Theo đài RT, trước tiên, máy bay chở đội cận vệ của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trên đường đến Ukraine bị từ chối cho bay tại sân bay thủ đô Warsaw.
Cơ quan An ninh biên giới Ba Lan ngày 15-6 đã không cấp phép cho đội ngũ tháp tùng - gồm cận vệ của tổng thống Nam Phi, các nhà ngoại giao, nhà báo - xuống máy bay ở sân bay Chopin, thủ đô Warsaw. Đội ngũ này gồm hơn 100 nhân viên an ninh và khoảng 20 phóng viên, đã khởi hành từ Pretoria hôm 14-6.
Govan Whittles, một nhà báo Nam Phi bị mắc kẹt trên máy bay, cho biết chính quyền Ba Lan đã yêu cầu các nhân viên an ninh của tổng thống Nam Phi giao nộp vũ khí, cho rằng họ không có giấy phép phù hợp để mang vũ khí vào nước này.
RT đưa tin một thành viên của đội tháp tùng thậm chí bị cảnh sát Ba Lan lục soát quần áo, mặc dù có hộ chiếu ngoại giao. Điều đó chưa từng xảy ra trước đây. Một phóng viên mô tả đây là "sự chào đón thù địch" hoàn toàn bất ngờ.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và phái đoàn di chuyển bằng tàu đến Ukraine sau khi đáp máy bay ở Ba Lan vào ngày 15-6. Ảnh: AP
Về phía Ba Lan, giới chức nước này khẳng định không ngăn cản phái đoàn của Tổng thống Ramaphosa xuống máy bay, mà họ đã tự nguyện chọn ở lại trên máy bay.
Theo lịch trình, Tổng thống Nam Phi đến Ba Lan để sang Ukraine và Nga trong sứ mệnh hòa bình của châu Phi. Văn phòng Tổng thống Nam Phi cho biết ông Ramaphosa rời thủ đô Kiev - Ukraine ngày 16-6 để đến St. Petersburg - Nga. Phái đoàn châu Phi gặp Tổng thống Vladimir Putin trong ngày 17-6.
Chuyện không dừng ở đó, kế đến, Hungary từ chối cho máy bay chở tổng thống Nam Phi vào không phận nước này.
Nhà báo Nam Phi Queenin Masuabi đã xác nhận tình hình trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter: "Chính phủ của chúng tôi đã không thể đảm bảo quyền tiếp cận không phận Hungary". Theo bà , "các thành viên thuộc đơn vị bảo vệ tổng thống cùng với các nhà báo sẽ không đến Nga".
Tuy nhiên, một trong những nhà báo nói với đài RT ngày 17-6 rằng quyết định của Budapest không ảnh hưởng đến chuyến thăm St. Petersburg - Nga của Tổng thống Ramaphosa. Người đứng đầu Nam Phi đã có mặt ở Nga với đội ngũ ít người hơn ban đầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại St. Petersburg ngày 17-6. Ảnh: AP
Kênh truyền hình tin tức Al-Jazeera cho biết sau khi đến Nga, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng xung đột ở Ukraine phải chấm dứt.
Ông Ramaphosa nhấn mạnh: "Xung đột này phải có hồi kết. Xung đột phải được giải quyết thông qua đàm phán và thông qua các biện pháp ngoại giao. Cuộc xung đột này đang có tác động tiêu cực đến lục địa châu Phi cũng như không ít quốc gia khác trên thế giới".
Ông Ramaphosa đề cập với ông Putin về lộ trình hòa bình 10 điểm của châu Phi cho xung đột Nga-Ukraine, sau khi phái đoàn các nhà lãnh đạo châu Phi đến Kiev gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Phái đoàn châu Phi gồm đại diện các nước Comoros, Senegal, Nam Phi, Zambia, Ai Cập, Cộng hòa Congo và Uganda đã phác thảo khá rộng các bước cần thiết để chấm dứt tình trạng căng thẳng giữa Moscow và Kiev.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết sau cuộc họp kéo dài 3 giờ, rằng kế hoạch hòa bình của phái đoàn châu Phi khó thực hiện, song Tổng thống Putin đánh giá cao. Ông Putin nói rõ Moscow sẵn sàng đối thoại với tất cả những ai "tìm kiếm hòa bình dựa trên các nguyên tắc công lý và tôn trọng lợi ích hợp pháp của các bên".
Theo nhận định của hãng tin AP, cuộc hội đàm về giải quyết cuộc xung đột Ukraine giữa 7 nhà lãnh đạo châu Phi và Tổng thống Putin không có tiến triển rõ ràng nào. Cuộc gặp trước đó giữa phái đoàn châu Phi và tổng thống Ukraine cũng không đạt được kết quả gì.