Trong mắt nhiều cha mẹ, đứa trẻ phải có tính cách hào sảng, biết chia sẻ với mọi người xung quanh thì mới dễ nhận được sự yêu mến. Chính vì vậy, nhiều cha mẹ "mù quáng" bắt ép con phải chia sẻ đồ của mình với bạn bè, anh chị em.
Nhưng như vậy có đúng hay không?
Có câu chuyện như sau: Cô gái nọ là con cả trong gia đình, ở dưới có một em gái nhỏ hơn 2 tuổi. Từ bé đến lớn, hễ em gái thích đồ gì thì cô đều bị mẹ bắt nhường lại cho em. Ban đầu cô còn kháng cự nhưng sau đó, dù muốn hay không thì cô vẫn phải đưa đồ cho em mình.
Sau khi trưởng thành, cô gái đi làm và ngày nào cũng là người tan ca muộn nhất. Không phải cô ngốc nghếch, chậm chạp mà là do quá lương thiện nên thường xuyên bị đồng nghiệp đùn việc, nhờ làm thay. Dù trong lòng miễn cưỡng nhưng lần nào cô gái cũng chỉ biết gật đầu. Thậm chí có một lần khi tham gia cạnh tranh dự án ở công ty, cô gái này đã xin rút vì bị đồng nghiệp... yêu cầu.
Cha mẹ phải biết rằng tính cách của trẻ sẽ được hoàn thiện vào khoảng 6 tuổi và môi trường gia đình có ảnh hưởng rất lớn. Nếu trẻ bị yêu cầu "chia sẻ" quá nhiều lần khi còn nhỏ và không biết cách từ chối người khác thì khi trưởng thành rất dễ nảy sinh tính tự ti, nhút nhát.
Như trong trường hợp của cô gái trên, nếu học được cách bảo vệ quyền lợi của bản thân, biết cách từ chối thì cô sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn. Tương lai cũng nhiều triển vọng.
Ảnh minh họa.
Trẻ không thích chia sẻ, cha mẹ cần biết sự thật đằng sau
Trẻ bắt đầu có suy nghĩ riêng vào khoảng 3 tuổi và dần dần phân biệt được "bản thân" với "người khác".
Quan trọng hơn, đây cũng là giai đoạn nhạy cảm đối với nhận thức của bé về quyền sở hữu. Nhận thức về quyền sở hữu tài sản chính là nhận thức về lòng tự trọng, quyền tự chủ của trẻ.
Trẻ sẽ nâng niu vật dụng của mình, bảo vệ quyền lợi của mình, thường thể hiện sự chiếm hữu với vật dụng cá nhân. Tuy nhiên trong mắt người lớn, hành động này của trẻ lại bị gán nhãn là "độc đoán", "ích kỷ". Thực tế, tâm lý của trẻ còn non nớt, cha mẹ và người lớn xung quanh không nên phóng đại tính nghiêm trọng của vấn đề.
Đồng thời, chúng ta cũng đừng áp đặt mong muốn, sở thích của mình lên trẻ. Nếu không trẻ sẽ chỉ trở thành một người "không biết từ chối". Đối với biểu hiện "ích kỷ" của trẻ, cha mẹ đừng bắt sửa ngay mà hãy từ từ hướng dẫn trẻ học cách chia sẻ.
Cha mẹ hướng dẫn con thế nào cho đúng?
1. Tôn trọng nhận thức của trẻ về quyền tài sản
Nhận thức của trẻ về quyền tài sản, quyền sở hữu là một trải nghiệm quan trọng trong quá trình trưởng thành. Vì vậy cha mẹ không chỉ tôn trọng nhận thức của con cái về quyền tài sản mà còn phải quan tâm đến việc bồi dưỡng chúng.
Con cái có quyền tự quyết định những việc của mình. Do đó khi muốn con chia sẻ đồ chơi, cha mẹ cũng nên hỏi ý muốn của con và xin sự đồng ý của con.
2. Để trẻ học cách từ chối người khác một cách khéo léo
Từ chối người khác cũng là một bài học quan trọng mà cha mẹ cần dạy con. Trẻ cần biết cách từ chối một cách khéo léo, lịch sử thay vì thốt ra những lời cộc cằn, dễ gây xích mích, xung đột.
3. Khen ngợi và khẳng định khi trẻ chia sẻ
Bất kể thứ gì trẻ chia sẻ với người khác, cha mẹ phải kịp thời khen ngợi, khẳng định tính tốt của trẻ. Không có đứa trẻ nào không thích sự khẳng định và khen ngợi, và lời khen ngợi của cha mẹ cũng sẽ khiến trẻ tích cực chia sẻ hơn.