thực hiện quy trình thủ tục đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
"Chỉ được triển khai kự án khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
UBND TP. Hải Phòng cũng được giao chỉ đạo các cơ quan liên quan và hướng dẫn Hateco khẩn trương thực hiện thủ tục ưu đãi về thuế và các chính sách liên quan theo quy định của pháp luật; phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc (nếu có) trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án.
Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco, Phó thủ tướng yêu cầu phối hợp với các doanh nghiệp cảng tại khu vực trong quá trình đầu tư, khai thác, sử dụng cảng biển, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả khai thác cảng nước sâu và năng lực cạnh tranh với các cảng biển quốc tế và cảng biển khu vực.
Hateco mạnh cỡ nào?
Hateco là doanh nghiệp có trụ sở tại Lô 19.42, khu đô thị mới Trần Lãm, phường Trần Lãm, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình; được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào tháng 11/2004.
Tính đến cuối năm 2016, Hateco có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó ông Trần Văn Kỳ nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu lên tới 97,76% vốn điều lệ. Cổ đông cá nhân còn lại là bà Hoàng Thị Xuân, nắm giữ 1,518% vốn điều lệ.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, đến cuối tháng 10/2020 vừa qua, Hateco có vốn điều lệ đạt 6.900 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.
Về kết quả kinh doanh, năm 2019, Hateco ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.927 tỷ đồng, báo lãi thuần ở mức 391 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 20%. Vào các năm 2017 và 2018, Hateco phát sinh doanh thu không đáng kể, báo lỗ thuần lần lượt ở mức 17,4 tỷ đồng và 276,5 tỷ đồng.
Hateco nổi tiếng với hàng loạt dự án bất động sản lớn như khu đô thị Trần Lãm tại TP. Thái Bình (quy mô 12ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng); Hateco La Roma tại lô số 4A phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội (quy mô 3,500m2, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng); Hateco Apollo trên trục đường 70, TP. Hà Nội (quy mô 4,5ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng); Hateco Green Park, Hateco Green City.
Trước khi thành lập Hateco, ông Trần Văn Kỳ từng công tác tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Trong giai đoạn 2008 – 2013, ông Kỳ còn là Ủy viên HĐQT CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HBS).