Cách đây hơn 20 năm, chương trình Đường lên đỉnh Olympia bắt đầu phát sóng chương trình đầu tiên vào ngày 21/3/1999. Cứ như vậy trong suốt nhiều năm sau đó, chương trình có số tuổi kỷ lục của Đài Truyền hình Việt Nam, trở thành món ăn tinh thần mỗi chiều Chủ nhật của biết bao thế hệ học sinh nuôi ước mơ giành được vòng nguyệt quế và suất du học Úc.
Tên gọi và thứ tự vòng chơi không đổi, còn lại luật chơi hầu như đã được cải tiến
Chương trình phát sóng đầu tiên năm ấy có 4 phần thi.
- Khởi động: Có 6 loại câu hỏi: Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Như thế nào? Tại sao? Người chơi chọn lần lượt 2 câu hỏi; bấm chuông trả lời trong vòng 30 giây, trả lời trong 10 giây đầu được 30 điểm, trong 20 giây được 20 điểm, trong 30 giây được 10 điểm.
- Vượt chướng ngại vật: Giải ô chữ lần lượt chọn từ hàng ngang, có 10 giây để suy nghĩ, trả lời đúng được 10 điểm. Tìm được từ hàng dọc được 40 điểm. Người chơi có thể bấm chuông trả lời từ hàng dọc bất kỳ lúc nào.
- Tăng tốc: Có 3 câu hỏi IQ hoặc đoạn băng, mỗi câu được 20 điểm, bấm chuông trả lời nhanh.
- Về đích: Câu hỏi được đưa ra ở các thang điểm 40, 30, 20 và 10. Mỗi người chơi có quyền lựa chọn 2 câu hỏi và có thể chọn ngôi sao hy vọng để có thể tăng gấp đôi số điểm hoặc trừ đi số điểm đã chọn đó.
So với chương trình năm 2020, luật chơi đã được thay đổi khi phần Khởi động không giới hạn câu hỏi, Về đích xuất hiện gói câu hỏi 90 điểm... giúp thí sinh gia tăng cơ hội lập kỷ lục điểm số.
Góp công không nhỏ cho sự thành công của chương trình, nhà báo Tạ Bích Loan là người khai sinh ra Đường lên đỉnh Olympia và cũng là người dẫn chương trình đầu tiên.
Theo chị Loan, đỉnh núi Olympia mang tên chương trình chỉ nằm trong tưởng tượng, là giấc mơ chinh phục của các thí sinh. Bởi trên thực tế, Olympia là tên một đồng bằng tại Hy Lạp. Tuy nhiên, vì tên Đường lên đỉnh Olympia đã trở nên gần gũi với mọi người nên BTC vẫn quyết định giữ lại cái tên này.
Nhà báo Tạ Bích Loan là người dẫn chương trình mùa đầu tiên.
Nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ trong 1 buổi phỏng vấn: "Tôi đứng ở chỗ có vòng nguyệt quế và chữ Đường lên đỉnh Olympia, vị trí của người dẫn chương trình, một cảm giác rất lạ vụt đến. Khán giả cũng vậy, khi tôi bước vào trường quay, theo quán tính, khán giả vẫn hò reo vui vẻ".
2/17 Quán quân trở về nước, riêng Quán quân năm thứ 19 khẳng định "có lý do để trở về"
Nhận được suất học bổng toàn phần, nhiều khán giả luôn tò mò cuộc sống của các nhà vô địch năm nào. Sau khi giành danh hiệu Quán quân, tính đến thời điểm hiện tại, 17/19 người đã lựa chọn con đường du học và tất cả đều "công thành danh toại" sau khi tốt nghiệp nước ngoài. Còn Quán quân mùa gần nhất Trần Thế Trung sẽ du học vào mùa học thời gian sau và khẳng định "có lý do để trở về".
2 Quán quân trở về nước là Lương Phương Thảo (năm thứ 3) và Lê Viết Hà (năm thứ 7). Trong khi Phương Thảo trở về nước với tấm bằng Thạc sĩ ngành Kinh doanh quốc tế và Marketing thì Viết Hà cũng hoàn thành bậc Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại ĐH Deakin (Úc).
Hiện tại chỉ có 2 Quán quân trở về nước là Lương Phương Thảo (năm thứ 3) và Lê Viết Hà (năm thứ 7).
10 đời MC "cầm trịch" chương trình
Trong suốt 20 năm chương trình Đường lên đỉnh Olympia phát sóng, khán giả đã chứng kiến nhiều thế hệ MC dẫn chương trình tiếp nối nhau để đem đến không khí mới lạ cho cuộc thi. Nhiều MC bước ra từ chương trình đã rất thành công trong sự nghiệp và giữ vị trí cao trong Đài truyền hình Việt Nam.
MC dẫn dắt chương trình mùa đầu tiên, cũng là người đặt nền móng cho chương trình là nhà báo Tạ Bích Loan. Cũng chính chị là chủ nhân của ý tưởng tạo ra vòng nguyệt quế để vinh danh thí sinh chiến thắng trong các tuần thi.
Bộ đôi MC đình đám một thời: Nhà báo Tùng Chi - MC Lưu Quang Vũ.
Gắn bó lâu nhất với chương trình, nhà báo Tùng Chi làm MC từ mùa 2 đến mùa 5, mùa 10 đến mùa 16. Cô là một biên tập viên nhiệt huyết khi xung phong vào những vị trí nào còn yếu, đang cần sự có mặt của mình trong suốt quãng thời gian dài gắn bó với Olympia, đây cũng là lý do khiến cô quay trở lại với màn ảnh nhỏ. Đây cũng là một trong những MC để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng khán giả và thí sinh Olympia.
Bên cạnh đó, còn có các MC khác như: Nhà báo Lưu Quang Vũ (MC mùa 2, 4, 5), Thanh Vân Hugo (mùa 11), MC Việt Khuê (từ mùa 8 đến mùa 12)... Đến hiện tại, bộ đôi đang dẫn dắt chương trình cực kỳ ăn ý là MC Phạm Ngọc Huy và MC Diệp Chi.
Bộ đôi dẫn chương trình cực ăn ý thời điểm hiện tại: Ngọc Huy và Diệp Chi.
Năm nào chương trình cũng đổi mới sân khấu
Hầu như năm nào chương trình cũng thay đổi sân khấu, chỉ một số năm thiết kế giống nhau (năm 10-11, năm 17-19) hoặc ít thay đổi (năm 15-16 tương đồng khoảng 40%, khác ở chỗ đứng của thí sinh và bục trả lời ở chính giữa sân khấu).
Sự đổi mới sân khấu nhằm đem lại sự mới mẻ cho khán giả với lần đổi gần nhất là ngay trong chương trình năm 2020. Bục đứng của 4 thí sinh được thay đổi thiết kế từ hình chữ nhật sang hình trụ và đặt cách xa nhau. Bục đứng của 2 MC cùng họa tiết trang trí sân khấu, có màu sắc rực rỡ. Nổi bật trên sân khấu thường là hình vòng nguyệt quế lồng trong tên chương trình "Đường lên đỉnh Olympia".
Đến với chương trình mùa 20, bục sân khấu được thiết kế sáng hơn, lung linh hơn và ngập tràn sắc xanh tươi.
4 lần thay đổi logo
Trong hơn 20 năm phát sóng, chương trình đã có 4 lần thay đổi logo và trong năm nay, BTC cũng đang tổ chức cuộc thi sáng tạo logo mới cho Đường lên đỉnh Olympia.
Lần gần nhất Đường lên đỉnh Olympia thay đổi logo là vào năm thứ 16. Thiết kế của 4 lần này đều là hình vòng nguyệt quế với chiếc nơ to ở chính giữa, bên cạnh là tên chương trình. Điều duy nhất thay đổi là màu sắc.
Nhiều lần thay đổi màu áo
Sau 20 năm chương trình Đường lên đỉnh Olympia phát sóng, áo của các thí sinh đã nhiều lần thay đổi kể cả màu lẫn thiết kế. Một số năm có màu đặc biệt như xanh lá cây (năm thứ 14) hay đỏ (năm thứ 16). Chủ yếu áo thi đầu các năm đều là màu trắng, in logo màu vàng hoặc đỏ, ở giữa là logo hoặc vòng nguyệt quế.
Số tiền thưởng không hề thay đổi
Đến với chương trình Đường lên đỉnh Olympia, thí sinh nào cũng khao khát được đội vòng nguyệt quế năm cùng suất du học toàn phần. Sau 20 năm, phần thưởng này vẫn không hề thay đổi cho Quán quân Olympia khi nhà vô địch năm sẽ nhận được học bổng trị giá 35.000 USD và học bổng 100% nếu học tập tại ĐH Kỹ thuật Swinburne (Australia).
Trước năm 2016, không chỉ Quán quân mà cả trường có thí sinh vô địch cũng được nhận phần thưởng đi kèm là TV, đầu DVD, tủ lạnh, máy giặt... Sau năm 2016, phần thưởng tiền mặt sẽ được trao cho cả giải Nhất, Nhì, Ba.