Hành trình nghiên cứu sinh tiến sĩ Singapore làm việc cho tình báo Trung Quốc tại Mỹ

Hoài Thanh |

Một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tới Bắc Kinh trình bày báo cáo đã bị các nhân viên tình báo Trung Quốc tiếp cận, tuyển mộ, giao nhiệm vụ thu thập thông tin nhạy cảm về hoạt động của chính quyền và quân đội Mỹ.

Trước tòa thượng thẩm liên bang ở Washington hôm 24/7, công dân Singapore Yeo Jun Wei (còn gọi là Dickson Yeo) đã nhận tội sử dụng vỏ bọc tư vấn kinh doanh tại Mỹ để thu thập thông tin nhạy cảm cho tình báo Trung Quốc.

Trong lời thú tội, Yeo thừa nhận đã cộng tác với phía Trung Quốc từ năm 2015 đến 2019, với nhiệm vụ là phát hiện và thẩm định các công dân Mỹ có khả năng tiếp cận “thông tin có giá trị” không công khai.

Trong số các nguồn tin của Yeo xây dựng được có một nhân viên dân sự làm việc cho không quân Mỹ liên quan đến chương trình máy bay F-35B, một sĩ quan công tác tại Lầu Năm góc theo dõi mảng rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và một nhân viên tại Bộ Ngoại giao Mỹ có quan hệ với một quan chức cấp thành viên nội các.

Bị tình báo Trung Quốc tiếp cận, tuyển mộ khi học thạc sĩ tại NUS

Theo tài liệu tại Tòa thượng thẩm, Yeo bắt đầu cộng tác với tình báo Trung Quốc từ đầu năm 2015, khi tới Bắc Kinh và có bài thuyết trình tại một cuộc hội thảo về tình hình chính trị ở Đông Nam Á. Tại thời điểm này, Yeo đang học thạc sĩ chuyên ngành Triết học chính sách công tại NUS.

Sau bài thuyết trình, Yeo được một số cá nhân tự nhận làm việc trong các tổ chức nghiên cứu độc lập tại Trung Quốc tuyển dụng. Số này hứa trả tiền cho Yeo, đổi lại công dân người Singapore có trách nhiệm gửi, cung cấp các báo cáo chính trị.

“Yeo dần dần hiểu ra rằng có ít nhất bốn cá nhân trong số nhóm tiếp cận này là người của cơ quan tình báo Trung Quốc. Một nhân viên tình báo sau đó từng đề nghị Yeo ký hợp đồng làm việc cho Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Yeo từ chối, nhưng vẫn tiếp tục cộng tác với nhân viên tình báo Trung Quốc”, cáo trạng tại tòa nêu.

Những nhân viên tình báo yêu cầu Yeo cung cấp thông tin về tình hình chính trị, kinh tế và ngoại giao quốc tế, tập trung vào những thông tin “không công bố công khai”, mà họ gọi là “tin đồn, dư luận”. Lúc đầu, yêu cầu thông tin thu thập chủ yếu về Đông Nam Á. Sau đó, nhiệm vụ được chuyển hướng sang thu tin về Mỹ.

Sử dụng tiếng lóng trong trao đổi với Yeo, nhưng các đặc vụ tình báo Trung Quốc công khai nói rằng họ là người của chính phủ Trung Quốc. Một người trong số này từng tiết lộ ông ta và cấp trên làm việc cho một đơn vị tình báo chủ lực của Trung Quốc.

Trong một chuyến đi tới Trung Quốc, Yeo gặp gỡ nhân vật này cùng hai người khác trong phòng một khách sạn. Tại cuộc gặp, nhân viên tình báo Trung Quốc hướng dẫn Yeo cách thức thu thập thông tin diện không công khai về Bộ Thương mại Mỹ, trí tuệ nhân tạo và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Địa điểm gặp gỡ được bố trí tại nhiều nơi trên khắp Trung Quốc. Yeo gặp một liên lạc viên người Trung Quốc khoảng 19-20 lần, gặp một nhân viên tình báo khác khoảng 25 lần. Mỗi khi tới Trung Quốc để gặp gỡ, cung cấp tin, Yeo thường được tách khỏi làn làm thủ tục hải quan và được đưa vào một phòng riêng để nhập cảnh vào Trung Quốc. Yeo từng gặng hỏi về việc này, nhưng được nhân viên tình báo nói rằng họ không muốn Yeo “bộc lộ danh tính” khi tới Trung Quốc.

Lựa chọn đối tượng, tìm kiếm mục tiêu, liên lạc tình báo

Yeo sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm, tuyển mộ số công dân Mỹ có khả năng cung cấp tin. Năm 2018, một nhân viên tình báo Trung Quốc hướng dẫn Yeo lập một công ty tư vấn làm bình phong và đăng tin tuyển dụng nhân viên trên một website chuyên về tìm kiếm việc làm.

Hành trình nghiên cứu sinh tiến sĩ Singapore làm việc cho tình báo Trung Quốc tại Mỹ  - Ảnh 1.

Yeo Jun Wei sử dụng bình phong một công ty tuyển dụng công việc để tìm kiếm mục tiêu. Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Yeo sử dụng tên công ty trùng với một hãng tư vấn hàng đầu của Mỹ chuyên thực hiện nghiệp vụ quan hệ công chúng và chính phủ. Hơn 400 đơn xin việc đã được gửi đến, với 90% số ứng viên là các cá nhân đến từ quân đội và các cơ quan chính phủ Mỹ, có quyền miễn trừ an ninh. Yeo sau đó sẽ gửi hồ sơ xin việc này cho tình báo Trung Quốc để xác định đối tượng cần quan tâm.

Theo tài liệu tại tòa, sau khi Yeo tiếp cận mục tiêu tiềm năng qua mạng, website của công ty bắt đầu tung ra gợi ý về những mối quan hệ xã hội khác của đối tượng. Thuật toán mà website này áp dụng vận hành liên tục. Yeo ngày nào cũng kiểm tra website để tìm kiếm ứng viên tiềm năng thông qua gợi ý từ kết quả mà thuật toán cung cấp. Dần dần, Yeo nghiện công việc này - công dân người Singapore thú nhận.

Sau khi xác định được mục tiêu, Yeo tìm cách tuyển dụng số này để họ cung cấp thông tin và báo cáo. Nhân viên tình báo Trung Quốc hướng dẫn Yeo cách thức tuyển mộ mục tiêu tiềm năng, nổi bật là chiêu gặng hỏi xem đối tượng có bất mãn với công việc hiện tại hay không, có gặp khó khăn gì về tài chính, con cái có cần giúp đỡ hay không và đánh giá mức độ thiện chí trong tạo lập quan hệ.

Năm 2015, Yeo phát hiện một nhân viên dân sự làm việc cho chương trình chế tạo máy bay F-35B của không quân Mỹ. Người này có quyền miễn trừ an ninh bậc cao và thú nhận với Yeo rằng đang gặp khó khăn về tài chính. Yeo yêu cầu anh này viết một báo cáo, đối tượng sau đó cũng cung cấp thông tin về tác động địa chính trị của từ việc Nhật Bản mua máy bay F-35 từ Mỹ. Yeo soạn thảo báo cáo và gửi cho đầu mối liên lạc phía cơ quan tình báo Trung quốc.

Trong năm 2018 và 2019, Yeo còn tìm kiếm được một nguồn tin khác thông qua website tuyển dụng việc làm. Người này lúc đó làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng cảm thấy thất vọng với công việc hiện tại, gặp vướng mắc tài chính. Đối tượng còn thổ lộ lo ngại về tương lai sau khi về hưu.

Theo hướng dẫn của Yeo, nhân viên bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp báo cáo tiểu sử về một nhân vật trong nội các của Mỹ. Người này lo sợ nếu bị Bộ Ngoại giao Mỹ phát hiện cung cấp thông tin cho Yeo, khoản lương hưu của ông sẽ bị ảnh hưởng lớn. Mỗi một lần cung cấp thông tin, Yeo trả cho đối tượng từ 1.000-2.000 USD.

Đối tượng Yeo tiếp cận, tuyển mộ còn có một sĩ quan quân đội Mỹ làm việc tại Lầu Năm góc. Yeo gặp gỡ người này nhiều lần, xây dựng được "quan hệ cộng tác tốt" với đối tượng. Viên sĩ quan tiết lộ với Yeo rằng ông bị sang chấn tâm lý từ các chuyến di chuyển quân sự ở Afghanistan. Yeo yêu cầu đối tượng viết báo cáo để gửi cho "khách hàng" ở Hàn Quốc và một số nước châu Á, nhưng không tiết lộ thông tin sẽ được gửi tới tay một chính phủ nước ngoài.

Viên sĩ quan người Mỹ cung cấp một báo cáo về tác động của việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan tới Trung Quốc và nhận được số tiền hơn 2.000 USD. Tiền thù lao này được trả trực tiếp vào tài khoản ngân hàng. Phía tình báo Trung Quốc chỉ đạo Yeo "thúc" đối tượng cung cấp thêm thông tin mật, hứa hẹn trả nhiều tiền hơn nếu sĩ quan quân đội Mỹ đồng ý thường xuyên cấp tin.

Sau khi trở lại Mỹ vào tháng 11/2019, Yeo lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này và muốn bộc lộ thân phận đang làm việc cho Trung Quốc. Tuy nhiên, khi vừa mới đặt chân xuống sân bay, Yeo đã bị các nhân viên thực thi pháp luật bắt giữ.

Hành trình nghiên cứu sinh tiến sĩ Singapore làm việc cho tình báo Trung Quốc tại Mỹ  - Ảnh 2.

Yeo Jun Wei được tình báo Trung Quốc hướng dẫn kĩ lưỡng hình thức liên lạc. Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Cáo trạng tại tòa cho thấy Yeo sống ở thủ đô Washington, D.C trong khoảng thời gian từ tháng 1-9/2019, dưới danh nghĩa theo học nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học George Washington – như Yeo mô tả trên tài khoản xã hội cá nhân LinkedIn.

Ngoài việc tuyển mộ nguồn tin nhằm vào các công dân Mỹ, Yeo còn tham dự nhiều sự kiện, hội thảo do các trung tâm nghiên cứu quanh khu vực Washington, D.C tổ chức, tiếp xúc với các cá nhân có nghề nghiệp đa dạng, từ số làm việc trong các công ty vận động hành lang cho tới các nhà thầu quốc phòng.

Tại Mỹ, Yeo được yêu cầu không tiếp xúc với các nhân viên tình báo Trung Quốc do lo ngại việc liên lạc có thể bị các cơ quan tình báo, phản gián Mỹ theo dõi, chặn thu. Phía Trung Quốc hướng dẫn Yeo cách liên lạc qua email từ một tiệm cafe địa phương nào đó trong trường hợp cần thiết. Yeo cũng được cung cấp một thẻ ngân hàng để trả tiền thù lao cho các đối tượng cấp tin tại Mỹ.

Khi ra khỏi Mỹ, Yeo liên hệ với nhân viên tình báo Trung Quốc qua ứng dụng Wechat. Yeo cũng được hướng dẫn sử dụng nhiều điện thoại, thay đổi tài khoản Wechat sau mỗi lần liên lạc với tình báo Trung Quốc.

Cáo trạng của tòa khẳng định, Yeo đã phạm luật khi không thông báo cho Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về làm việc tại Mỹ như là một nhân viên tình báo nước ngoài, hoặc một quan chức ngoại giao của chính phủ nước ngoài.

Yeo sẽ bị tuyên án vào ngày 9/10 tới, với mức án tối đa là 10 năm tù giam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại