CEO Trần Văn Lê: từ "Vua đồng nát" thành "Vua quạt"
"Vua quạt đất Bắc" là biệt danh mà nhiều người gọi ông Trần Văn Lê - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh.
Sở dĩ có tên gọi này vì ông Lê là người sáng lập, điều hành của Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh, một doanh nghiệp sản xuất quạt công nghiệp từ lúc thị trường còn mới sơ khai và sau nhiều năm đã xây dựng được tên tuổi, thương hiệu.
Phương Linh được thành lập vào năm 2000, hiện nay là một trong những đơn vị dẫn đầu thị trường về lĩnh vực quạt công nghiệp và xử lý môi trường. Phương Linh hiện có 2 nhà máy sản xuất lớn ở cửa ngõ TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng 4 văn phòng ở Đà Nẵng, Hà Nội, Vinh và TP Hồ Chí Minh.
Ông Trần Văn Lê sinh ra ở một gia đình nghèo ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp cấp ba xong, như nhiều thanh niên cùng thời, ông nhập ngũ. Sau đó, vì điều kiện kinh tế khó khăn, ông Lê xin ra quân và lăn lộn đủ nghề để mưu sinh kiếm sống.
Bước ngoặt đến khi ông Lê vào làm thuê cho một ông chủ chuyên “đánh” các mặt hàng máy móc, đồ cơ điện cũ. Trong những lần đi bốc hàng, ông có thêm các mối quan hệ và hiểu hơn về máy móc, kỹ thuật. Về sau khi ông chủ bỏ nghề, ông Lê trở thành người được thừa kế “gia tài đồng nát”.
Thời đó, không ít người giàu lên nhờ cách đánh từng lô đồ cũ về rồi bán lại để ăn chênh lệch nhưng ông Lê có tư duy khác. Ông tự mày mò, nghiên cứu kết hợp với đi học để sửa chữa lại máy móc, làm tăng giá trị hàng hóa và bán giá cao hơn? Sự nghiệp kinh doanh của ông Lê bắt đầu với máy bơm, quạt gió, motor cũ... ra đời như vậy.
Từ việc mua đi bán lại, CEO Trần Văn Lê nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của thị trường với các chủng lại quạt thông gió công nghiệp. Từ đó, ông đi xa hơn, dấn thân vào sản xuất, cho ra đời những sản phẩm quạt công nghiệp "Made in Vietnam".
Bước ngoặt đổi đời từ bản hợp đồng sinh - tử của CEO Trần Văn Lê
Để có được thành công như ngày nay, từ một xưởng sản xuất thủ công kiêm cửa hàng "bé xíu", Phương Linh đã trải qua một bước ngoặt sinh - tử vào năm 2005. `
Chuyện bắt đầu từ việc Giám đốc một công ty chè lớn tại Sơn La tìm tới Phương Linh đặt mua một lúc 7 chiếc quạt công nghiệp đường kính 0,7 m để lắp đặt vào máng héo chè (nhằm hút khí nóng, thổi vào máng làm héo chè, trước khi chuyển vào công đoạn tiếp theo).
Gặp được đơn hàng lớn nhất tại thời điểm đó nên CEO Trần Văn Lê rất háo hức. Dù chưa đủ vốn, trong khi mới chỉ nhận được tiền đặt cọc ước lệ, ông Lê vẫn quyết tâm vay mượn để thực hiện.
Tuy nhiên, sau khi bàn giao thành phẩm, phía công ty chè thông báo, quạt không vừa với máng héo chè nên không dùng được. Khách trả lại và yêu cầu làm lại 7 chiếc quạt khác đường kính 0,8 m.
Để giữ khách, ông Lê cắn răng vay vốn, đi tìm động cơ, sản xuất cánh và vỏ quạt cho kịp tiến độ. Nhưng lần thứ hai, đối tác tiếp tục trả hàng và yêu cầu quạt đường kính 0,9 m.
Ông Lê tính, làm tiếp thì còn có cơ vừa gỡ lại một phần vốn, vừa gây dựng được danh tiếng để mở ra thị trường lớn. Vì vậy, dù đã cạn vốn, song một lần nữa ông Lê vẫn huy động tài chính để sản xuất đơn hàng và trả tiền lương nhân viên.
Một tháng sau, quạt giao đúng hạn, khách hàng vui vẻ nhận 7 chiếc quạt đường kính 0,9 m và hứa thanh toán sớm. Nhưng lần thứ ba, quạt tiếp tục “quay đầu” cùng lời đề nghị của khách hàng: “Nốt lần này, quạt đường kính 1m chắc chắn được!”.
"Đâm lao phải theo lao", ông Lê cắn răng chạy vạy làm tiếp nhưng... "Lần thứ tư, sau 100 ngày sản xuất liên tục, chúng tôi lại bị trả hàng", ông Lê hồi tưởng.
Nhìn 4 lô hàng gồm 28 chiếc quạt nằm ngổn ngang trong cửa hàng kiêm xưởng lắp ráp chật hẹp, đơn sơ, trong lòng CEO Trần Văn Lê tuyệt vọng và cay đắng. Ông tự trách mình đã vội vàng, không giao ước kỹ khi nhận đơn hàng, cũng bởi lẽ khi đó vị CEO này còn chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh.
Vốn liếng cạn kiệt, nợ đọng chưa thanh toán, công nhân chán nản, ông Lê trở nên tuyệt vọng: “Sản xuất tiếp thì đào đâu ra vốn. Nếu lại bị trả hàng thì chỉ còn cách nhảy lầu hoặc bỏ đi biệt xứ, vì bao giờ mới trả hết nợ mọi người và thợ thuyền?”, ông Lê nhớ lại.
Cuối cùng, ông quyết định trao đổi với phía công ty chè, đến tận xưởng sản xuất và trực tiếp khảo sát kích thước quạt công nghiệp. Ông Lê xác định, đường kính quạt phải là 1,2m thay vì những con số đặt hàng trước đây.
Về nhà, ông Lê quyết tâm sẽ phải làm bằng được. Một lần nữa, ông chạy vạy gom vốn để sản xuất lần thứ 5 và trực tiếp mang quạt lên lắp đặt trên nhà máy. Đúng như tính toán của ông Lê, quạt chạy tốt, hoạt động ổn định. Phương Linh nhận được thanh toán cho 7 chiếc quạt 1,2m và một phần đền bù chi phí cho những lần thất bại trước.
Đứng trên góc độ của ông Trần Văn Lê vào thời điểm đó, có thể phần nào hiểu được những khó khăn mà vị CEO này gặp phải. Vì năm 2005, như ông Lê chia sẻ, khi đó mới chập chững vào nghề. Bản thân ông không phải là người được đào tạo về kinh tế, quản trị mà tự mày mò rồi theo học về cơ khí, máy móc, sản xuất,... Việc tiếp cận và liên lạc thông tin của thời đó cũng không được như bây giờ để các chủ doanh nghiệp học hỏi về các quy trình, nguyên tắc kinh doanh, kiểm soát rủi ro.
Từ những lần thất bại này đã giúp CEO Trần Văn Lê có được bài học kinh doanh quý báu về sự cẩn trọng, chi tiết, làm thế nào để đạt được các yêu cầu tốt nhất. Nhiều năm sau này, nhìn lại câu chuyện của mình, ông Lê đã đúc rút: "Nếu tôi được quay lại thì cái đầu tiên là phải nắm được thông tin, điều tra thông tin chính xác, mục sở thị và làm sản phẩm mẫu".
Tuy nhiên, cánh cửa số phận đã mở ra với sự kiên trì và uy tín của vị CEO này. Các đơn hàng ập tới khi danh tiếng về việc sản xuất thành công quạt cho công ty chè lan tỏa, 28 bộ quạt tồn kho nhanh chóng tìm thấy chủ.
Bên cạnh đó, trong quá trình lặn lội, ông Trần Văn Lê cũng tìm thấy nhiều nguồn hàng cùng nhiều đối tác có nhu cầu. Thành công nối tiếp thành công, đã mở ra tiền đồ sáng lạn cho Phương Linh.
Trên đà thành công, Phương Linh không ngừng nghiên cứu, tung ra thị trường hàng trăm loại quạt mẫu mã, kích thước khác nhau và máy hút, lọc bụi công nghiệp. Hiện nay, quạt công nghiệp Phương Linh đã có mặt hầu hết trên mọi miền đất nước, đặc biệt là những công trình trọng điểm quốc gia, được các khách hàng nước ngoài tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các chủ đầu tư lớn trong nước tin dùng.
Từ xưởng sản xuất thủ công quy mô nhỏ cách đây hơn 20 năm, Phương Linh hiện nay được trang bị máy móc hiện đại như trung tâm gia công CNC với các máy móc nhập khẩu Châu Âu,... nhằm giới thiệu và cho ra đời sản phẩm đồng bộ có độ chính xác cao, tiết kiệm nguyên vật liệu.