Hành trình thế kỷ tìm kiếm sự sống trên Sao Hoả - Kỳ 1

Thu Hằng |

Sao Hoả đã được người cổ đại dõi theo trên bầu trời từ hàng ngàn năm trước, và giờ đây, dù với những thiết bị thiên văn hiện đại, “Hành tinh Đỏ” vẫn là một thiên thể bí ẩn không ngừng thôi thúc chúng ta tìm hiểu.

KÊNH ĐÀO CỦA NGƯỜI NGOÀI HÀNH TINH

Hành trình thế kỷ tìm kiếm sự sống trên Sao Hoả - Kỳ 1 - Ảnh 1.

Sao Hoả ẩn chứa bí mật về sự sống, luôn thôi thúc con người khám phá. Ảnh: NASA

Những người Trái đất ngày nay có lẽ là thế hệ tò mò nhất về khả năng có sự sống ngoài hành tinh trên Sao Hoả, và luôn trăn trở làm thế nào một ngày nào đó con người có thể định cư ở đó.

Từ những giả thuyết về về các kênh đào trên Sao Hoả đến những thông điệp vô tuyến của người ngoài hành tinh, trong ba thế kỷ trở lại đây, loài người đã không ngừng nghĩ về sự sống trên Hoả tinh, thậm chí họ đã tìm cách tiếp cận với những “người anh em” Sao Hoả của mình.

Sao Hoả thường xuất hiện trong các văn bản cổ đại như một “ngôi sao lửa”, hoặc đại diện cho thần Chiến tranh. Vào thế kỷ 17, những chiếc kính thiên văn ban đầu mới cho phép các nhà khoa học có được cái nhìn thoáng qua về Hành tinh Đỏ.

Những "kỹ sư đào kênh" thiện nghệ?

Các nhà khoa học phải cần đến những chiếc kính thiên văn mạnh mẽ hơn để có thể nhìn cận cảnh, từ đó nỗ lực làm rõ hơn giả thuyết về sự sống trên Sao Hoả. Năm 1877, nhà thiên văn học Italy, Giovanni Schiaparelli nhận thấy những đường đan chéo nhau bao phủ “Hành tinh Đỏ”. Ông gọi các đường này là “canali”, có nghĩa là “con kênh”.

Bản thân Schiaparelli không tin rằng đây là sản phẩm của người ngoài hành tinh, nhưng một số người khác thì chắc chắn về điều đó.

Hành trình thế kỷ tìm kiếm sự sống trên Sao Hoả - Kỳ 1 - Ảnh 2.

Bản đồ của Giovanni Schiaparelli về hệ thống "kênh đào" trên sao Hỏa. Ảnh: Wikimedia Commons

Khi thông tin lan đi, từ “canali” được dịch sang tiếng Anh là “canal”, tức “kênh đào”. Và nếu có những con kênh đào, điều đó chẳng phải gợi ý rằng sẽ phải có người ngoài hành tinh đào chúng hay sao? Với lý lẽ đó, nhiều người tin rằng, những đường chằng chịt trên bề mặt Sao Hoả là một hệ thống đường thuỷ tuyệt đẹp trải rộng khắp hành tinh..

Một hệ thống như vậy không chỉ cho thấy người Sao Hoả tồn tại, mà họ còn là những kỹ sư đáng kinh ngạc. Trên Trái đất, con người đã mất 10 năm để hoàn thành kênh đào Suez vào năm 1869. Thành tựu của người Sao Hoả do đó dường như vượt trội hơn nhiều so với những gì con người đã đạt được.

Nhà thiên văn học Percival Lowell chắc chắn đã nghĩ như vậy. Năm 1894, nhà khoa học – doanh nhân người Mỹ này bắt đầu mở rộng khái niệm về “kênh đào” trên Sao Hoả. Lowell đã sử dụng gia sản lớn ngành dệt may của gia đình mình để mở Đài quan sát Lowell ở Flagstaff, bang Arizona, Mỹ.

Hành trình thế kỷ tìm kiếm sự sống trên Sao Hoả - Kỳ 1 - Ảnh 3.

Bản đồ của Giovanni Schiaparelli về hệ thống "kênh đào" trên sao Hỏa. Ảnh: Wikimedia Commons

Percival Lowell đã lập bản đồ các “kênh đào” trên Sao Hỏa với sự trợ giúp của kính thiên văn khúc xạ Alvan Clark & ​​Sons rộng 24 inch mà ông thiết lập tại Đài quan sát Lowell. Ông đã vẽ các bản đồ tỉ mỉ về những gì quan sát được trên bề mặt Sao Hỏa, viết nhiều cuốn sách và thường xuyên thuyết trình về lý thuyết gây sốc của mình rằng người Sao Hỏa tồn tại và họ cố gắng tưới tiêu cho hành tinh đang chết của họ.

Percival Lowell đã đưa những giải thích logic để trả lời câu hỏi làm thế nào và tại sao sự sống tồn tại trên Sao Hoả. Ông lấy ví dụ về sự sống trên Trái đất để minh họa cho những tranh luận của mình: “Khi người ta còn chứng minh một cách chắc chắn rằng không có sự sống nào có thể tồn tại dưới đáy biển, thì các tàu nạo vét dưới đáy biển sâu đã được phát minh, và chẳng bao lâu, chúng làm ta ‘thất vọng’.

Kìa, chúng nhìn thấy đầy rẫy sự sống. Cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm và da gai. Nói ngắn gọn thì sự sống của tất cả các loài cá nổi thông thường, từ các phần tử nguyên sinh cho đến ‘quái vật’ biển - đều được phát hiện sinh sống ở những vùng sâu vực thẳm nơi đáy biển. Những gì không thể, hoá ra lại có thể”.

Nhưng lập bản đồ Sao Hoả là một chuyện, các nhà khoa học còn sớm tìm mọi cách liên lạc với bất kỳ sự sống nào có thể tồn tại trên hành tinh này.

"Thông điệp" từ Hành tinh Đỏ

Vào năm 1899, lý thuyết của Lowell về sự sống trên Sao Hỏa đã nhận được “cú hích” từ một nhà khoa học lỗi lạc: Nikola Tesla. Tesla, khi đó là một kỹ sư điện thành công, tuyên bố rằng ông đã phát hiện ra một tín hiệu "không thể giải thích được, mờ nhạt" bắt nguồn từ Sao Hỏa.

Hành trình thế kỷ tìm kiếm sự sống trên Sao Hoả - Kỳ 1 - Ảnh 5.

Chân dung Nikola Tesla chụp vào khoảng năm 1890. Ảnh: Wikimedia Commons

Trong khi tiến hành các thí nghiệm với máy phát phóng đại của mình ở vĩ độ cao trên đỉnh Pike Peak, vùng Colorado Springs, Tesla cho rằng ông đã nhận được “một thông điệp từ một thế giới khác, không xác định và từ xa”.

Thông điệp đó nói gì? Theo Nikola Tesla, nó chỉ đơn giản là: “MỘT - HAI – BA”.

Vài năm sau, vào một ngày tháng 2/1901, trong cuộc trả lời phỏng vấn với tuần báo Collier’s Weekly, nhà phát minh Tesla tuyên bố ông có thể liên lạc với người Sao Hoả bằng cách gửi thông điệp không dây lên bất kỳ điểm nào trên “Hành tinh Đỏ”. Đây là một tuyên bố kỳ lạ, bởi việc phát đi thành công thông điệp vô tuyến trên Trái đất chỉ trở thành hiện thực kể từ tháng 12 năm đó.

Tesla không biết những sinh vật ngoài hành tinh có thể trông như thế nào, nhưng ông tin rằng họ đã thích nghi với điều kiện sống trên Sao Hoả.

Giống như Lowell, ông cho rằng “có thể trong một hành tinh đóng băng, như điều kiện được cho là trên Mặt trăng của chúng ta, những sinh vật thông minh vẫn có thể cư ngụ, bên trong lòng nó, nếu không phải là trên bề mặt”.

Đối với nhiều người, khi con người có thể nhận được thông điệp từ Sao Hoả thì ta cũng có thể gửi thông điệp đi, điều đó có vẻ hợp lý. Vào năm 1909, đã có những nỗ lực nhằm tìm kiếm một cuộc tiếp xúc với sự sống trên Sao Hoả.

Giáo sư Đại học Harvard, William Henry Pickering đề xuất gửi tín hiệu ánh sáng hành tinh thông qua một loạt phản xạ được tạo ra bởi một mạng lưới gồm 50 tấm gương khổng lồ. Những tia sáng sẽ liên tiếp loé lên trong vài năm, cho phép người Sao Hỏa có thời gian phát triển các phương tiện cần thiết để đáp lại.

Hành trình thế kỷ tìm kiếm sự sống trên Sao Hoả - Kỳ 1 - Ảnh 7.

Minh hoạ gương khổng lồ của Giáo sư Pickering để phát tín hiệu tới Sao Hoả. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ

“Với hy vọng nhận lại những tín hiệu như vậy, tất nhiên chúng ta phải giả định rằng người Sao Hỏa, nếu tồn tại, cũng có kính thiên văn, có mắt, v.v., giống như con người có trên Trái đất này”, ông Pickering nói. Nhưng kế hoạch của vị Giáo sư Harvard tốn kém tới 10 triệu USD, và không ai muốn tài trợ cho nó.

Xem tiếp Kỳ 2: ĐỔ BỘ XUỐNG HÀNH TINH ĐỎ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại