Chúng tôi ngỡ ngàng và ấn tượng khi nghe Đại tá Lê Văn Tuyến – Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông nói về những con số liên quan đến vụ xăng giả, những công thức lý – hóa, các chỉ số, thành phần hóa chất… quy trình chưng cất, pha chế tạo ra xăng thật, xăng giả, tác hại của xăng giả với các loại máy móc, phương tiện cơ giới…
Đại tá Tuyến cho biết, là Trưởng ban chuyên án, quá trình chỉ đạo chuyên án, ông đã nghiên cứu, trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực lọc hóa dầu, quản lý hóa chất, kinh doanh xăng dầu… nhằm làm rõ bản chất vụ án và vai trò của từng đối tượng trong vụ án và các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đại tá Lê Văn Tuyến – Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông tại buổi làm việc với phóng viên Báo Công an TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đặng Quỳnh
|
Chuyên án lớn qua 5 tỉnh, thành
Liên quan đến vụ án đường dây sản xuất, tiêu thụ xăng, dầu giả trên, Công an tỉnh Đắk Nông vừa khởi tố bắt giam thêm 4 đối tượng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nâng tổng số bị can bị bắt lên 28 (27 bị can bị khởi tố, bắt giam về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả”).
Ngày 13-6-2019, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã gửi Thư khen Công an tỉnh Đắk Nông; Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục CSGT; Cục Kỹ thuật nghiệp vụ; Cục Ngoại tuyến; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Công an các tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, TP.HCM, Cần Thơ, vì thành tích xuất sắc trong phối hợp đấu tranh, triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả quy mô lớn.
Ngày 20-6, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã động viên và trao thưởng số tiền 200 triệu đồng, ghi nhận, chúc mừng, biểu dương chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông.
Đặc biệt ngày 26-5-2019, đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã gửi Thư khen Công an tỉnh Đăk Nông, biểu dương, ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của Công an tỉnh Đắk Nông.
Chuyên án này do Công an tỉnh Đắk Nông chủ trì, phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng triệt phá.
Cơ quan điều tra xác định, có 4 nhóm đối tượng trong chuyên án, do Trịnh Sướng (ngụ Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan (đều ngụ quận 12, TP. HCM) và Nguyễn Thị Thu Hòa cầm đầu với các hành vi, phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi.
Cả 4 đối tượng trên đều thành lập các công ty kinh doanh hóa chất, kinh doanh phân phối xăng dầu tại địa phương nơi cư trú sau đó mở rộng thị trường đến nhiều tỉnh, thành khác.
Đại tá Tuyến cho biết, đến nay, theo lời khai của các đối tượng với các hóa đơn chứng từ khi mở niêm phong, đấu tranh với các đối tượng, xác định, các đối tượng sử dụng trên 4.200 tỷ đồng để mua dung môi và hóa chất làm xăng giả, đã “sản xuất” và đưa ra tiêu thụ trên thị trường hơn 400 triệu lít xăng giả.
Con trai và em vợ của Trịnh Sướng tham gia đứng tên 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong hệ thống các công ty của Trịnh Sướng là Công ty CP thương mại hóa dầu Ressol và Công ty TNHH Gia Thành.
Cơ quan CSĐT đang điều tra làm rõ tính liên quan của hai công ty này. Riêng về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả, hiện nay Cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ về hành vi này liên quan đến các đối tượng cầm đầu nêu trên.
Một số đối tượng cầm đầu, liên quan bị bắt giữ trong đường dây làm giả xăng, dầu quy mô lớn nhất từ trước đến nay bị Công an triệt phá (từ trái sang, trên xuống: Trịnh Sướng, Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Ngọc Quan, Nguyễn Mạnh Tiến, Đinh Trí Dũng). Ảnh: Đặng Quỳnh
Vụ án bắt đầu từ giữa tháng 6-2018, từ những thông tin về bất thường trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cùng đó thông tin về những chiếc xe ô tô, xe máy bất ngờ bốc cháy, xảy ra trong nhiều năm ở các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước khiến Ban Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đặc biệt lưu tâm.
Từ thông tin trinh sát ban đầu, xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an tỉnh Đắk Nông đã xác lập chuyên án, do Đại tá Lê Văn Tuyến - Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban để chỉ đạo đấu tranh.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2019, trinh sát phát hiện cùng lúc hai cửa hàng xăng dầu, một ở TX.Gia Nghĩa, một ở huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đang pha trộn xăng giả để bán ra thị trường.
Quyết định phá án một phần được đưa ra, bắt quả tang việc sản xuất buôn bán xăng giả tại hai cửa hàng xăng dầu nêu trên.
Sau thời gian điều tra thu thập tài liệu chứng cứ, ngày 13 và 14-3-2019, Ban chuyên án đã chỉ đạo khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Mở rộng điều tra, ngày 14, 15-3-2019, Cơ quan điều tra tiếp tục bắt quả tang tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông các đối tượng đang bơm xăng không có nguồn gốc, niêm phong kẹp chì xuống hầm của một của hàng xăng dầu, đồng thời phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa, bắt quả tang các đối tượng đang pha chế dung môi vào xăng trên hai xe bồn tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Tổ chức khám xét khẩn cấp tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, Công an ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với vợ chồng Nguyễn Thị Kim Loan và Hoàng Thụy Minh Việt là hai “mắt xích” quan trọng trong chuyên án. Ngày 21-3-2019, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 2 đối tượng này.
Từ lời khai của các đối tượng, hồ sơ, tài liệu đã thu thập được, xác định tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, liên quan đến nhiều đối tượng hoạt động phạm tội tinh vị tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông - Trưởng Ban chuyên án đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập Ban chỉ đạo chuyên án, do Thượng tượng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban chỉ đạo, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông làm Phó trưởng ban.
Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an tập trung xác minh, làm rõ phương thức, thủ đoạn của đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả này.
“Mẻ lưới” lớn bắt trọn ổ
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo chuyên án, từ ngày 28-5 đến ngày 2-6-2019, Công an tỉnh Đắk Nông chủ trì phối hợp các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành: TP.HCM, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đồng loạt đột kích bắt quả tang các đối tượng đang có hoạt động pha trộn dung môi với chất kích RON... tạo thành xăng giả tại 3 điểm và tổ chức khám xét tại 6 điểm (là nơi các đối tượng đang thực hiện pha trộn và là kho cất giữ các chất để pha trộn xăng giả) thuộc địa bàn các tỉnh, thành trên.
Lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông đã thu giữ trên 3,2 triệu lít dung dịch các loại gồm: trên 2 triệu lít hỗn hợp đã pha chế tạo thành xăng giả, trên 400.000 lít dung môi chưa pha, 250.000 lít dung dịch (chưa rõ chủng loại), gần 400.000 lít xăng A95 và dầu DO, 3 tàu thủy, 6 xe ô tô (xe bồn), 5 máy bơm, 50 kg chất tạo màu và nhiều vật chứng, tài liệu khác có liên quan đến hành vi phạm tội. Lần lượt 28 đối tượng liên quan bị bắt giữ.
Sản phẩm xăng giả của Trịnh Sướng và đồng bọn. Ảnh: Đặng Quỳnh
Kết quả điều tra ban đầu xác định, bằng thủ đoạn lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu, các đối tượng đã có hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả, thực hiện hành vi pha trộn dung môi, hóa chất cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu và xăng A95 để tạo ra xăng E5 RON 92 và RON 95 giả, bán trên địa bàn nhiều tỉnh, thành với số lượng đặc biệt lớn, diễn ra trong thời gian dài, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.
Đại tá Tuyến cho biết, cái khó trong vụ án này là phải bắt quả tang nhằm làm rõ hành vi sản xuất hàng giả. Nếu không, việc thu giữ xăng giả do các đối tượng pha chế chỉ có thể xử phạt hành chính về hành vi hàng kém chất lượng.
Các đối tượng thuộc loại sừng sỏ trong làm ăn kinh tế bất chính nên có nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi, có “vỏ bọc” về nhân thân, am hiểu về hóa chất, công thức pha chế xăng, có quan hệ rộng, thường xuyên làm từ thiện để tạo uy tín với địa phương; như Trịnh Sướng đã tặng nhiều xe cứu thương cho các huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Thủ đoạn đối phó còn là luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn từ vận chuyển, liên lạc, thành lập nhiều công ty, doanh nghiệp vừa có chức năng kinh doanh hóa chất, kinh doanh, phân phối xăng dầu; lập kho bãi, hoạt động pha chế ở những địa điểm khó phát hiện như ở các đường hẻm sâu, vùng sâu, xa, đường xá đi lại khó khăn, trên tàu neo đậu trên sông…
Trước yêu cầu của chuyên án là phải bắt được quả tang hành vi pha chế để có cơ sở xử lý tận gốc, các trinh sát, điều tra viên dày dạn kinh nghiệm của Công an tỉnh Đăk Nông đã lăn lộn trên địa bàn các tỉnh, thành phố hàng năm trời để bí mật thu thập thông tin, tài liệu về hành vi phạm tội của các đối tượng.
Có những lúc bị lộ nhưng với sự mưu trí, dũng cảm, không quản khó khăn, bám chặt địa bàn, đối tượng... thu thập quy luật hoạt động, từng chút dấu vết, chứng cứ về hành vi phạm tội của các nhóm tội phạm.
Khi thời cơ chín muồi, hơn 200 trinh sát, điều tra viên của Công an tỉnh Đắk Nông được chọn lọc, huy động cùng điều tra viên, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố tổ chức bắt quả tang, khám xét đồng loạt tại TP.HCM, TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng làm các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả không kịp trở tay.
Đại tá Tuyến cho biết, qua giám định 183 mẫu xăng giả thu được, hầu hết đều không đạt quy chuẩn.
Kết luận của Trung tâm tiêu chuẩn đo lường khu vực 3 (thuộc Bộ khoa học công nghệ), có nhiều mẫu không phải là xăng nên không thể sử dụng trực tiếp làm nhiên liệu cho động cơ được, nếu sử dụng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ và có thể gây hỏng động cơ...
Chúng tôi đặt câu hỏi, vậy hàng loạt phương tiện ô tô, xe máy từng xảy ra cháy, nổ trong nhiều năm qua có phải do xăng giả của các đối tượng này gây ra nên hay không? Đại tá Tuyến cho rằng, chưa thể khẳng định điều đó. Việc máy móc, phương tiện xảy ra cháy nổ phải xem xét, điều tra nguyên nhân là do nhiên liệu, do điện hay do động cơ…
Khi đó mới có kết luận chính xác.
Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông trực tiếp chỉ đạo phá án tại kho xăng giả của Đinh Trí Dũng tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đặng Quỳnh
Đại tá Lê Vinh Quy – Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết, các đối tượng ban đầu pha trộn xăng giả ngay tại cửa hàng. Tuy nhiên, sau đó họ nghi ngờ bị theo dõi nên pha trộn trong các kho hàng, trên tàu biển và được cảnh giới rất nghiêm ngặt, không để người lạ lại gần.
Các doanh nghiệp vi phạm chủ yếu ở miền Tây và TP.HCM nên đơn vị phải chuẩn bị rất kỹ, chọn những trinh sát nói được tiếng địa phương tham gia đánh án.
Qúa trình trinh sát gặp nhiều khó khăn, có lúc bị lộ hoặc do các đối tượng thay đổi cách thức hoạt động để đối phó, Ban chuyên án buộc phải linh hoạt trong chỉ đạo, chọn phương án tiếp cận để không mất dấu vết các đối tượng.
Đây thực sự là chiến công vang dội của Bộ Công an, Công an tỉnh Đắk Nông trong việc triệt phá tổ chức, băng nhóm tội phạm có hành vi pha chế, sản xuất xăng giả quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Thành tích này của lực lượng Công an đã chứng tỏ sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác phòng chống tội phạm; đảm bảo, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên của nhân dân, được nhiều tầng lớp nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, ủng hộ.
Đại tá Lê Vinh Quy – Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, Phó ban thường trực Ban Chuyên án triệt phá đường dây xăng giả quy mô lớn. Ảnh: Đặng Quỳnh
Thấy gì qua vụ án?
Vụ án này đã giải tỏa bức xúc của nhiều người dân trong nhiều năm qua, về tình trạng những chiếc xe ô tô, xe máy lưu thông trên đường, trong nhà để xe chung cư... ở một số địa phương bỗng tự cháy, reo rắc nỗi sợ hãi kinh hoàng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của hàng trăm ngàn người.
Khi các vụ xe tự cháy xảy ra, nhiều chuyên gia đã đặt nghi vấn về xăng kém chất lượng là thủ phạm.
Trong khi chưa có kết luận chính thức thì Công an tỉnh Đắk Nông, Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành kể trên đã triệt phá đường dây sản xuất xăng giả quy mô, liên quan đến nhiều “đại gia”, chủ doanh nghiệp, lợi nhuận lên đến hàng ngàn tỷ đồng, gây ra hệ lụy khôn lường.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải mạnh tay xử lý các doanh nghiệp, cây xăng tiêu thụ xăng, dầu giả. Đây là một loại tội phạm nguy hiểm, cần thiết phải bị pháp luật xử lý nghiêm minh.
Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường, nhất là với mặt hàng nhạy cảm như xăng, dầu vì đây là nguyên liệu gốc để vận hành hầu hết các loại máy móc, phương tiện cơ giới phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu không được bảo đảm; hàng giả, hàng gian, kém chất lượng trà trộn, hậu quả với nền kinh tế, chính trị là rất lớn. Đó là lý do người dân thực sự quan tâm, cổ vũ lực lượng Công an đã triệt phá thành công ổ nhóm sản xuất, kinh doanh xăng giả này.
Được biết, hiện lãnh đạo Bộ Công an đang chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Nông và một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ tập trung đấu tranh mở rộng, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Một số hình ảnh về quá trình triệt phá vụ án xăng giả của "đại gia" Trịnh Sướng:
Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông và các trinh sát, điều tra viên tại kho hàng xăng giả của các đối tượng tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đặng Quỳnh
Các đối tượng cầm đầu lập kho bãi để chế tạo xăng giả tại các điểm heo hút, khó phát hiện (Trong ảnh: Lực lượng chức năng đang lập biên bản, kiểm đếm, thu giữ các vật chứng, xăng giả tại hiện trường huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Đặng Quỳnh
Khám xét tại Công ty Phạm Sơn 2. Ảnh: Đặng Quỳnh
Kho xăng, dầu giả của Trịnh Sướng tại Sóc Trăng. Ảnh: Đặng Quỳnh
Tàu Gia Thành 7 của Công ty Gia Thành do Trương Thị Mỹ Tuyết - em vợ Trịnh Sướng đứng tên giám đốc. Ảnh: Đặng Quỳnh
Kho xăng, dầu Ressol do con trai Trịnh Sướng đứng tên. Ảnh: Đặng Quỳnh