Nhân vật mà chúng tôi muốn nói đến là nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng (43 tuổi, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Hiện nhà sưu tầm này đang sở hữu khoảng 1.000 cổ vật, trong đó có những cổ vật “độc nhất vô nhị” như bộ trang phục cung đình triều Nguyễn với hơn 50 bộ.
Bỏ học để đi sưu tầm cổ vật
Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng xuất thân trong một gia đình gốc Huế, có bố làm nghề thợ mộc và mẹ làm nghề buôn hoa. Kinh tế gia đình tuy không giàu có nhưng cũng đủ điều kiện để Hoàng có thể ăn học thành tài.
Thế nhưng, năm học lớp 11 anh Hoàng đã đưa ra một quyết định khiến cả nhà bất ngờ, đó là bỏ học để đi sưu tầm cổ vật.
Anh Hoàng tâm sự: "Từ nhỏ, tôi đã tiếp xúc với những thứ cổ xưa còn lại trong gia đình như cái chén hay cái bát của ông bà để lại. Tôi đem ra ngắm nghía rồi đam mê chúng lúc nào không hay".
Ngay từ khi 15 tuổi, anh Hoàng đã rong ruổi khắp các con đường ở Huế trên chiếc xe đạp để săn lùng cổ vật. Thời gian mới vào nghề, các cổ vật chủ yếu mà anh Hoàng tìm gặp là chén, bát hay đồ gốm.
Năm 19 tuổi, anh Hoàng quyết định ra khỏi Huế, sang các tỉnh khác để tìm cổ vật. Mỗi chuyến đi của anh kéo dài từ 10 - 15 ngày, có khi cả tháng trời.
Anh lặn lội từ làng này sang làng khác, hết tỉnh này sang tỉnh kia để tìm cổ vật, khi nào cái ba lô đầy thì anh mới chịu về.
Ăn dầm nằm dề trên vùng cao để mua long bào
Theo lời anh Hoàng, thời điểm mới vào nghề do còn trẻ, bản thân không có tiền nên anh phải chạy vạy khắp nơi để có tiền theo đuổi đam mê.
Có lần anh Hoàng ra Quảng Trị tình cờ thấy một bộ men lam sứ ngự dụng của vua chúa nhà Nguyễn khiến anh mê mẩn.
Tuy nhiên, do không có tiền nên anh đành lặn lội về Huế và chạy vạy khắp nơi để vay 2 cây vàng (tương đương 24 triệu đồng – một số tiền “khủng” vào thời gian đó) rồi quay lại mua bộ ấm chén cổ.
Tuy nhiên, kỷ niệm săn lùng cổ vật của tiền nhân mà anh Hoàng nhớ nhất đó là lần ăn dầm nằm dề ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) để thuyết phục một người đồng bào dân tộc thiểu số bán chiếc hoàng bào thượng triều của một vị vua nhà Nguyễn.
Anh Hoàng kể, cách đây khoảng 10 năm, nghe tin một ông cụ ở Hướng Hóa (Quảng Trị) sở hữu một bộ quan phục triều Nguyễn nên anh lập tức chạy ra để được mục sở thị chiếc áo.
Khi ra đến nơi, anh Hoàng không khỏi bất ngờ kh đó là một chiếc hoàng bào thượng triều của vua nhà Nguyễn.
“Khi nhìn thấy chiếc hoàng bào, tôi không tin vào mắt mình. Tôi cũng không hiểu vì sao chiếc áo lại lạc đến vùng đất này và mình rất may có cơ duyên được gặp”, anh Hoàng nói.
Thế nhưng, khi anh Hoàng đề nghị mua lại chiếc áo thì chủ nhân nhất quyết không bán.
Thế là nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng quyết định ăn nằm nằm dề 4 tháng trời ở mảnh đất Hướng Hóa để thuyết phục ông cụ bán chiếc áo cổ. Tuy nhiên, mọi cố gắng của anh đều bất thành.
Trở về Huế trong tâm trạng buồn bã nhưng thi thoảng anh Hoàng vẫn quay lại nhà ông cụ để thuyết phục nhưng luôn nhận được câu trả lời “thấy chiếc áo đẹp nên muốn lưu giữ trong nhà”.
Thời gian sau, anh Hoàng biết tin nhiều nhà sưu tầm cổ vật cũng tìm đến nhà ông cụ để hỏi mua chiếc áo. Lo lắng chiếc hoàng bào không về được Huế nên anh quyết định nhờ một số già làng thuyết phục ông cụ nói trên bán áo.
Cuối cùng, ông cụ đã chấp nhận bán chiếc áo hoàng bào thượng triều cho anh Hoàng với mong muốn chiếc áo được giữ gìn, bảo quản tốt hơn.
Khi đã có được chiếc hoàng bào, anh Hoàng dùng hương trầm để xông áo với tâm nguyện “làm an lòng vị vua nơi chín suối”.
Anh bảo, thời điểm công bố chiếc hoàng bào thượng triều nêu trên, ai cũng tỏ ra hoài nghi về tính chân thật của nó.
Tuy nhiên, khi được mục sở thị chiếc áo ai cũng phải trầm trồ khen ngợi về độ tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ của nó.
Được biết, hiện tại anh Hoàng đang sở hữu bộ sự tập khoảng 50 bộ trang phục cung đình triều Nguyễn. Trong khi đó, cả nước chỉ có 2 bảo tàng đang còn lưu giữ trang phục cung đình triều Nguyễn là Bảo tàng lịch sử TP.HCM và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế
Anh Nguyễn Hữu Hoàng đã hiến tặng nhiều cổ vật quý cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Bảo tàng Văn hóa Huế; Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng ở các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Thanh Hóa... cùng một số nhà lưu niệm trong và ngoài tỉnh.