Hành khách đi ô tô phải hét ngay lập tức khi thấy điều này, nếu không muốn chết

Nguyễn Đăng Ninh |

Không cái gì có thể bào chữa cho việc một người gây ra cái chết cho nhiều người khác, nhưng hãy đọc để hiểu và có giải pháp.

Bạn có thể nhịn ăn vài ngày chả vấn đề quái gì. Nhưng bạn không thể nhịn ngủ. Khi cơn buồn ngủ đến bạn không thể cưỡng lại được.

Thời chiến tranh, trong chiến dịch VT5, tôi đã từng chạy xe liên tục vài đêm không ngủ và tôi phát hiện ra rằng, tôi có thể nghe thấy tiếng ngáy của chính mình trong khi đang lái xe.

Đồng đội tôi nhiều anh phi cả xe xuống ruộng. Mặc cho bom rơi, mặc cho nước ngập ngang cabin, mặc cho ếch nhái nhảy cả lên đầu, các anh ấy vẫn ngủ say như chết.

Có những thời điểm mà người ta mạo hiểm chính mạng sống của mình để đổi lấy vài phút ngủ.

Trong chiến tranh thì đói ngủ là thường xuyên bởi xe chỉ có thể chạy về đêm. Khi tài xế đói ngủ, cơ thể họ mệt mỏi và chậm chạp. Hệ thống xử lý của não bộ dần dần tắt. Mắt họ sụp xuống, càng cố trợn thì càng cụp xuống. Họ mất dần khả năng điều khiển xe.

Họ có thể không nhắm mắt nhưng vẫn không nhìn thấy gì vì não bộ đã ngắt đường truyền. Họ có thể vẫn ôm vô lăng nhưng lúc này vô lăng lái họ chứ không phải ngược lại. Tóm lại, lúc này xe hoàn toàn không có người điều khiển.

Nhiều lái xe đường dài có những giấc ngủ tính bằng giây. Họ lịm đi một giây và lại choàng tỉnh khi xe chao đảo. Tần số những giấc ngủ bằng giây này tăng lên cho đến khi họ ngủ hẳn mà không biết.

Trong hầu hết các vụ tai nạn giao thông mà hai xe đối đầu nhau, nhất là tai nạn đó xảy ra vào ban đêm thì chắc chắn sẽ có ông tài ngủ gật.

Bản năng sống còn của bất cứ lái xe nào khi rơi vào tình thế đối đầu luôn là đạp phanh và lắc lái để tránh đâm trực diện. Đó là khi lái xe còn tỉnh táo. Nhưng khi ngủ gật thì xe tự do đâm thẳng.

Clip sau mô tả một người ngủ gật và nạn nhân của tài xế:

Tài xế buồn ngủ vẫn cố tình lái xe và hậu quả. (Nguồn: Otosaigon / Youtube)

Gần đây nhất là tai nạn kinh hoàng khi hai xe khách đối đầu ở Bình Thuận.

Cả hai tài xế đã chết và nguyên nhân thì đang được điều tra. Riêng trong kinh nghiệm của mình, tôi thấy rõ ràng mọi yếu tố đều chỉ ra rằng, tài xế đã ngủ gật.

Cơ quan điều tra nên tìm hiểu xem ngày hôm trước những tài xế này đã làm gì và tôi có thể đoán chắc rằng họ đã không được ngủ đầy đủ.

Việt Nam thì chả thấy thống kê gì nhưng ở Mỹ thì họ thống kê rõ rằng, hàng năm đã xảy ra 100.000 vụ tai nạn do lái xe buồn ngủ, giết chết 1500 người và làm bị thương 40.000 người.

Thông thường, những vụ tai nạn do lái xe buồn ngủ thường xảy ra từ nửa đêm đến sáng hoặc từ 13h đến 15h. Đây là chu kỳ đồng hồ sinh học tự nhiên của con người.

Đặc điểm chung của những người ngủ gật khi lái xe là họ phải lái một mình. Sự cô đơn làm cho người ta dễ ngủ gật và không có người cảnh báo.

Tiếng xe ầm ì đều đều, con đường rộng rãi bằng phẳng, tiếng ngáy râm ran xung quanh luôn là cực hình với những lái xe đói ngủ. Và khi đồng hồ sinh học điểm những giây cuối cùng trước khi tắt hẳn chiếc xe của họ sẽ như thế này.

Ô tô đối đầu trên cầu Vĩnh Tuy. (nguồn: UB ATGT Quốc gia)

Vụ ô tô đối đầu này xảy ra ở cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội, Việt Nam.

Giải pháp của các nhà xe là bằng mọi giá cho lái xe ngủ đủ và không cho người thiếu ngủ nắm sinh mạng hành khách. 

Giải pháp của lái xe là kiên quyết từ chối lái nếu thấy mình thiếu ngủ. 

Và giải pháp của hành khách là: nếu bạn thấy, chiếc xe khách của mình chao đảo trong đêm. Hãy hét thật to để báo động và kiên quyết bắt ông ta dừng xe. Hãy thuyết phục ông ấy ngủ dù chỉ 15 phút.

Ông ấy cũng chỉ cần 15 phút đó thôi để tránh phải thức dậy dưới cửu tuyền.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại