Tối qua (11/8), tập 10 chương trình Bistro K đã lên sóng, với khách mời đặc biệt là Hari Won. Tại đây, cô đã kể lại thời tuổi trẻ khổ cực của mình và quá trình nổi tiếng tại Việt Nam, từ những ngày đầu tiên.
Lớn lên rồi, tôi không có nhu cầu sang Việt Nam nữa
Tên Hari là tên gọi hồi nhỏ ở nhà của tôi, còn Won là họ chứ không phải tên. Hồi đó, ba mẹ lấy họ Nguyễn cho tôi, nhưng không tìm được họ nào trong tiếng Hàn gần với từ Nguyễn nên đành đặt là Won.
Tôi không phải người Hàn 100% mà mang hai dòng máu Việt Hàn. Tôi sinh ra tại Hàn nhưng lớn lên mới sang Việt Nam sống.
Lần đầu tiên tôi qua Việt Nam là năm 11 tuổi, nhưng được một năm phải quay về Hàn vì không hiểu tiếng Việt nên không đi học bên này được.
Sau đó, tôi nhớ ba mẹ quá nên xin ba mẹ cho quay lại Việt Nam. Năm 22 tuổi, tôi qua Việt Nam lại và sống ở đây từ đó tới giờ.
Hồi nhỏ, tôi phải qua Việt Nam vì ba làm việc ở đây, lớn lên rồi, tôi không có nhu cầu sang Việt Nam nữa. Nhưng tới khi tôi sang thăm ba mẹ, ba mẹ lại giấu luôn hộ chiếu của tôi, không cho tôi về Hàn nữa. Ba mẹ bắt tôi phải ở lại Việt Nam và học tiếng Việt.
Lúc bị ba mẹ giấu hộ chiếu, tôi rất tức. Tôi nói, "sao cuộc đời con mà ba mẹ lại tự quyết định thế?". Nhưng cuối cùng thì quyết định của ba mẹ tôi lại đúng.
Sau khi ở lại Việt Nam, tôi đi làm thông dịch viên. Tôi cứ làm, phần nào không dịch được thì ghi lại để về học tiếp, nên ngày càng phát triển vốn tiếng Việt hơn.
Tôi không thể bán lòng tự trọng của mình để đổi lấy sự nổi tiếng
Bên Hàn Quốc, tôi có dính dáng tới nghệ thuật vì hồi nhỏ đã từng làm thực tập sinh trong lĩnh vực ca sĩ, diễn viên. Nhưng tôi tự thấy mình không có duyên với con đường đó.
Lúc nào tôi cũng được xếp thứ nhất hoặc thứ hai ở công ty, nhưng cơ hội debut không đến với tôi, khiến tôi đợi mãi. Thực tập sinh làm gì có tiền, khiến tôi phải đi kiếm việc thêm.
Tôi phải đi bán bánh mỳ, phát tờ rơi để có tiền lên sóng. Tôi vẫn cố gắng từng ngày. Nhưng đến một hôm, ba tôi nói không được khỏe, nên tôi phải bỏ hết công việc để sang Việt Nam chăm sóc cho ba.
Sang Việt Nam, tôi cũng nghĩ tới chuyện muốn làm nghệ thuật. Nhưng tôi gặp một người xấu, người này gạ tôi làm một số chuyện không chấp nhận được để đổi lấy sự nổi tiếng. Tôi không thể bán lòng tự trọng của mình để đổi lấy sự nổi tiếng nên từ chối luôn.
Sau vụ đó, tôi nản quá nên bỏ nghệ thuật luôn. Nhưng một thời gian sau, có một anh nọ mời tôi tham gia game show với giải thưởng lên tới 300 triệu. Tôi thấy thích quá nên quyết định tham gia và nổi tiếng từ đó tới giờ. Mọi thứ đều đến với tôi một cách rất tự nhiên như vậy.
Tiến Đạt là người mở cửa cho tôi vào showbiz
Để trụ lại được showbiz Việt là một may mắn khủng khiếp với tôi. Nhiều người nói may mắn chỉ là một phần, phải do năng lực. Nhưng tôi nói thật, với tôi thì may mắn chiếm tới 85% luôn, 15% còn lại mới do tôi cố gắng hết sức.
Tôi từng nghĩ mình không có duyên với nghề này và không hề có ý định tiến vào showbiz Việt. Nhưng rồi may mắn đến và cứ thế kéo tôi vào, tôi không cần nỗ lực gì hết luôn. Cái duyên ở đâu cứ đến với tôi.
Tôi có hai cột mốc quan trọng để đến với showbiz Việt là Cuộc đua kì thú và Ơn giời cậu đây rồi. Cột mốc thứ ba là bài hát Anh cứ đi đi. Ba cột mốc này giúp tôi thay đổi 180 độ.
Thời gian tham gia Cuộc đua kỳ thú, tôi nghĩ khán giả chú ý tới mình vì mình là người Hàn mà lại có người yêu là người Việt.
Tiến Đạt là người mở cửa cho tôi vào showbiz. Anh ấy khá quan trọng. Sau đó, có một người quan trọng nữa đã mở lời hỏi tôi có muốn làm ca sĩ bên Việt Nam không. Đó là anh Nguyễn Phương.
Lúc đó, tôi tự nhận tiếng Việt mình không tốt, cũng không biết có hát được hay không. Tôi chỉ biết gửi toàn bộ ảnh và clip của mình cho anh ấy xem hết rồi mới nói chuyện tiếp.
Tôi sợ rằng, người ta đến với mình mà mình không thỏa mãn được những gì họ mong muốn thì thành ra làm phiền họ.
May quá, sau khi xem xong, anh ấy đã bảo tôi chắc chắc đi hát được.
Tôi không cần thiết phải vào showbiz
Thời điểm đó, tôi đang đi học tại trường Nhân văn nên đặt ra điều kiện là không được bắt tôi bỏ việc học. Tôi không cần thiết phải vào showbiz vì đã có mục đích, ước mơ riêng rồi.
Sau khi đồng ý, tôi bắt đầu đi tập hát, tập nhảy, lên kế hoạch với anh quản lí. Tôi cố gắng mọi cách để hát tiếng Việt cho chuẩn. Nhưng mọi người mặc định tôi là người nước ngoài nên hát thế là được rồi, ai cũng khen hay mà chẳng ai chỉ cho tôi phát âm sai chỗ nào. Bởi vậy nên tôi không biết mình phải hát chuẩn như thế nào.
Sau này đi hát nhiều, tôi mới bị khán giả chê vì hát lơ lớ, không chuẩn. Nhưng tôi không buồn. Tôi chấp nhận nhanh và tự thấy mình dở nên họ mới chê. Đó là thử thách mà tôi phải vượt qua, nên tôi phải ráng làm mọi thứ cho tốt hơn.
Vì sợ hát không rõ lời nên ban đầu tôi chọn hát những bài nhiều vũ đạo để mọi người bị phân tâm, nhìn tôi thay vì nghe. Nhưng khi đến bài Anh cứ đi đi, tôi phải tập trung rất nhiều và khá lo lắng. Tôi không ngờ nó lại thành công đến thế.
Tính tích cực của tôi có được vì hồi nhỏ tôi rất mê đọc sách. Tôi đọc hăng say, tập trung tới mức mẹ gọi không thưa, nên mẹ cứ tưởng tôi cố tình làm vậy để không phải làm việc nhà.
Một ngày nọ, tôi đọc được một cuốn sách dạy cách phá bỏ khuôn suy nghĩ của mình. Bởi vậy, tôi đã học được sự tích cực, biết làm mọi cách để vui hơn.