Hành trình tìm sự thật về cái chết của con trai người giàu nhất nước Mỹ

Huyền Thi |

Vào đầu thập niên 1960, cử nhân Đại học Harvard Michael Rockefeller biến mất khi cố gắng trốn khỏi đảo Asmat ngoài khơi vùng Papua New Guinea.

Vụ mất tích của anh đã khiến cả nước Mỹ rúng động, tên tuổi người thanh niên này xuất hiện trên mọi mặt báo và đến Tổng thống Mỹ Kennedy cũng đã chia buồn và khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để tìm thấy Michael.

Michael Rockefeller chính là con trai của Nelson Rockefeller, Thống đốc New York, người sau này trở này Phó tổng thống Mỹ. Quan trọng hơn, Michael chính là cháu đích tôn của dòng họ Rockefeller - một trong những gia tộc giàu sang và quyền lực bậc nhất nước Mỹ, và sẽ là người thừa kế khối tài sản trị giá 318,3 tỉ USD.

"Đứa trẻ ngậm thìa vàng"

Vào ngày 20-2-1957, tại thành phố New York, ông Nelson Rockefeller đã cho cả thế giới thấy một loại hình nghệ thuật mới. Người đàn ông 49 tuổi đầy tham vọng này là cháu nội của người thành lập ra Tập đoàn dầu khí Standard Oil John D. Rockefeller, và khi Nelson mới chào đời - một sự kiện được đăng trên trang nhất tờ New York Times - thì ông John đã là một trong những người đàn ông giàu có nhất hành tinh với khối tài sản trị giá 900 triệu USD. 

Không hổ danh người thừa kế của dòng họ Rockefeller, Nelson đã đắc cử Thống đốc New York, tranh cử tổng thống vào năm 1960, và trở thành Phó Tổng thống năm 1974.

Trong dinh thự 4 tầng của Nelson tại New York, ngay sát Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại - vốn được thành lập bởi mẹ của ông là bà Abby Aldrich Rockefeller - khách bắt đầu tràn tới để ngắm nhìn cuộc triển lãm đầu tiên của Bảo tàng Nghệ thuật Nguyên thuỷ. Có vô số thứ khiến họ phấn khích như một chiếc mái chèo được chạm khắc được mang về từ đảo Phục Sinh, mặt nạ gỗ từ Nigeria, mặt nạ đá của người Maya, lưới đánh cá của một bộ tộc ở châu Phi.

Đêm hôm đó, Michael Rockefeller mới bước sang tuổi 18, và bị kinh ngạc bởi vẻ đẹp của những mẫu vật trưng bày, anh quyết định sẽ tự mình mang về những tác phẩm nghệ thuật chưa hề được thế giới hiện đại biết đến, và sau đó đem tặng tất cả cho bảo tàng của cha.

Tuy nhiên, em gái sinh đôi của Michael là Mary Rockefeller luôn cho rằng niềm đam mê nghệ thuật của anh trai mình đã bắt đầu từ khi Michael còn rất bé. Hệt như cách Abby Rockefeller đã giáo dục con trai Nelson, ông Nelson cũng đưa con trai đến gặp vô số nhà buôn tranh vào mỗi chiều thứ Bảy, và cậu bé say sưa ngắm nhìn bố sắp xếp lại bộ sưu tập nghệ thuật trị giá hàng chục triệu USD của gia đình.

Hành trình tìm sự thật về cái chết của con trai người giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 1.

Chân dung Michael Rockefeller.

Sở thích khác biệt của công tử nhà tỷ phú

Michael được bạn bè thân thiết nhận xét là một con người trầm lặng và có tâm hồn nghệ sĩ. Theo đúng truyền thống của gia đình, anh theo học Đại học Harvard và tốt nghiệp hạng ưu ngành Kinh tế và Lịch sử, thế nhưng anh lại bị giằng xé giữa hy vọng của gia đình và mong muốn của bản thân: ông Nelson muốn con trai làm việc cho một doanh nghiệp của gia đình, học hỏi kinh nghiệm để có thể tiếp quản gia tộc, còn nghệ thuật chỉ nên là một thú giải trí, nhưng Michael lại không muốn nghe lời bố.

Vào thời điểm đó, Michael đã chu du đến rất nhiều nơi, trong đó có Venezuela và Nhật Bản - nơi có những tác phẩm nghệ thuật mà ông Nelson vô cùng yêu thích. Cuối cùng, Michael quyết định thực hiện ước mơ của mình và đồng thời cũng làm vui lòng bố bằng cách đi đến những vùng đất xa xôi nhất để mang về những hiện vật hiếm có. Tại Harvard, anh đã gặp gỡ nhà làm phim Robert Gardner chuyên làm phim về các vùng đất hoang dã, và anh đã xin làm kĩ sư âm thanh cho đoàn làm phim của Robert.

Sau khi tốt nghiệp, anh đã được cha đưa vào ban giám đốc bảo tàng của gia đình, nhưng theo như Karl thì Michael đã thẳng thừng từ chối ở lại New York và ngồi cả ngày trong văn phòng để chủ trì các cuộc họp và quyết toán các khoản tiền. Thay vào đó, anh bắt đầu liên hệ với Adrian Gerbrands, Giám đốc của Viện Bảo tàng Dân tộc học Quốc gia Hà Lan, để có thể đến thực tế tại Asmat.

Asmat được biết đến như lãnh địa của một nhóm dân tộc chủ yếu sinh sống bằng cách săn bắt - hái lượm, nhưng lại có thể tạo ra những tác phẩm chạm khắc rất tinh tế. Với Michael, Asmat chính là nơi anh cần phải đến để bắt đầu bộ sưu tập của mình.

Vào năm 1960, chính quyền thực dân Hà Lan và các nhà truyền giáo đã biết đến hòn đảo này được gần 10 năm, nhưng đại đa số người dân Asmat chưa bao giờ nhìn thấy một người da trắng nào.

Vì không có chút thông tin nào về thế giới bên ngoài, họ tin rằng những vùng đất ngoài kia là nơi cư ngụ của các linh hồn. Vậy nên khi nhìn thấy những người da trắng bước khỏi những chiếc thuyền từ phía bên kia đại dương, người Asmat tin rằng những người đó là những sinh vật huyền bí.

Chính vì vậy, sự xuất hiện của Michael cùng đoàn thực tế vừa khiến người dân tò mò lại vừa khiến họ sợ sệt. Những người Asmat không tỏ vẻ khó chịu khi bị chụp ảnh, nhưng họ nhất quyết không để cho những người da trắng mua lại cây cột "Bisj" - một cây cột gỗ được chạm trổ tinh vi đóng vai trò rất quan trọng trong những nghi lễ tôn giáo địa phương.

Michael không hề nản lòng, vì anh đã nhìn thấy một thế giới mới ở Asmat, khác hẳn với thế giới phương Tây hiện đại quen thuộc, và anh nhất quyết muốn mang tất cả về New York. Chuyến thực tế đầu tiên kết thúc không quá thành công, nhưng Michael khá hứng khởi; anh thậm chí còn soạn thảo hẳn một kế hoạch chi tiết về phương thức nghiên cứu người Asmat và về việc trưng bày các tạo tác nghệ thuật của họ tại bảo tàng của ông Nelson.

Hành trình tìm sự thật về cái chết của con trai người giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 2.

Ảnh chụp gia đình Rockefeller (Michael đứng hàng trên, ngoài cùng bên phải).

Michael Rockefeller quay lại Asmat vào ngày 19-11-1961, cùng với nhà khảo cổ làm việc cho chính phủ Rene Wassing. Khi con thuyền chở cả hai đang tiến gần tới Otsjanep, một cơn bão đột ngột nổi lên khiến chiếc thuyền bị lật. Cho dù còn cách bờ tới 12km, Michael vẫn tự tin rằng minh có thể tự bơi vào bờ.

Ngày hôm đó là lần cuối cùng Michael được nhìn thấy. Gia tộc Rockefeller nhanh chóng nhận được tin dữ, và họ đã không tiếc tiền bạc cũng như các mối quan hệ để tìm con. Tàu bè, máy bay tư nhân, trực thăng… đều được huy động để tìm kiếm Michael. Ông bà Rockefeller còn sử dụng chiếc máy bay Boeing 707 của mình để bay thẳng sang New Guinea đợi tin con, cũng như liên tục tổ chức các buổi họp báo để cập nhật những diễn biến mới nhất của cuộc tìm kiếm.

Bất chấp những nỗ lực của gia tộc giàu có nhất nước Mỹ, thi thể của Michael vẫn không được tìm thấy. Sau 9 ngày, chính phủ Hà Lan tuyên bố: "Không còn hy vọng tìm thấy Michael Rockefeller còn sống". 2 tuần sau đó, chính quyền Hà Lan cho ngừng cuộc tìm kiếm, và nguyên nhân tử vong chính thức của chàng thanh niên xấu số là "chết đuối".

Sự thật về cái chết

Sự biến mất bí hiểm của Michael nhanh chóng trở thành một hiện tượng, và vô số lời đồn đại bắt đầu xuất hiện tràn lan. Một số đặt giả thuyết rằng có thể anh đã bị cá mập ăn thịt, số khác cho rằng chắc anh đang sống ẩn dật tại một nơi nào đó ở New Guinea, trốn tránh "cái lồng son" là danh phận Rockefeller của mình.

Gia tộc Rockefeller nhanh chóng chọn người con trai cả của ông Nelson là Rodman Rockefeller làm người thừa kế và quản lý những quỹ tài chính khổng lổ của dòng họ, và họ cũng ngừng nhắc đến Michael. Người duy nhất công khai kể về anh là người em gái sinh đôi Mary Rockefeller.

Trong quyển sách viết về cái chết của anh trai, Mary từng kể lại rằng mẹ của mình là bà Mary Clark đã không cho phép con khóc thương người anh xấu số, và chính bà Clark cũng từ chối khóc thương con.

Tuy nhiên, theo nhà văn Paul Toohey, bà đã âm thầm thuê một thám tử tư vào năm 1979 để điều tra xem con mình còn sống hay đã chết. Vị thám tử tư này đã đến tận lãnh địa của những người Asmat, đổi một bộ động cơ thuyền máy lấy 3 chiếc sọ mà bộ tộc khẳng định thuộc về 3 người da trắng hiếm hoi họ bắt được. Sau đó, vị thám thử mang 3 chiếc sọ trở về New York cùng lời cam đoan rằng 1 trong 3 chiếc thuộc về Michael, và lãnh 250.000 USD tiền thưởng.

Hành trình tìm sự thật về cái chết của con trai người giàu nhất nước Mỹ - Ảnh 3.

Michael Rockefeller và những người thổ dân tại Asmat.

Vào năm 2014, ông Carl Hoffman, một phóng viên làm việc cho tờ National Geographic, đã tìm ra một phần chân tướng sự thật về cái chết của Michael Rockefeller. Theo như ông Carl Hoffman, hai nhà truyền giáo người Hà Lan sống trên đảo và biết nói tiếng Asmat đã trình báo với cảnh sát Hà Lan rằng họ nghe thấy người dân địa phương kể về lần họ sát hại Michael.

Cảnh sát Hà Lan lập tức điều tra và sau một năm, họ kết luận rằng Michael đã bị giết bởi người dân trên đảo, và thậm chí cảnh sát còn tìm được một hộp sọ mà họ cho rằng là của Michael. Tất cả báo cáo về vụ án này đều bị đóng dấu mật và cảnh sát quyết định không điều tra thêm.

Hoffman tin rằng Chính phủ Hà Lan giấu kín chuyện này là vì vào năm 1962, họ đã mất đến một nửa hòn đảo vào tay người Indonesia và nếu việc Chính phủ Hà Lan không "quản" nổi người dân địa phương thì chắc chắn họ sẽ mất cả hòn đảo.

Ông Hoffman đã đích thân tìm đến đảo Asmat và tự xưng rằng mình là một phóng viên muốn ghi lại tập tục của người dân. Người thông ngôn của ông tình cờ nghe thấy người dân dặn nhau không được nhắc lại chuyện ngày xưa họ từng giết một người da trắng trước mặt Hoffman vì sợ bị trả thù.

Dưới sự giục giã của ông Hoffman, người thông ngôn này hỏi thêm và biết được rằng Michael bị giết vì người dân muốn trả thù những người Hà Lan từng can thiệp vào một trận chiến giữa hai ngôi làng trên đảo và giết mất 4 thủ lĩnh trong bộ lạc vào năm 1957, ba năm trước khi Michael đến đây lần đầu.

Michael đã dạt được vào bờ trong cơn bão định mệnh, nhưng bất hạnh thay, anh đã chạm mặt chính người thân của 4 thủ lĩnh năm xưa. Anh nhanh chóng bị bắt lại và đem đi hiến tế. Người Asmat rất sợ bị trả thù vì sau khi Michael bị giết, cả làng đã gặp phải một dịch bệnh khủng khiếp, khiến nhiều người dân thiệt mạng, và họ cho rằng đó là quả báo.

Ông Hoffman đã kịp quay lại lời họ thỉnh cầu ông không được kể cho ai biết, và nhanh chóng rời hòn đảo sau đó.

Bảo tàng Nghệ thuật Nguyên thuỷ của ông Nelson bị đóng cửa năm 1974, và người nhà Rockefeller không bao giờ quay lại hòn đảo nơi Michael mất mạng một lần nào nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại