Tháng 11 vốn được coi là tháng dành để tri ân nghề giáo nói chung và những người thầy, người cô đang ngày ngày đem con chữ, đem tri thức, đem ánh sáng đến cho học trò nói riêng. Những cống hiến mà các thầy cô mang đến có thể không quá lớn lao nhưng từng hành động của họ đều như đang góp một viên gạch xây dựng lên tương lai tươi sáng hơn cho rất nhiều đứa trẻ.
Với mong muốn gửi lời cảm ơn đến các thầy, các cô, đồng thời lan tỏa rộng khắp hơn nguồn cảm hứng tích cực mà họ tạo ra, Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards 2018 phiên bản WeTalk tháng 11 đã quyết định dành chọn thời lượng của chương trình để nói về họ.
Với chủ đề "Phía trước bầu trời", WeTalk đã lần lượt giới thiệu cho bạn về những con người bình thường, sở hữu nỗ lực phi thường và bằng cách này hay cách khác, họ đều có liên quan đến công việc dạy học. Người đầu tiên xuất hiện trên sân khấu chính là "thầy giáo tí hon" Nguyễn Văn Hùng.
"Thầy giáo tí hon" Nguyễn Mạnh Hùng nói chuyện về hành trình kì diệu của mình
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác tại vùng quê Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mọi chuyện chỉ dần khác biệt khi cậu bé Nguyễn Văn Hùng ngày đó lên lớp 1, lớp 2 rồi mà vóc người vẫn nhỏ thó, lọt thỏm giữa bạn bè đồng tuổi. Căn bệnh lùn tuyến yên ác tính đã khiến tuổi thơ thầy Hùng trôi qua trong biết bao gian khó và tới tận bây giờ, khi đã 33 tuổi, thầy giáo Nguyễn Văn Hùng cũng chỉ cao 1m17, nặng 19kg, giọng nói nhỏ nhẹ như một cậu bé.
Thế nhưng khiếm khuyết cơ thể không khiến thầy Hùng nản chí. Vì một câu nói của mẹ trước lúc lâm chung rằng lo lắng "Hùng bé như thế sẽ không làm được gì, không biết tương lai sau này, khi mẹ mất, ai sẽ lo cho Hùng" mà Hùng đã quyết tâm học hết cấp 3 sau đó thi lên trung cấp và hiện tại là phụ trách công tác giảng dạy tại Trung tâm Nghị lực sống.
Vượt qua mặc cảm và khó khăn quá khứ, thầy Hùng giờ đã trở thành một giáo viên
Và vẫn luôn nỗ lực từng ngày để giúp đỡ được nhiều hơn những người có cùng hoàn cảnh
Bước vào lớp học của thầy giáo Hùng, có thể bạn sẽ không biết được ai là thầy, ai là học sinh bởi thầy Hùng có thể trạng, cân nặng bé nhất lớp thế nhưng nếu bạn được chứng kiến cảnh người đàn ông tí hon ấy chăm chú truyền dạy kiến thức cho các học viên thì bạn sẽ phải thay đổi cái nhìn thôi. Là người khuyết tật, thầy Hùng hiểu hơn ai hết những nỗi khó khăn, khổ tâm của những người khuyết tật. Chính vì vậy, thầy luôn cố gắng hết sức để có thể giúp đỡ được nhiều nhất những người đồng cảnh ngộ. Thầy mong muốn mọi người có thể như mình, lạc quan trong mọi trường hợp và tìm được hạnh phúc của đời mình như cách mà thầy tìm được bạn gái Diễm My.
"Hãy vượt qua rào cản, nỗi sợ hãi của bản thân mình để đi ra ngoài. Ở ngoài, có rất nhiều người đưa tay ra đón các bạn. Nếu các bạn không vượt qua được rào cản ấy, không nói lên được khó khăn của mình, những người ấy không biết giúp bạn bằng cách nào cả", thầy Hùng nhắn nhủ.
Thầy cũng đã tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình
Cũng xuất hiện trong WeTalk tháng 11, người ta còn được nghe lại hành trình kì diệu của "cậu bé xếp dép" Nguyễn Danh Thành Đạt và mẹ cậu - chị Linh dưới sự giúp đỡ của anh Nghĩa Phạm.
Câu chuyện của Đạt xuất phát từ bức ảnh anh Nghĩa Phạm tình cờ ghi lại được. Trong bức ảnh ấy, người ta thấy một cậu nhóc ve chai 7 tuổi đang hồn hồn nhiên này ngồi xếp lại dép cho các bạn ở nhà thờ Đức Bà. Chỉ một bức ảnh vu vơ, chính anh Nghĩa cũng không thể tưởng tượng được nó lại thu hút sự tương tác kinh khủng tới thế, hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con chị Linh và nhóc Đạt đã nhận được nhiều sự đồng cảm của rất nhiều người.
Câu chuyện của "cậu bé xếp dép" được anh Nghĩa Phạm chia sẻ đã tạo ra một hiện tượng trên MXH
Nghĩ đến những trường hợp tương tự, thay vì chỉ giúp đỡ một cách "khơi khơi", anh Nghĩa cùng các mạnh thường quân âm thầm phối hợp để đưa ra phương án tốt nhất cho hai mẹ con. Anh Nghĩa không muốn mẹ con chị Linh có cảm giác ai đó đằng sau âm thầm giúp đỡ. Bởi như thế, cả chị và bé sẽ mất đi khả năng phát triển trong cuộc sống.
Chị Linh - mẹ nhóc Đạt không cầm được nước mắt khi nhớ lại những gì mình đã trải qua
Và rồi theo đúng quy luật, những việc tử tế sẽ được nối tiếp những việc tử tế. Từ một mình anh Nghĩa, rất nhiều người đã cùng chung tay cùng dành cho chị Linh và nhóc Đạt sự hỗ trợ và định hướng ý nghĩa nhất. Chị Linh có một công việc ổn định còn nhóc Đạt cũng được đi học. Việc Đạt có thể đến trường đặc biệt là nhờ vào cô giáo Minh Uyên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Việt Đức. Chính cô là người đã kết nối để Đạt có thể đi học ở một nơi phù hợp với Đạt và gần nơi mẹ Đạt làm.
Nhóc Đạt giờ đã được đi học và tương lai em càng ngày càng tươi sáng
WeTalk tháng 11 cũng đưa người ta đến với câu chuyện của các thầy giáo trường tiểu học Tri Lễ - những nhân vật từng xuất hiện trong WeChoice 2017. Vượt qua khó khăn, thiếu thốn, các thầy giáo đã biến ngôi trường vùng cao ấy không chỉ là nơi học sinh học được kiến thức mà đó còn là một nơi đầy tiếng cười và hạnh phúc.
Thật tuyệt vời biết bao nhiêu khi trên dãy núi Phà Cà Tún cao hơn 1500m ấy vẫn có những người thầy luôn nỗ lực đem đến những điều tốt nhất cho các em nhỏ nơi đây. Không ít lần các thầy bật khóc khi gặp tai nạn trên đường đến trường, hay tủi thân tự hỏi thanh xuân mình ở đâu trong những tháng ngày sống tách biệt nơi miền sơn cước. Nhưng rồi chính nụ cười hồn nhiên của học trò giúp các thầy nhận ra những điều mình đang làm thật sự có ý nghĩa thế nào đối với tương lai của các em.
Các thầy giáo của trường tiểu học Tri Lễ nói về những đổi thay sau khi hành trình cảm hứng của họ được lan tỏa tới cộng đồng.
Trải qua nhiều tháng câu chuyện các thầy được cộng đồng biết đến, ngôi trường Tri Lễ 4 đã có rất nhiều sự đổi thay tích cực. Trường được tu sửa, ánh đèn điện sáng hơn, kí túc xá khang trang hơn... Và người ta tin rằng, bằng tình yêu nghề của các thầy cũng như sự quan tâm của cộng đồng, nơi đây sẽ còn biến chuyển tốt đẹp hơn nữa!
Câu chuyện cuối cùng được kể lại là câu chuyện về quán chè bưởi mang tên Mẹ Siêu Nhân. Thoạt nhìn nó cũng chỉ là một quán chè bình thường như bao hàng quán khác nhưng phía sau nó lại mang một ý nghĩa đặc biệt hơn. Bởi nó chính là hiện thân cho tình yêu thương con vô bờ bến của vợ chồng thạc sĩ Lê Văn Quang và Lương Thị Nhi.
Vì con, hai anh chị đã quyết định gác lại sự nghiệp sang một bên
Và quán chè Mẹ Siêu Nhân đong đầy yêu thương đã ra đời như thế
Anh Quang và chị Nhi là bố mẹ của cậu bé Lê Quang Thạc. Năm Thạc sinh ra cũng là năm bố mẹ cậu vừa bảo vệ thành công luận án thạc sĩ. Đang ấp ủ nhiều mơ ước thì đôi vợ chồng trẻ ấy phát hiện con mình bị mắc chứng bệnh lạ, mà theo bác sĩ thì những đứa trẻ mắc căn bệnh này thường không sống quá 10 tuổi. Bằng tình yêu dành cho con, hai anh chị kiên quyết gác lại mọi dự định cá nhân sang một bên để dành toàn bộ thời gian chăm sóc con. Và quán chè Mẹ Siêu Nhân ra đời.
Quán chè ấy chỉ có một khoảng nhỏ ở ngoài là bày bàn ghế bán còn nửa trong là không gian mà cậu bé Thạc chơi đùa cùng các bạn. Dù là anh Quang hay chị Nhi thì đều quan niệm: "Sự nghiệp thì có thể làm lại, nhưng với con cái thì bố mẹ không có cơ hội thứ 2. Chính vì vậy anh chị không hề nuối tiếc những gì đã bỏ lỡ".
Với anh Quang, chị Nhi, hạnh phúc chính là đây!
Không ai biết tương lai sẽ ra sao nhưng lúc này đây, hạnh phúc đối với anh Quang chị Nhi chỉ là nhìn thấy Thạc mỗi ngày một lanh lợi, cởi mở hơn. Và họ - những người thầy, người cô đầu đời của Thạc sẽ chẳng ngại ngần mà luôn đồng hành cùng cậu con nhỏ đến suốt cuộc đời.
Trong khuôn khổ chương trình cũng có nhiều tiết mục nghệ thuật tôn vinh những giáo viên.
Chương trình đặc biệt "Hành trình truyền cảm hứng" phiên bản WeTalk do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác sản xuất cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam), và đơn vị đồng hành triển khai Công ty cổ phần truyền thông PSC được phát sóng vào tối thứ Bảy của tuần thứ ba trong tháng trên kênh VTV1.
WeTalk là không gian gặp gỡ của những con người, những câu chuyện truyền cảm hứng nhất trong mọi lĩnh vực trong suốt 1 tháng. Xem thêm thông tin về giải thưởng WeChoice Awards tại: http://wechoice.vn .