Hành động quyết liệt để “tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết”

THẾ DƯƠNG |

Không chủ quan nhưng ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trong thời gian tới đây phải hành động quyết liệt để “làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết” là yêu cầu mà Thủ tướng đặt ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 (ngày 5/5). Không thể và không được để tăng trưởng quá thấp, không còn là khẩu hiệu mà là yêu cầu trong các hành động tới đây để vực dậy nền kinh tế.

Có thể nói, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát khi Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh để tận dụng “thời gian vàng” chống dịch và chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế ngắn hạn.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 giảm 10,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,8%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa…

Bốn tháng đầu năm, cả nước có 37.600 DN đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% và giảm 17,9% vốn đăng ký, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 DN, tăng 33,6%...

Các gói hỗ trợ DN, người dân đã được triển khai, các biện pháp kích thích nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển đã và đang ghi nhận những hiệu quả bước đầu.

Song, vẫn còn đó là những thách thức đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa trong việc tăng hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn; tái đàn lợn còn chậm…

Và một lần nữa tại cuộc họp này, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến việc cần chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, xử lý nghiêm khắc cán bộ gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ…

Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ trong hành động thời gian tới trước đòi hỏi không để nền kinh tế bị gãy khúc sau thời gian dài chống dịch. Có lấy lại đà tăng trưởng mới giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất.

Cùng với phiên họp Chính phủ, ngày 5/5, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 cũng đã được công bố.

Ghi nhận chung cho thấy, sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết khó khăn vướng mắc của DN có nhiều tiến bộ, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, tính minh bạch được cải thiện, cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố. Đặc biệt chi phí không chính thức của DN tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, từ những con số biết nói của nền kinh tế, từ những đánh giá của cộng đồng DN trên có thể thấy, để bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế, thậm chí là hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng mà dịch Covid-19 gây ra, một khối lượng công việc rất lớn đang dồn vào những tháng tới đòi hỏi sự vào cuộc, những hành động quyết liệt từ T.Ư, Chính phủ, các bộ, ngành đến từng địa phương.

Mặc dù vẫn duy trì trong top có chỉ số PCI tốt, tuy nhiên, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã thể hiện quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế với việc điều chỉnh những quyết sách cần thiết thuộc thẩm quyền.

Từ việc triển khai mạnh mẽ, nhanh nhất các gói hỗ trợ DN, người dân, đối thoại để cùng DN, nhà đầu tư tìm các giải pháp để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, lấy lại đà tăng trưởng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định rõ quyết tâm hành động trong đó việc tăng sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô, tháo gỡ khó khăn cho DN như mệnh lệnh trong thời chiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại