Ngày 30-6, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 3 đối tượng người Trung Quốc về hành vi trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh mở rộng án và xử lý nghiêm minh các đối tượng trước pháp luật.
Trộm táo tợn tại các nhà máy xi măng
Liên tục trong 4 đêm, gồm: đêm 17, rạng sáng 18-4; đêm 19 rạng sáng 20-4; đêm 17 rạng sáng 18-5; đêm 10-rạng sáng 11-6, tại các phòng làm việc của nhà máy xi măng Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hoá), nhà máy xi măng Long Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá), nhà máy xi măng Công Thanh (huyện Tĩnh Gia) đã xảy ra 4 vụ phá két sắt trộm tài sản.
Theo đó, đối tượng đã đột nhập vào phòng làm việc của các công ty trên đập phá két sắt để trộm tiền vàng với số lớn.
Theo thống kê tài sản, bước đầu, cơ quan Công an xác định trong 4 vụ trộm trên, đối tượng đã lấy được tổng số tài sản trị giá khoảng 9 tỷ đồng.
Thủ đoạn phá két sắt của nhóm siêu trộm này rất đặc trưng là “đánh mặt két đứng”, đây là thủ đoạn mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá bằng vết cậy phá rất gọn để lại trên bề mặt cánh cửa két.
Với quyết tâm làm rõ, bắt giữ bằng được các đối tượng, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự chủ công khám nghiệm, điều tra phá án.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, các trinh sát, điều tra viên đã nghiên cứu kỹ lưỡng thủ đoạn của các đối tượng; đặc biệt là từ kết quả khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, “dựng” thủ đoạn, chân dung các đối tượng.
Từ kết quả thu thập được, Ban Chuyên án xác định, để gây ra các vụ trộm trên phải có từ 2-3 đối tượng trở lên, hoạt động rất chuyên nghiệp và nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình, địa vật, cũng như các vị trí cất tài sản của các công ty, doanh nghiệp.
Đặc biệt, các đối tượng lựa chọn thời gian, địa điểm đột nhập thường vào những lúc bảo vệ sơ hở như giao ca, ngủ say nên không phát hiện được.
Qua rà soát các đối tượng nổi trên địa bàn, Ban Chuyên án xác định, thủ đoạn của những đối tượng trộm chuyên nghiệp, lưu động ở Thanh Hoá và các tỉnh lân cận không tinh vi, xảo quyệt bằng nhóm đối tượng trên.
Vậy, kẻ gây ra những vụ “đánh két mặt đứng” rất mới và chuyên nghiệp này là ai, từ đâu đến, tại sao lại nắm kỹ địa hình, địa vật của các công ty đến như vậy…?
Từ đó, Ban Chuyên án đã mở rộng diện rà soát, vận động nhân dân cung cấp thông tin kết hợp với sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và đã xác định nhóm đối tượng trộm là người Trung Quốc, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Ngày 20-6, khi các đối tượng đang có mặt ở thị xã Tam Điệp, Ninh Bình, chuẩn bị trốn khỏi Việt Nam thì các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thanh Hoá phát hiện, bắt giữ.
Ba đối tượng bị bắt giữ là Liêu Chí Ba (Liao Zhibo, SN 1988); Vi Kim Luyện (Wei Jinlian, SN 1982) và Vi Chí Hằng (Wei Zhi Heng, SN 1988), đều là nam giới và cùng có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Đây là ba đối tượng đã có tiền án, tiền sự, trong đó đối tượng Liêu Chí Ba đang bị cơ quan chức năng Trung Quốc truy nã về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý; Vi Kim Luyện và Vi Chí Hằng đều từng đi tù về tội trộm cắp tài sản.
Đột nhập vào khu vực ống khói nhà máy
Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận, hằng tháng, chúng thường nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ ngày 10 – 24, 25 để trộm cắp rồi lại về nước.
Cụ thể, đối tượng Vi Chí Hằng và Vi Kim Luyện nhập cảnh vào Việt Nam trái phép do không làm thủ tục nhập cảnh, mà đi theo đường tiểu ngạch (đường mòn qua biên giới); còn Liêu Chí Ba nhập cảnh vào Việt Nam để đi du lịch theo tour, tuy nhiên không có tour, không đi theo đoàn du lịch, mà mục đích để trộm cắp tài sản nên việc Ba ở lại Việt Nam là vi phạm quy định về nhập cảnh.
Theo đó, sau khi nhập cảnh riêng lẻ vào Việt Nam, chúng liên hệ với nhau rồi “tụ” tại một điểm để “nghiên cứu” các “con mồi”. Tiếp đó, chúng thuê phương tiện để đi lại, mua các công cụ để phá két rồi bàn bạc, lựa chọn địa điểm trộm cắp.
Nơi mà chúng nhắm đến là các công ty, nhà máy nằm trong các khu công nghiệp, vì đây là những nơi có nhiều tài sản giá trị lớn. Sau khi “nhắm” được các công ty lớn, chúng dành nhiều thời gian để nghiên cứu đường đi, lối lại, nơi đột nhập, nơi tẩu thoát rất kỹ lưỡng.
Vì không biết tiếng Việt nên các đối tượng đã thuê 1 người Việt Nam sống tại Trung Quốc dịch và chỉ đường cho chúng. Theo đó, chúng sử dụng mạng wechat để liên lạc với đối tượng Việt Nam trên để được hướng dẫn.
Vị trí các đối tượng lựa chọn để đột nhập thường là khu vực ống khói của các nhà máy vì đây là nơi ít người đến, lại có tiếng ồn lớn nên bảo vệ thường không nghe tiếng, rồi đột nhập vào phòng kế toán.
Sau khi vào được bên trong, chúng cử 1 tên “làm việc” phía ngoài vừa có nhiệm vụ trộm cắp, vừa có nhiệm vụ canh gác để đồng bọn phá két. Lấy được tiền, lập tức chúng “chuồn êm” qua đường cũ.
Bước đầu, các đối tượng khai nhận đã gây ra hàng chục vụ trộm tại Thanh Hoá và Hà Nam. Cụ thể, đêm 17 rạng sáng 18-5, Vi Chí Hằng và Vi Công Luyện đã đột nhập nhà máy xi măng Công Thanh ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá, cậy phá hai két sắt và lấy được số tiền 460 triệu đồng rồi nhanh chóng tẩu thoát về Trung Quốc.
Khi đến cửa khẩu Trung Quốc, Hằng đổi ra tiền nhân dân tệ được khoảng 10 vạn tệ hơn 300 triệu đồng), Hằng đã chia cho Vi Kim Luyện khoảng 4-5 vạn nhân dân tệ (khoảng 150 triệu đồng).
Cũng vào rạng sáng 18-5, Liêu Chí Ba và một đối tượng tên Tiêu đột nhập vào Công ty sản xuất cám công nghiệp ở TP Phủ Lý, Hà Nam, đập phá két sắt nhưng không lấy được tài sản gì, nên chuyển sang đột nhập vào một công ty sản xuất cám công nghiệp khác cũng ở TP Phủ Lý, sau đó trèo qua cửa sổ phòng kế toán, dùng xà cầy cậy mặt trước của két sắt lấy đi 18 triệu đồng và 8 chỉ vàng.
Hai đối tượng mang vàng này ra Hà Nội bán, sau đó mang tiền bán vàng và tiền trộm cắp được lên cửa khẩu đổi được gần 1 vạn nhân dân tệ chia nhau.