Hành trình gay cấn rời khỏi Afghanistan tới Đức của các nhà báo DW

Mai Trang |

Sau cuộc hành trình gian khổ để thoát khỏi sự kiểm soát của Taliban, nhóm nhà báo của Deutsche Welle (DW) – một tập đoàn truyền thông Đức, cùng gia đình của họ đã tới Đức an toàn từ Pakistan.

Tập đoàn truyền thông Đức Deutsche Welle (DW). Ảnh: DW

Tập đoàn truyền thông Đức Deutsche Welle (DW). Ảnh: DW

Chuyến đi đến Pakistan

Đó là một đêm lạnh lẽo tại sân bay Leipzig. Một nhóm nhà báo của DW tại Afghanistan cùng gia đình đã bước xuống máy bay sau một chuyến bay dài và đặt chân tới Đức. Đây là một hành trình dài để đến được Đức kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan.

Trên chuyến bay có hàng chục em nhỏ đang tò mò nhìn quanh đất nước sẽ là nơi ở mới của mình. Các em không hiểu vì sao cuộc sống của mình lại bị đảo lộn. Trong những tuần gần đây, nhiều người trưởng thành cũng đang không hiểu chuyện gì xảy ra.

Một trong những hành khách trên chuyến bay tới Đức là Ahmed, nhà báo DW người Afghanistan đã làm việc tại Đức trong vài năm. Anh tình cờ đến thành phố Mazar-e-Sharif để dự một đám cưới khi Taliban bắt đầu chiến dịch kiểm soát Afghanistan vào đầu mùa hè.

“Không ai ngờ Taliban lại chiếm quyền kiểm soát Afghanistan nhanh đến vậy”, Ahmed nói. Anh cùng vợ và ba người con đã tìm cách đến thủ đô Kabul. Khi biết rằng Taliban sẽ nắm quyền kiểm soát đất nước, DW đã yêu cầu tất cả các nhà báo ở Afghanistan đến thủ đô Kabul.

Khi Taliban đã chiếm được phần lớn đất nước và sân bay chật cứng những người cố gắng rời khỏi Afghanistan, Ahmed phải trú ẩn trong tầng hầm của một cửa hàng in. Anh và gia đình đã nhiều lần cố gắng để có thể đến được sân bay. Thời điểm Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi Afghanistan khi Taliban tiến sâu hơn vào thủ đô Kabul, Ahmed biết rằng lực lượng này sẽ nhanh chóng kiểm soát được thủ đô.

Vài giờ sau, các tay súng Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul. Cơ hội rời khỏi Afghanistan trở nên mong manh hơn và DW đã tìm cách đưa các nhà báo đi qua biên giới đất liền đến Pakistan một cách an toàn. Ahmed cùng với gia đình và một nhà báo khác đã tìm cách đến được biên giới Pakistan nhờ sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao Đức. Nhưng khi đến gần biên giới, Ahmed đã bị Taliban bắt giữ.

“Tôi đã nghĩ rằng đó là những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình”, Ahmed kể lại.

Tuy nhiên, sau cuộc đàm phán từ các đồng nghiệp ở Đức, Ahmed đã được cho đi. Anh đã vượt qua biên giới và đến Islamabad, thủ đô của Pakistan.

Sau khi nhóm nhà báo DW đến Pakistan, việc cấp thị thực sẽ mất vài tuần trước khi có một chuyến bay đưa họ tới Đức. Bộ Ngoại giao Đức, đại sứ quán và đại sứ Đức tại Pakistan đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nhóm nhà báo DW đến Đức một cách hợp pháp và an toàn.

Mohammad, một nhà báo người Hazara ở Afghanistan đã làm việc cho DW 3 năm cũng có mặt trên chuyến bay rời Islamabad cùng với vợ và ba cô con gái nhỏ. Người Hazara là một nhóm dân tộc ở miền Trung Afghanistan.

Mohammad kể rằng, tại tỉnh Daykundi, Taliban đã chiếm đoạt trang trại và đất đai của người dân khiến họ mất nhà cửa và tài sản.

“Taliban chỉ đơn giản nói rằng những thứ đó thuộc về họ”, Mohammad nói.

Các nhà báo thuộc một số dân tộc thiểu số như người Hazaras, người Tajik và người Uzbek, cũng như các nhà báo nữ, có nguy cơ cao trở thành mục tiêu của Taliban ở Afghanistan.

4 nhà báo của DW, bao gồm cả Ahmed, cũng bị lực lượng Taliban tìm đến nhà sau khi họ rời đi. Đầu tháng 9, nhà báo Afghanistan Ahmad Wahid Payman cho biết, báo chí tự do về cơ bản đã bị cấm kể từ khi Taliban nắm quyền.

Cuộc sống mới ở Đức

Đối với các nhà báo, tới được Đức là điều rất cảm động. “Trong vài tháng qua, chúng tôi đã khóc đủ rồi. Chúng tôi không còn nước mắt nữa”, một nhà báo của DW đã tới Đức cùng cha và anh chị em, nói.

Tất cả các nhà báo Afghanistan sẽ làm việc tại một tòa soạn của DW ở thành phố Bonn, Đức. Chỗ ở của họ đã được chính quyền địa phương ở các thành phố Bonn và Cologne bố trí.

Công việc của các nhà báo DW tại Đức sẽ cho phép DW có thêm thông tin về tình hình hiện tại ở Afghanistan, nhờ vào các mối liên hệ mà họ có trong nước.

“Thật an tâm khi các đồng nghiệp của chúng tôi và gia đình họ cuối cùng đã đến Đức an toàn và có thể bắt đầu làm việc ngay từ bây giờ tại trụ sở chính ở Bonn”, Tổng biên tập DW Manuela Kasper-Claridge cho biết.

“Chúng tôi vừa bắt đầu một chương trình mới trên đài phát thanh sóng ngắn bên cạnh việc đưa tin trên TV, trực tuyến và mạng xã hội về Afghanistan để tiếp cận nhiều người nhất có thể. Tình hình của các nhà báo ở Afghanistan hiện nay đặc biệt khó khăn. Nhưng có những diễn biến quan trọng cần đưa tin”, bà Manuela Kasper-Claridge nói.

Các nhân viên của DW ở Đức và khắp nơi trên thế giới đã thể hiện tinh thần đoàn kết với các nhà báo Afghanistan, bao gồm việc phát động một chương trình quyên góp và một kế hoạch bảo trợ. Một lực lượng đặc nhiệm cũng đã được thành lập để đối phó với tình hình ở Afghanistan.

Tổng giám đốc DW Peter Limbourg gửi lời cảm ơn chính phủ Đức đã hỗ trợ sơ tán các nhà báo và nói rằng cần phải có nhiều hành động hơn nữa.

“Tình hình an ninh ở Afghanistan đang xấu đi nên việc sơ tán các nhân viên DW và người thân của họ khỏi đất nước là điều cấp thiết”, ông Limbourg nói.

Hiện vẫn còn hai nhà báo DW cùng với gia đình ở Afghanistan. Cơ hội để sơ tán ngày càng trở nên khó khăn hơn khi Taliban tiếp tục khẳng định quyền lực. Theo DW, mối đe dọa đối với các nhà báo và gia đình họ ở Afghanistan là đáng kể và luôn gia tăng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại