Trên diễn đàn về ô tô lớn nhất Facebook, Otofun xuất hiện bức ảnh chụp một người phụ nữ bất chấp tắc đường, phóng xe ngược chiều để rẽ vào làng Kim Hoa, Xã Đàn, Hà Nội.
Điều đáng ngạc nhiên là ở phần bình luận, vẫn có khá nhiều người hồn nhiên cho rằng: Đi ngược chiều trong trường hợp này là… đúng, có thể thông cảm được.
Vì muốn rẽ vào làng Kim Hoa đúng luật, bạn phải đi một vòng khá xa (chui qua hầm Kim Liên rồi quay đầu vượt qua ngã tư Giải Phóng – Lê Duẩn), có lẽ lên tới 1-2 km, trong khi đó nếu đi ngược chiều, quãng đường chỉ còn vài chục mét.
Bức ảnh gây nhiều tranh luận.
Vì cái tiện của bản thân, mỗi ngày vẫn có hàng trăm xe máy chạy ngược chiều rất vô ý thức. Giờ thấp điểm còn đỡ. Vào giờ cao điểm, khu vực này vốn đã là một trong những điểm nóng tắc đường của Hà Nội, lại phải gánh thêm một lượng lớn xe đi ngược chiều vì lười, nên tắc càng thêm tắc.
Tôi không hiểu theo logic nào mà người ta lại cho rằng việc bản thân tiết kiệm thời gian đi vòng 2 km là hợp lý, trong khi những người đi đúng chiều phải chôn chân trong cảnh hỗn loạn, tắc đường lên tiếng phàn nàn thì lại bị coi là "thiếu cảm thông", "ích kỷ".
Một câu chuyện nhỏ, nhưng nó nêu lên một thực trạng văn hóa tồn tại trong giao thông Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung: Văn hóa tiện và thông cảm.
Để tiện cho bản thân, người ta sẵn sàng đi ngược chiều hàng trăm mét. Nhẹ thì gây khó chịu, tắc đường. Nặng thì gây ra những tai nạn thảm khốc.
Cơ quan tôi gần một ngã 3 Ngụy Như Kon Tum – Khuất Duy Tiến. Để rẽ vào Ngụy Như Kon Tum đúng luật, từ cơ quan tôi phải đi một vòng tầm 1km. Và vì như vậy, rất nhiều người chọn cách đi ngược chiều trên đường Khuất Duy Tiến rồi rẽ vào Ngụy Như Kon Tum.
Tôi đã chứng kiến ít nhất 3 vụ tai nạn vì cái sự tiện này mà ra ở đoạn ngã 3 này. Xe từ Ngụy Như Kon Tum rẽ ra với tốc độ cao, gặp xe đi ngược chiều không tránh kịp và thế là tai nạn.
Còn nghiêm trọng hơn thì mới đây, vụ chiếc xe Inova vì "tiện" mà ngang nhiên lùi xe trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, rồi bị xe container chở sắt đâm thẳng vào đuôi, khiến 4 người tử vong. Văn hóa tiện khi đó đã gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Vụ tai nạn thương tâm sau pha đi lùi của tài xế Innova.
Thường xuyên hơn là tình trạng hàng đoàn oto, xe máy chạy ngược chiều trên cầu vượt Hoàng Minh Giám chỉ để tiết kiệm đúng… 20 mét quay đầu xe.
Vì để tiết kiệm thời gian, người ta tự đặt bản thân dưới lưỡi hái tử thần, hay nhẹ hơn, là dưới con mắt khinh thường, khó chịu của những người tuân thủ luật giao thông.
Khi tiện, người ta sẽ tiếp tục tạo nên văn hóa "thông cảm". Tôi đã không biết bao nhiêu lần phải nghe những lời năn nỉ: Chú thông cảm tránh ra để anh… vượt đèn đỏ, đang vội.
Trong những trường hợp như thế tôi kiên quyết không nhường và thi thoảng còn vấp phải những sự phản kháng một cách vô lý như đe dọa, chửi bới, thậm chí rồ ga đâm thẳng vào đuôi xe tôi.
Giao thông Hà Nội vốn đã không thể gọn gàng, ngăn nắp vì có sự tham gia hỗn loạn của khá nhiều loại hình: Xe máy, xe oto, xe bus, tải, ba gác, đạp điện… Tuy nhiên, nếu ý thức của người tham gia giao thông tốt, chúng ta vẫn có thể tạo nên một sự trật tự trong cảnh hỗn loạn.
Đáng tiếc, vì cái tiện, lười, đòi hỏi sự thông cảm một cách vô lý của rất nhiều người, sự hỗn loạn càng trở nên tồi tệ hơn gấp bội.
Mỗi lần đánh vật với sự hỗn loạn ấy về tới nhà, tôi lại cảm thấy mất đi một phần niềm tin vào sự văn minh của Hà Nội. Chúng ta đang phát triển bề nổi, tạo ra một thủ đô lung linh, nhưng bộ mặt của giao thông suốt 20 năm qua gần như không cải thiện được nhiều.
Thật đáng buồn!