Hát như Tùng Dương, Bolero mới có nguy cơ bị thụt lùi?

Bông Hoa |

Tùng Dương nói anh biết hát Bolero nhưng nghe cách anh hát, khán giả không thể tin vào điều đó.

4 tháng sau phát ngôn ồn ào "Già trẻ lớn bé đắm đuối Bolero là sự thụt lùi", Tùng Dương quyết định chứng minh anh cũng có thể hát Bolero ngay trên sân khấu. Nghe anh hát xong, khán giả Hà Nội vỗ tay rần rần.

Có hai lý do cho sự hào hứng đó: Thứ nhất vì họ đã trót yêu anh, thứ hai là vì bất ngờ đó khá thú vị, chứ chắc chắn không phải vì anh cũng biết hát Bolero. Bởi từ cổ chí kim, chẳng ai hát Bolero như Tùng Dương.

Thể loại "nhạc nước máy" rặt miền Nam ấy vốn dĩ không cần những cú gằng giọng, bù lại càng mượt mà càng bắt tai.

Bất kỳ ai từng nghe Tuấn Vũ, Như Quỳnh, Tâm Đoan hay Thanh Hà hát Hai mùa Noel đều sẽ có cảm nhận khác hoàn toàn với những gì Tùng Dương đã thể hiện trên sân khấu đêm Giáng sinh tại Hà Nội.

Tùng Dương hát Bolero.

Hai mùa Noel - Tuấn Vũ.

Huống gì, để gọi là thể hiện thành công một bài hát Bolero, ca sĩ phải chuyển tải được cái tình trong từng câu chữ. Điều này Tùng Dương chưa thể làm được. Hoặc cũng có thể do anh bận rộn với việc chứng minh mà vô tình quên mất điều cốt lõi này.

Đó là chưa kể đến yếu tố vùng miền, cách giữ hơi... vì bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để thấy hát Bolero như Tùng Dương ở thời điểm hiện tại chỉ dừng ở mức bắt chước không trọn vẹn chứ chưa thể gọi là biết.

Tới lúc này mới thấy việc anh phát ngôn "đắm đuối Bolero là sự thụt lùi" hoàn toàn có thể thông cảm.

Thông cảm là bởi thứ âm nhạc anh đã mang đến và tin rằng nó là Bolero hoàn toàn không mang bất kỳ sự hấp dẫn nào đối với khán giả yêu nhạc.

Thông cảm là bởi vì anh đã đứng ở vị trí và sự hiểu biết của bản thân về Bolero để phát biểu, mà cứ nghe cách anh hát thì có lẽ sự quan tâm của Tùng Dương dành cho Bolero cũng chẳng nhiều. Bởi nếu nhiều thì anh đã chẳng dám tự tin khẳng định mình biết hát nhạc sến.

Thế nên, sự ồn ào trước đó cũng bởi anh quá nổi tiếng chứ không phải là vì được phát ra từ một người có sự nghiên cứu cẩn thận và kiến thức về dòng nhạc Latin du nhập vào Việt Nam từ năm 1950.

Hát như Tùng Dương, Bolero mới có nguy cơ bị thụt lùi? - Ảnh 3.

Bolero dễ nghe nhưng khó hát hơn Tùng Dương tưởng.

Đến đây, những người đã trót mê mệt dòng nhạc sến có lẽ phải nói lời cảm ơn Tùng Dương khi anh đã chọn theo đuổi âm nhạc đương đại chứ không phải là Bolero.

Bởi nếu mang đúng cách hát đã thể hiện trên sân khấu đêm giáng sinh vào Bolero, Tùng Dương sẽ là một sự thụt lùi so với các bậc tiền bối như Giao Linh, Duy Khánh, Chế Linh hay Hương Lan.

Nhưng dù nói gì đi nữa, việc Tùng Dương khẳng khái chứng minh có thể hát Bolero trên sân khấu trực tiếp là một quyết định đáng hoan nghênh.

Nếu Tùng Dương không hát, khán giả làm sao biết được anh và Bolero sinh ra vốn dĩ không thuộc về nhau. Nếu Tùng Dương không hát, làm sao anh biết được định mức chấp nhận của khán giả đối với một ca sĩ hát nhạc Bolero không hề thấp như anh nghĩ.

Quả thật, có những thứ nhìn ngoài tưởng dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại không dễ chút nào. Bolero cũng vậy, dễ nghe nhưng rất khó hát. Thế nên, đừng vội cho rằng nó không đủ giá trị để tồn tại song song với những thể loại âm nhạc khác.

Vì mỗi thể loại âm nhạc đều có đời sống, khán giả riêng và chắc chắn không phải là lãnh địa cho bất cứ cuộc dạo chơi thiếu nghiêm túc cũng như phát ngôn quy chụp nào.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại