Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời có thể là hố đen thu nhỏ

Kiều Anh |

Gần đây, một số nhà nghiên cứu cho rằng Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời có thể là hố đen nguyên thủy.

Khái niệm Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời nằm cách xa sao Hải Vương từng thu hút sự chú ý của công chúng năm 2016. Đầu năm nay, ý tưởng này một lần nữa “nóng” lại khi các nhà khoa học tìm thấy thêm các bằng chứng củng cố sự tồn tại của "Hành tinh thứ 9" này.

Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời có thể là hố đen thu nhỏ - Ảnh 1.

Hình ảnh đồ họa một hố đen đang hoạt động. (Ảnh: NASA)

Trước đó, các nhà nghiên cứu Caltech năm 2015 tiết lộ bằng chứng toán học về một hành tinh mà các nhà khoa học về không gian gọi là Hành tinh thứ 9 hay Hành tinh X. Họ cho biết vật thể lạ lùng này có thể nặng gấp 10 lần Trái Đất và cần 20.000 năm Trái Đất, để hoàn thành một vòng quay quanh Mặt Trời khi nó nằm trong khoảng cách 45 tỷ - 150 tỷ km từ hành tinh này.

Gần đây, một nhóm các nhà thiên văn học đã đưa ra giả thuyết thú vị hơn: Đó là vật thể lạ lùng mà chúng ta quan sát thấy có thể không phải là một hành tinh mà là một hố đen thu nhỏ.

Các nhà nghiên cứu đang cân nhắc đến điều mà họ gọi là "khả năng thú vị", rằng những chuyển động lạ lùng của các vật thể quay quanh Mặt Trời bên ngoài sao Hải Vương có thể được giải thích bằng sự hiện diện của một hố đen nguyên thủy.

Các hố đen nguyên thủy, về lý thuyết là các hố đen được hình thành vào thời kỳ sơ khai nhất của vũ trụ, không lâu sau khi vụ nổ Big Bang xảy ra.

 Khi vũ trụ sơ khai còn rất đặc, các hố đen không thể hình thành từ sự sụp xuống của các ngôi sao mà trên một quy mô nhỏ hơn nhiều. Một hố đen nặng gấp 5 lần Trái Đất có thể đặt vừa lòng bàn tay chúng ta trong khi 1 hố đen nặng gấp 10 lần Trái Đất có kích cỡ chỉ bằng một quả bóng bowling.

Điều ấy tức là những hố đen nguyên thủy như vậy nhỏ hơn nhiều những hố đen chúng ta quen nghiên cứu ngày nay, vì thế, có thể một hố đen như thế đang tồn tại trong Hệ Mặt trời mà chúng ta chưa chú ý tới.

Các nhà vật lý cho rằng Hành tinh X bí ẩn có thể không hoàn toàn là một hành tinh mà là hố đen có khối lượng bằng một hành tinh. 

Nếu phát hiện này được chứng minh là đúng, các nhà khoa học cho biết họ sẽ có thể tìm thêm được những bằng chứng bổ sung về hình thức lóe sáng của những tia gamma được tạo nên bởi sự tương tác giữa các phân tử vật chất tối trong ánh hào quang bao quanh 1 hố đen.

Các nhà khoa học này cũng đang hướng tới việc tìm thêm các bằng chứng để chứng minh cho lý thuyết của họ bằng cách nghiên cứu các dữ liệu từ Kính Thiên văn tia Gamma Fermi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại