"Máy ảnh của tôi đã ghi lại những nơi... toàn rác. Những dòng sông, những con người oằn mình trong rác. Câu chuyện tôi kể sẽ không hấp dẫn, không thú vị, nhưng tôi tin là nó có ích. Tôi chỉ là một cá nhân với khả năng giới hạn, nhưng một hành động nhỏ, thiết thực sẽ lan ra nhiều hành động lớn lao hơn".
Mẹ tôi mắc ung thư giai đoạn cuối và có dấu hiệu di căn. Tôi bỏ sở thích, bỏ máy ảnh, dành thời gian tìm hiểu về ung thư. Có nhiều nguyên nhân tạo cơ hội phát triển cho những mầm bệnh ung thư, một trong số đó là môi trường sống, thói quen sinh hoạt. Rất nhiều tài liệu đã chỉ ra nhựa, rác thải nhựa, đặc biệt đồ nhựa dùng một lần có nguy cơ gây ung thư cao. Phải làm gì đó để cảnh báo về mối nguy hại này?
Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng)
Năm 2017, tôi đến Bhutan - đất nước duy nhất trên thế giới có chất lượng không khí vào loại "siêu sạch" với chỉ số carbon âm. "Hãy mơ cùng nhau một giấc mơ!" là câu nói của Thủ tướng Bhutan trong một bài phát biểu tuyệt hay liên quan đến chiến lược quốc gia về môi trường của họ. Sau chuyến đi, tôi càng quyết tâm về việc sẽ phải làm điều gì đó góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm ở nước mình.
Tôi mở bản đồ Việt Nam ra, dải đất hình chữ S hiện lên cong cong thật đẹp với 3.260km đường bờ biển. Tại sao không thực hiện một chuyến 'phototour' ở chính đất nước mình, đi dọc bờ biển, nhưng không phải để chụp cảnh đẹp, mà là rác - rác thải nhựa?
Ý tưởng đó loé lên trong đầu và không lâu sau, tôi lên kế hoạch cho chuyến đi để đời này. Nhiều người nghe qua cho rằng tôi thật "gàn dở", hoặc "rảnh rỗi". Nhưng bạn biết không, khi bản thân thực sự nghiêm túc, thì dù công việc đó có khó khăn đến mấy, cũng không thể ngăn bạn.
Đầu tháng 8/2018, tôi bắt đầu hành trình xuyên Việt. Rời Hà Nội, tôi thẳng hướng Nam xuôi theo sông Đáy, về khu vực Hà Nam, Ninh Bình. Hai bên đường, tôi trông thấy những bãi đất đầy lốp xe hỏng trông như những "nghĩa trang". Tại sao người dân không vứt những lốp xe cũ đi? Liệu chúng có giá trị tái sử dụng hay không? Không hiểu họ sẽ làm gì để xử lý nhựa của những lốp xe này?
Sông Đáy là điểm đầu tiên tôi đến. Những bãi rác xuất hiện dần đều hai bên bờ sông, nằm giữa những cánh đồng và thôn làng. Người dân sẽ đốt rác, thay vì chôn lấp chúng. Tôi ghi lại những bức ảnh đầu tiên, ngắm chụp liên tục. Hôm đó, những cột khói rác lan khắp không gian. Mùi rác xộc lên, kể cả khi tôi đang bưng chén cơm trong một quán ăn bình dân cách đó rất xa. Những đống rác trong suy nghĩ của tôi, vẫn cứ ngút ngát trong cơn âm ỉ cháy.
Tôi nghỉ một đêm ở Ninh Bình và sáng hôm sau khởi hành đi Thanh Hoá sớm. Càng tiến dần vào vùng biển, không khí càng trong lành, gió biển mặn mòi, tuy nóng nhưng dễ chịu. Tôi tìm đến xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, có tên gọi ngày xưa là làng Diêm Phố, theo sự chỉ dẫn của ông chủ nhà nghỉ. "Nếu muốn chụp rác, ô nhiễm môi trường thì phải qua Diêm Phố. Ở đó, đất chôn người còn không có nữa là...".
Con đường liên thôn Ngư Lộc chật hẹp, không có cống rãnh thoát nước, nhiều đoạn đường quanh năm nhầy nhụa nước bẩn, hôi tanh mùi xác động vật, xác thuỷ sản. Bãi rác nằm sang phần bờ đê, nhan nhản rừng vẹt toàn túi nilon mắc trên cành cây. Nếu nói số lượng túi nilon ở đây ngang bằng số lượng cát cũng không ngoa. Lượng rác thải bị đẩy xuống biển mỗi ngày, có lẽ phải được tính bằng đơn vị tấn, dù Ngư Lộc chỉ là một xã nhỏ. Tôi cố gắng kể lại câu chuyện của Diêm Phố qua những bức ảnh chân thật nhất, mà khi nhìn lại, bản thân tôi vẫn chưa hết sốc.
Tôi tiếp tục rong ruổi trên con "chiến mã", hướng về miền Trung đất nước. Tôi đến Nghệ An sau nhiều ngày phải vượt qua những cung đường xấu. Trời tối, trong khi đang băn khoăn chưa biết nên đi lối nào thì xa xa một chiếc xe tải tiến tới. Tôi nhận ra, đó là một chiếc xe rác. Tài xế ghé đến sát mép đường bờ biển, hẳn là định đổ rác xuống biển. Tôi vội gạt chân chống, khoá xe, xách máy chạy tới. Tôi lắp ống kính chụp từ xa, đưa máy lên ngắm thẳng hướng chiếc xe, định bấm chụp thì phát hiện tài xế chỉ đỗ xe, chưa "dám" đổ rác.
Cuộc thi gan bắt đầu. 10 phút, 15 phút rồi 20 phút, tài xế vẫn không đổ rác, chiếc xe vẫn đứng yên, tôi vẫn ôm máy đứng đợi. Hết kiên nhẫn, tài xế rút điện thoại gọi và 10 phút sau, có 3 chiếc xe máy với 6 thanh niên lực lưỡng đi tới gần xe tải. Đường đê vắng vẻ, nhận ra mình đang rơi vào thế đơn phương độc mã. Tôi biết nếu tiếp tục, có thể sẽ gặp phải nguy hiểm. Tôi lên xe phóng đi.
Một lúc sau, tôi quay lại thì chiếc xe đã đi mất, chỉ còn một bãi rác lớn nằm sát biển. Và ngày mai, khi thuỷ triều lên, sẽ cuốn phăng tất cả ra biển.
Tôi đến bãi biển Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ở đây, tôi đã có một cuộc gặp gỡ thật đặc biệt.
Tôi gặp mệ (mẹ) Hiên khi dáng hình nhỏ bé của mệ lọt vào khung hình. Mệ nói nhanh và dùng nhiều từ địa phương. Hằng ngày, mệ vẫn đi nhặt ve chai, lúc thì ra cảng xin cá. Nhà mệ do Nhà nước xây, mỗi tháng mệ nhận 540.000 đồng tiền lương hưu, chỉ đủ đong gạo. Mệ hay cười, nhưng đằng sau nụ cười hiền lành ấy là cả một câu chuyện buồn.
Hồi nhỏ, mệ tập kết ra Bắc, không may bị trúng bom nên mất một chân. Thời gian và cuộc đời đưa đẩy, giờ đây mệ là người dọn rác cho cửa biển này. Mệ chỉ có mong ước duy nhất là được một lần trong đời ra thăm Lăng Bác, nhưng mệ lo nếu đi thì đàn gà ở nhà ai trông, rác ở biển ai sẽ nhặt.
Mệ không phải anh thương binh "vẫn đến trường làng" mà nhạc sĩ Trần Tiến viết trong bài "Vết chân tròn trên cát", nhưng sao hình ảnh của mệ vẫn cứ hoài in đậm trong tôi. Đôi chân mệ, vết chân tròn đó, "vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi"..
Nhưng biển rộng thế, dáng mệ lại nhỏ bé, biết bao giờ mới sạch rác được đây?
Bạn có bao giờ hình dung rằng mỗi người chúng ta có trọng lượng bao nhiêu kilogram, thì trong vòng một tháng sẽ thải chừng đó kilogram rác ra môi trường? Hiện nay có tới 3,5 triệu tấn rác được thải ra thế giới mỗi ngày. Con số này cao gấp 10 lần so với 100 năm trước và dự kiến sẽ tăng lên 11 triệu tấn vào cuối thế kỷ 21. Chúng ta sẽ xử lý chúng ra sao?
Tôi muốn kể về một cơ duyên đặc biệt tại Quảng Bình, khi tôi được đến thăm nhà máy xử lý rác hiện đại bậc nhất ở Việt Nam, tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch. Từ rác thải, những con người tuyệt vời nơi đây sản xuất ra biogas và phân bón khoáng hữu cơ, thậm chí cả điện sinh hoạt, hoà vào lưới điện Quốc gia. Nước từ các bể phốt cũng được xử lý từ nhà máy này. Rác là tài nguyên, tất cả rác đều có thể xử lý được.
"Anh có tin được không..." - chị T. - Giám đốc nhà máy nói. "Chúng tôi có một vườn cây hoa trái sum suê nhờ bón phân bón khoáng hữu cơ do tái chế rác thải". Chị dẫn tôi ra sau khu nhà máy để minh chứng cho câu nói đó. Bao ngày, ống kính chỉ ghi lại rác thải, túi nilon, cuộc sống ngập chìm trong ô nhiễm, thì vườn cây này đến với tôi như một cơn mưa mùa hạ tưới tắm cho những ngày oi nồng.
Cũng tại nhà máy, tôi được nghe kể câu chuyện về một sinh linh bé bỏng bị vứt vào thùng rác, không ai biết bé bị vứt ở đâu, cho tới khi bộ phận nhận dạng ADN của nhà máy phát hiện ra thi thể, mọi người mới ngỡ ngàng biết đến một thiên thần đã có mặt ngắn ngủi trong cuộc đời này.
Một nấm mồ nhỏ được dựng ngay bên cạnh nhà máy rác. Những người công nhân làm việc tại đây vẫn thường xuyên thắp hương hoa cho bé. Có lẽ con đã là một người tốt, đã đến bên đời và đã rất ngoan.
Chúng tôi tự hỏi, liệu còn biết bao thai nhi bị bỏ rơi trong những thùng rác chưa được phát hiện ra trước khi bị đưa vào máy xử lý rác. Liệu những nhà máy chưa thể nhận dạng ADN, đã từng bỏ qua biết bao trường hợp tương tự. Đó là một câu chuyện buồn, nhưng mong là sẽ cảnh tỉnh được tất cả chúng ta!
Tôi đến Hội An, nơi mà những công nhân vệ sinh môi trường vẫn than thở mỗi khi có gió, rác sẽ lênh láng các mặt sông. Hội An thu hút một lượng lớn khách du lịch, xả ra 100 tấn rác/ngày, trong khi nhà máy rác ở xã Cẩm Hà chỉ xử lý tối đa 30 tấn/ngày. 70 tấn ứ đọng còn lại sẽ đi về đâu?
Ở đây, tôi đã trông thấy một khu "phố cổ nilon", chạy dọc theo con sông và sát cửa đổ ra biển. Túi nilon vương vãi khắp nơi, đủ màu sắc. Người dân cho đó là một nét "cổ kính". Tôi lăn tăn về sự "cổ kính" đó của một khu du lịch tầm cỡ, của một di sản mang nhiều trầm tích văn hoá lịch sử.
Hôm đấy là thứ 3, trời âm u. Tôi phóng vội xe trên đường, kịp đến cảng Sa Kỳ nơi trung chuyển ra đảo Lý Sơn. Nhớ lại, vào năm 2010, tôi đến Lý Sơn để chụp bộ ảnh biển đảo theo đặt hàng của tạp chí Heritage. Khung cảnh thật nên thơ với "biển xanh, cát trắng, nắng vàng"...
Tôi loanh quanh trên đảo, muốn vứt gói giấy bánh mì nhưng tìm mãi không thấy thùng rác. "Lấy đâu ra thùng rác, cái duy nhất chỉ có trong cảng Sa Kỳ. Cửa biển chính là bãi đổ rác" - câu trả lời của người dân khiến tôi bất ngờ. Khắp đảo, các biển hiệu vì môi trường xuất hiện rất nhiều, nhưng lại không tìm thấy thùng rác.
Những con hải âu đã cho chim non ăn rác thải, bởi chúng nghĩ đó chỉ là vật ban tặng bổ dưỡng đến từ biển cả. Những chú rùa cũng mắc lỗi tương tự, tưởng túi nilon đang nổi bồng bềnh kia là sứa. Hậu quả, ruột chúng bị lấp kín bởi rác thải của con người. Những chú rùa đen đủi còn bị cắm ống hút nhựa vào lỗ mũi mà không sao rút ra được. Nhiều loài sống ở biển chết vì tắc nghẽn tiêu hoá hoặc thiếu dinh dưỡng.
Chúng ta biếu tặng ông bà, bố mẹ, người thân, chăm chút con cái bằng các đặc sản biển nhưng cũng đâu biết rằng trong đó là bao chất độc hại đến từ rác thải do chính con người xả ra? Chúng ta tạo ra nhựa, rồi vứt bỏ một cách lãng phí, vứt vô tội vạ vào đại dương, nơi nuôi sống chính chúng ta. Liệu chúng ta có được tha thứ?
Tôi qua xứ Huế mộng mơ, qua Đà Nẵng đáng sống, qua cả phố cổ bình yên, rồi tới con sông trữ tình của nhà thơ Tế Hanh. Đến đâu, tôi cũng thấy chạnh lòng. Thi sĩ thi vị hoá cho cuộc đời đẹp hơn thì lại có những người làm cho cuộc đời trở nên xấu xí.
Tôi nhớ lại câu chuyện về cách "cảnh cáo" vừa dứt khoát vừa đầy bất lực của một người dân trong vịnh Vũng Rô (giữa Phú Yên và Khánh Hoà). Cô Mai đã phải viết lên tường ở cửa sổ nhà mình với thái độ bức xúc: "Vứt rác bừa bãi, không phải con người mà là loài bọ hung dễ dũi".
Người dân địa phương trên vịnh phải đóng mỗi tháng 30 ngàn đồng để xe rác qua chở lên đầu dốc. Nhưng vì không có nơi tập kết nên xe thu gom chỉ dừng lại khoảng 3 phút rồi đi, nhiều người ở xa, chậm một chút là không gặp được xe. Và thế là, có người vứt luôn tại ngõ trước cửa nhà cô Mai.
Chú nhà mới mất vài tháng, cô bảo rằng không chỉ người sống mà hương hồn người đã khuất cũng phải ngửi rác.
Con đường từ ngoài vào Đầm Môn đi qua Mũi Đông - Cực Đông của Tổ quốc đẹp vô cùng, một con đường rộng thênh thang. Một mình trên xe máy, tôi cảm giác như đang phi giữa sa mạc cát, hai bên đều là biển.
Khi vào làng Văn hoá Đầm Môn, tôi biết người dân ở đây chỉ có 2 cách để vứt rác, hoặc là vứt xuống biển, hoặc là vứt tại bãi rác ở ngã ba đường. Một ví dụ sinh động cho việc sống chung với rác mà tôi được chứng kiến. Trẻ con ở đây hồn nhiên chơi đùa bên... rác.
Nắng tắt, nhiệt độ giảm, không khí bớt ngột ngạt. Đêm buông và một ngày lại kết thúc. Ngày mai, những đống rác lại cao lên, sóng biển đánh mạnh vào bờ cuốn rác đi xa cuộc đời con người. Một vòng tròn của dân số phát triển, quy hoạch xây dựng, nhiều người giàu hơn nhưng an sinh xã hội thấp đi. Tiền nhiều để làm gì? Liệu tiền nhiều có giúp chúng ta mua được cuộc sống hạnh phúc, an lành? Tôi không dám chắc.
Trong giây lát, tôi cảm thấy giấc mơ dọn rác bằng hình ảnh của mình cũng đang bị sóng cuốn ra xa.
Tôi đã đi được 3/4 hành trình, chỉ còn các vùng biển phía Nam từ Nha Trang đổ vào mũi Cà Mau. Sau 3 tuần, tôi đặt chân tới ven biển xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (cách Phan Thiết khoảng 80km).
Một bãi biển dài cả km toàn rác và rác, chủ yếu là túi nilon, nhựa, quần áo, rác thải sinh hoạt... Một bãi biển mà nhìn thấy cát quả thật hiếm hoi, dòng kênh đổ ra đây cũng khó mà nhìn thấy mặt nước vì bị rác che kín. Thậm chí mọi người hồn nhiên ra đây đi vệ sinh nặng, nhẹ đủ cả. Có lẽ khó ở nơi nào trên thế giới có cảnh tượng này, một nơi không có trong sự thật!
Tôi đi trên một phần của bãi biển, mặt rác dày, có những nơi lên đến vài chục phân. Tôi ngồi lên rác, cảm giác bất lực xâm chiếm. Môi trường đang gào thét thảm thiết khi ý thức của con người còn hạn chế.
Đến khi dừng chân ở Trà Vinh, tôi đã đi gần 5.000km, qua không biết bao thôn ấp, đảo, bãi biển. Thật bất ngờ khi lần đầu tiên trong chuyến hành trình, tôi bắt gặp một hòn đảo mà việc thu gom rác được đưa vào tiêu chí đánh giá "nông thôn mới". Người dân đầu tư thùng rác đặt ở ven đường khu trung tâm, 2 - 3 ngày có người đi phà sang thu gom rác. Cả ngày hôm đó, tôi đi khắp Trà Vinh, đây là nơi mà các khẩu hiệu thực sự không bất động, những suy nghĩ đã biến thành hành động cụ thể và kết quả rõ ràng: Trà Vinh đẹp hơn, sạch hơn.
Đến cảng cá ở cửa sông Ninh Cơ (Nam Định) đổ ra biển, tôi gặp bà Nguyễn Thị Vân mang các túi nilon ra giặt. Bà bảo nhà nghèo nên phải tận dụng mọi thứ, trong đó có túi nilon. Gia đình bà có 3 con, 2 cô con gái lấy chồng xa, bà ở với cậu con trai út. Hàng ngày bà đi nhặt ve chai bán mưu sinh, thỉnh thoảng tàu thuyền về cảng, bà lại ra xin cá về ăn, hoặc bán kiếm thêm chút thu nhập.
Bà giặt túi nilon còn lành lặn để sử dụng lại, không phải mua, dùng để đựng cá. Đi theo cả buổi sáng, tôi thấy bà Vân xin được mấy con cá, có những con hơn 1 kg. Đó là lúc những niềm vui hiện lên trong ánh mắt của người phụ nữ. Bà bảo cá hơn 1 kg này có thể bán được 25.000 đồng.
Tôi ghé tới một lò đốt rác ở Thái Bình - mô hình phổ biến gần đây ở các xã ven biển miền Bắc. Những người công nhân than thở rằng luôn phải sống trong môi trường độc hại và bẩn thỉu. Họ kiếm thêm bằng cách tự phân loại rác để bán... đồng nát. Họ còn nói tất cả mọi thứ không sử dụng được, con người đều vứt vào thùng rác và biến nó thành rác, thậm chí cả thuốc trừ sâu lẫn xác động vật.
Trong những bức ảnh tôi chụp hôm đó, có hình chị L. tay nhấc lên từ trong túi rác mới gom về một con ngan không hiểu sao lại chết.
Sau gần một tháng rưỡi di chuyển bằng xe máy trọn vẹn bờ biển, tôi bắt đầu đi bộ vài km trên cát đến điểm tận cùng địa đầu biển của Tổ quốc. Nơi chấm đầu tiên vẽ chữ S để khám phá xung quanh mũi Sa Vỹ. Ở đây có tấm biển hình lá cây dương và cột mốc một mặt có ghi Tràng Vỹ 0 km, mặt kia đề từ Trà Cổ đến Mũi Cà Mau 3.260 km. Cảm giác thật khó tả, hào sảng và sung sướng, rưng rưng và tự hào, quên đi cả mưa, lạnh giá. Tôi đã hét thật to, hét một mình vang vọng giữa mênh mông đất trời Tổ quốc.
Đất nước mình rộng lớn và xinh đẹp quá, còn tôi thật nhỏ bé. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn sẽ cố gắng để bảo vệ sự xinh đẹp đó. Khi bạn chợt nhận ra, số ngày bạn sống ở trên đời, không phải là thời gian trôi qua mỗi ngày. Đó chẳng qua là những ngày bạn tồn tại, số ngày mà bạn thực sự sống là những ngày bạn tin tưởng mình đang làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng. Bạn sẽ có động lực thật lớn lao.
Rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và đe doạ tương lai nhân loại. Việt Nam đứng thứ tư thế giới về xả rác thải nhựa ra đại dương. Là người đã đi hết các tỉnh thành ven biển, tôi nhận thấy những vấn đề cấp bách mà chúng ta cần hành động ngay lập tức để cứu biển.
Bộ ảnh hơn 3.000 tấm hình về rác thải nhựa mà tôi đã chụp, hy vọng sẽ có tác dụng to lớn để bảo vệ môi trường sống. Như người ta vẫn cho rằng, bức ảnh thay ngàn lời nói và còn bởi tuổi trẻ chính là tương lai, bởi giáo dục là gốc rễ bền vững giải quyết vấn đề.
Hãy mơ cùng nhau một giấc mơ!
---
Sau khi hoàn thành hành trình "săn rác" của mình, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đã tổ chức một buổi triển lãm đầu tiên về rác thải nhựa tại Việt Nam mang tên "Hãy cứu biển - Save our seas", nhân "Ngày Môi trường thế giới" (5/6/2019). Triển lãm do anh và "Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc" (UNDP) đồng tổ chức, có hơn 100 bức ảnh, cùng thông điệp gợi mở việc giảm rác thải nhựa ở Việt Nam.
Một tháng sau, anh nhận lời tham gia chương trình "Cất cánh" với chủ đề "Đừng để chết trong rác thải nhựa", trên cương vị là một diễn giả. Tại đây, anh chia sẻ những "câu chuyện chưa kể" đằng sau hàng ngàn bức ảnh trong hành trình "săn rác" gần 7000 km từ Bắc tới Nam.
Gần đây nhất, anh cho ra mắt cuốn sách "Du ký xanh" kể về những nơi anh từng đặt chân đến, mà ở đó thực trạng rác thải nhựa phơi bày trước ống kính của anh một cách trần trụi và thực tế nhất.
Trong tương lai, anh dự định sẽ mang triển lãm "Hãy cứu biển - Save our seas" tiến xa hơn nữa, có thể là những trường học, địa phương hoặc doanh nghiệp. Bởi như lời anh từng chia sẻ, quan trọng nhất để thay đổi quan điểm của người dân, chính là giáo dục và tuyên truyền.