Hành trình khám phá cuộc sống Triều Tiên ở mức độ chưa từng thấy của nhóm phóng viên CNN

Việt Hương |

Khi được phóng viên CNN hỏi: "Liệu các cháu có bắn người Mỹ không?", các cậu bé Triều Tiên đã nhanh chóng đồng thanh: "Có bắn".

Will Ripley, Tim Schwarz và Justin Robertson, ba phóng viên của hãng tin CNN đã đến Triều Tiên vào tháng 6/2017 và dành 15 ngày ở lại đây. Dù luôn bị giám sát bởi những người của chính quyền Triều Tiên nhưng họ đã tiếp cận được đời sống tại đất nước này ở mức độ chưa từng thấy trước đó, không chỉ Bình Nhưỡng mà còn cả những vùng đất hẻo lánh khác.

Dưới đây là những ghi chép của Ripley về chuyến hành trình khám phá đất nước được cho bí ẩn này.

Những đứa trẻ tại Triều Tiên

Hành trình khám phá cuộc sống Triều Tiên ở mức độ chưa từng thấy của nhóm phóng viên CNN - Ảnh 1.

Những cậu bé Triều Tiên đều dùng thái độ giống nhau lúc nhắc đến Mỹ. Ảnh: CNN

Nhắc đến Triều Tiên, hầu hết mọi người nhớ đến các vụ thử tên lửa, các đầu đạn hạt nhân, những cuộc duyệt binh quy mô. Nhưng ở Wonsan, một thành phố nằm ở bờ biển phía Đông, các phóng viên CNN đã tìm thấy nhiều điều bất ngờ: Những đứa trẻ đang chơi trò chơi điện tử.

Nhưng không giống giới trẻ phương Tây, những cô cậu bé 14-15 tuổi không chỉ đang chơi trò chơi. Theo nhiều cách, điều chúng đang làm là để chuẩn bị cho cuộc sống thực ngoài đời. Hầu hết cậu bé và nhiều cô bé, dành một vài năm đầu khi trưởng thành phục vụ trong lực lượng quân đội Triều Tiên, giống như thế hệ cha ông họ trước đây.

Will Ripley hỏi một cậu bé về điều mà cậu hứng thú nhất trong trò chơi và cậu nói rằng đó là giết chết kẻ thù. Khi nhà báo Mỹ hỏi tiếp: "Ai là kẻ thù?", cậu trả lời đầy lạnh lùng: “Người Mỹ”.

Cậu bé nói với Ripley rằng, cậu và bạn mình muốn tham gia quân đội một ngày nào đó, để chiến đấu chống lại “Mỹ - kẻ thù không đội trời chung”.

Ripley hỏi các cậu bé rằng, chúng có bắn anh không nếu anh nói anh là người Mỹ và rất nhanh, chúng đồng thanh: “Có bắn”.

Phóng viên CNN trò chuyện với trẻ em Triều Tiên

Sau đó, đợi cho sự phấn khích giảm bớt, Ripley hứa sẽ là một người Mỹ tốt thì các cậu bé nói sẽ không bắn nữa.

Theo Ripley, đây là một điều bất thường tại Triều Tiên – những người trẻ tuổi nói với rằng họ ghét Mỹ nhưng lại mỉm cười, thân thiện và lịch sự với nhà báo này.

Ripley cho rằng, suy cho cùng những đứa trẻ Triều Tiên cũng giống giới trẻ Mỹ. Chúng thích những trò chơi và các môn thể thao. Tuy nhiên, khi anh nói chuyện với những học sinh trung học đang chơi bóng chuyền bãi biển, chúng đều dùng thái độ giống nhau lúc nhắc đến Mỹ. Những cụm từ kiểu như “kẻ thù không đội trời chung” hay “quốc gia thù địch” được lặp lại nhiều lần.

Có khoảng 5 triệu trẻ em dưới 14 tuổi ở Triều Tiên và để giành được suất tham dự khóa Trại hè thiếu nhi quốc tế Songdowon 2 tuần – được coi là tuyệt vời nhất tại quốc gia này, các em phải đạt được nhiều thành tích nổi bật.

Điều đầu tiên các phóng viên Mỹ thấy tại trại hè này là bức tượng những trẻ em vui vẻ xung quanh hai cố lãnh đạo Kim Il Sung và Kim Jong Il.

Trẻ em Triều Tiên chơi trên bờ biển

Chae Jin Song, cậu bé được tổ chức sinh nhật tại trại hè gọi nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong Un là “người cha với tất cả tình yêu như cha mẹ ruột thịt”. Khi được hỏi tại sao có thể coi ông Kim Jong Un như là cha mình thì cậu bé nói vì nhà lãnh đạo này đã yêu thương mình còn hơn cả cha mẹ ruột.

Cậu bé quả quyết: “Tôi chắc chắn sẽ trở thành một công dân tích cực, học tập tốt hơn để xứng với tình yêu của vị lãnh tụ đáng kính Kim Jong Un”.

Wonsan – thành phố của hải sản và tên lửa

Hành trình khám phá cuộc sống Triều Tiên ở mức độ chưa từng thấy của nhóm phóng viên CNN - Ảnh 5.

Người dân Wosan câu cá trong một buổi chiều êm ả. Ảnh: CNN

Có thể dùng một từ để miêu tả hành trình 125 dặm từ thủ đô Bình Nhưỡng đến Wonsan: gập ghềnh. Mất khoảng 5 tiếng với nhiều đoạn đường phải dừng lại. Có lần dừng lại khoảng 20 phút vì phía trước có công trình đang thi công.

Chỉ những chiếc xe ô tô nhỏ có thể đi qua trong khi các nhà báo Mỹ lại thì lại ngồi trên một chiếc xe tải lớn.

Phong cảnh hiện ra rất ấn tượng. Những ngọn núi hùng vĩ, cánh rừng rậm rạp và thấp thoáng những thị trấn nhỏ xa xa. Ripley tự hỏi những người ở những vùng nông thôn sâu xa hẻo lánh đó sẽ như thế nào khi tiếp xúc với những người từ nơi khác đến, đặc biệt là các phóng viên.

Người dân Triều Tiên câu cá trong một chiều êm ả

Wonsan là thành phố công nghiệp tầm trung, lớn thứ 5 cả nước. Nó khá nổi tiếng với khách du lịch và được biết đến với ngành đánh bắt cá và hải sản. Đây cũng là một trong những điểm phóng tên lửa chính của Triều Tiên.

Chương trình hạt nhân của quốc gia này đang có những bước tiến nhanh. Hiện nay, Triều Tiên đã lần đầu tiên sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa – có thể gắn đầu đạn hạt nhân – đặt phần lãnh thổ lục địa của Mỹ vào tầm bắn.

Triều Tiên bắt đầu các vụ thử tên lửa từ những năm 1980 dưới thời lãnh đạo Kim Il Sung. Nhưng phải đến năm 2011 khi Kim Jong Un lên năm quyền, ông đã đưa Triều Tiên lên một tầm cao mới với việc phóng nhiều vệ tinh, thực hiện hàng loạt các vụ thử hạt nhân và tên lửa với tính chính xác cao.

Điều này đã đưa quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ đến tình trạng vô cùng căng thẳng – tiến gần đến miệng hố chiến tranh và những động thái của Mỹ đáp trả sự khiêu khích của Bình Nhưỡng dưới thời Donald Trump càng trở nên quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, khi những cuộc thử tên lửa vẫn tiếp diễn thì thế giới dường như có thể dễ dàng lãng quên những câu chuyện trên tại Wonsan, nơi người dân có thể dành cả buổi chiều yên tĩnh câu cá. Ripley hỏi Kim Un Taek, một người đã về hưu về cuộc sống ở đây và người này nói cuộc sống rất tuyệt với bầu không khí trong lành.

Kim Un Taek chia sẻ với phóng viên CNN

Khi được hỏi anh có biết thành phố của anh nổi tiếng bởi những vụ thử hạt nhân và anh đã từng nghe về chúng bao giờ chưa, Kim Un Taek nói: “Tôi biết chứ. Thật tuyệt. Chúng tôi nhìn thấy chúng phóng lên không trung”.

Đó là niềm tự hào”, Kim Un Taek trả lời khi được hỏi về cảm nghĩ các vụ phóng tên lửa, “Đó chỉ là một hành động tự vệ của chúng tôi. Tại sao Mỹ lại áp đặt các lệnh trừng phạt lên nước tôi?", Kim Un Taek, cũng giống nhiều người Triều Tiên khác cho biết không hiểu tại sao Mỹ lại bị đe dọa bởi những chương trình tên lửa.

Ngoài tên lửa, một trong những thành tựu đáng tự hào khác của Wonsan là nhà máy thủy điện mới, được xây dựng chủ yếu bởi cư dân thành phố này. Dự án này giúp Wonsan thành một trong số ít khu vực trong cả nước không bị mất điện thường xuyên.

"Trên đường trở về Bình Nhưỡng, chúng tôi có dừng lại ăn tối tại một quán ven đường. Chỉ vài phút sau khi bắt đầu ăn, đèn vụt tắt. Không ai có vẻ khó chịu và chúng tôi ăn dưới ngọn đèn nhỏ", Ripley chia sẻ.

Di tích kỳ lạ nhất Chiến tranh lạnh

Hành trình khám phá cuộc sống Triều Tiên ở mức độ chưa từng thấy của nhóm phóng viên CNN - Ảnh 8.

Khu vực phi quân sự liên Triều. Ảnh: CNN

Ripley cho biết, trong thời gian khám phá Triều Tiên, nhóm anh đã ở trong cửa hàng quà tặng có thể được gọi là căng thẳng nhất thế giới. Những tấm thiệp được bày bán ở đây in những khẩu hiệu như: “Chúng ta sẽ đánh bại Mỹ trong cuộc chiến hạt nhân” hay “Đáp lại sự cứng rắn của Mỹ, chúng ta sẽ cứng rắn hơn”.

Và theo Ripley, du khách thậm chí không cần biết tiếng Triều Tiên cũng vẫn có thể hiểu nội dung tấm thiệp. Những bức hình trên đó như một cú đấm khiến Mỹ gục ngã hay một người Mỹ bị tiêu diệt bởi tên lửa của chính mình.

Hình ảnh tuyên truyền tại Triều Tiên

Ripley cho biết, nhóm anh đã tới Khu vực phi quân sự liên triều DMZ dài 160 dặm phân cách Triều Tiên - Hàn Quốc. Theo Ripley, đây thực tế không phải là "khu vực phi quân sự" bởi cả hai nước đều tập trung tại đây một lượng binh sĩ được trang bị vũ khí hạng nặng.

"Đây là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới, như nhắc nhở rằng hai quốc gia này rằng họ vẫn còn trong tình trạng chiến tranh", Ripley nói.

Hwang Myong Jin chia sẻ với phóng viên CNN

Nhóm của Ripley chạy xe qua những vùng đồng quê yên bình – đất bị thủng lỗ chỗ vì mìn – và đến Panmunjom, một trong những di tích kì lạ nhất của Chiến tranh Lạnh.

Ripley hỏi người hướng dẫn đi cùng, quân nhân Hwang Myong Jin, liệu có phải căng thẳng tại vùng DMZ có tăng lên gần đây không. Anh trả lời đúng vậy và đổ lỗi cho “chính sách thù địch” của Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng.

Hwang chia sẻ, anh thích bóng rổ và yêu thích một bài hát được coi là “bài ca cách mạng vĩnh cửu” của Triều Tiên – bài hát ca ngợi Kim Jong Un.

Tim, Justin và Ripley quay trở về Bình Nhưỡng sau đó. Sáng hôm sau như mọi buổi sáng khác ở Bình Nhưỡng, loa phát thanh vang lên lúc 5 giờ sáng. Ba phóng viên Mỹ đến Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng đón một khách VIP – có thể là người Mỹ duy nhất có mối quan hệ cá nhân với cả Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Đó là huyền thoại bóng rồ giải NBA Dennis Rodman.

Loa phát thanh Triều Tiên hoạt động từ 5 giời sáng

Mối quan hệ kì lạ của Rodman với Triều Tiên đã tồn tại nhiều năm. Anh từng chơi một trận bóng rổ để làm quà tặng sinh nhật ông Kim Jong Un và coi nhà lãnh đạo Triều Tiên là “người bạn suốt đời”.

Theo Ripley, nhà lãnh đạo Kim Jong-un không gặp Rodman trong chuyến sang Triều Tiên lần này – chuyến đi được tài trợ bởi một công ty tư nhân và Rodman sang tham dự một giải bóng nghiệp dư.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại