Hàng vạn lao động hồi hương: Không kiểm soát sẽ 'vỡ trận'

NHÓM PV ĐBSCL |

Trước làn sóng hàng vạn người từ TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ ồ ạt trở về miền Tây, nhiều địa phương đang linh hoạt các giải pháp để tạo điều kiện cho người dân về quê an toàn.

Dòng người đổ về quê gây áp lực cho địa phương

Dòng người đổ về quê gây áp lực cho địa phương

Phát hiện 100 F0

 Anh Vũ Văn Công quê huyện Tịnh Biên (An Giang) từ Bình Dương trở về địa phương vào tối 3/10. Anh Công cho biết, vợ đang mang thai tháng thứ 7 và cũng đã tiêu xài hết số tiền tích góp khi đi làm công nhân. Hơn nữa, trợ cấp an sinh xã hội không đủ cho vợ chồng anh bám trụ và sinh con nên cả 2 vợ chồng quyết định trở về quê bằng xe máy, đến trạm T2 (TP Long Xuyên), cửa ngõ vào tỉnh An Giang tập trung để chờ đưa về địa phương cách ly.

“Tôi rất mừng khi đã về tới quê nhà an toàn, cảm ơn các cơ quan đã hỗ trợ cơm nước và bác sĩ thăm khám khi vợ mang bầu”, anh Công xúc động nói.

Chị Trần Thị Minh Thư quê huyện Phú Tân (An Giang) cùng chồng từ TPHCM chạy xe gắn máy gần 200km về đến TP Long Xuyên tập trung để chờ đưa về địa phương cách ly. Chị Thư cho biết, suốt 4 tháng qua do ảnh hưởng của dịch nên chị và chồng thất nghiệp. Hơn nữa, trong suốt thời gian TP. Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16 mọi thứ trở nên vô cùng khó khăn, sống nhờ vào sự giúp đỡ của mạnh thường quân.

“Về đây được mọi người chăm sóc, lo cho từng bữa ăn giấc ngủ. Lâu rồi mới ăn được bữa cơm với vị ngon đặc trưng của quê hương. Tôi cảm ơn tình cảm của quê hương đã luôn dang tay bao bọc cho những người con xa xứ”, chị Thư xúc động nói.

“Tỉnh sẵn sàng đón hết tất cả bà con về quê nhưng chúng tôi khuyến cáo bà con không nên ồ ạt mà hãy đăng ký, về từ từ để tỉnh có điều kiện thu xếp cơ sở vật chất, khu cách ly đón bà con; đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Năng lực tiếp nhận của tỉnh khoảng chừng này, nếu bà con về thêm nữa, sẽ vỡ trận, khó khăn cho địa phương”- ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, từ ngày 1/10 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận trên 20.000 người người dân tự phát trở về địa phương, vượt quá quy mô, khả năng cách ly, điều trị của tỉnh.

Qua test nhanh, có trên dưới 100 F0 được phát hiện. “An Giang đang kêu gọi người dân “ai ở đâu thì ở đó”. Tuy nhiên, nếu bà con đã lỡ về tới cửa ngõ thì phải tiếp nhận để phân loại chu đáo”, ông Phước thông tin.

Trước tình hình người dân ồ ạt trở về, tỉnh đã có kiến nghị với Thủ tướng để chỉ đạo các tỉnh, thành có biện pháp hạn chế người dân đổ về. Đồng thời, tuyên truyền cho tất cả người dân có con em tại các tỉnh thành nên hạn chế về. Còn đối với người đã lỡ về tới An Giang, tỉnh sẽ tiếp nhận và đưa về từng địa phương cụ thể.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ ngày 1/10 đến nay đã có gần 18.000 người từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai trở về gây khó khăn nhiều mặt đối với địa phương. Tuy nhiên, bà con đang khó khăn nên tỉnh bằng mọi cách hỗ trợ, tiếp nhận. Do số lượng đông nên huy động các điểm cách ly trường học đến tận xã, đồng thời lo cho người dân từ ăn uống, xét nghiệm...

Xét nghiệm nhanh, không để dịch lây lan

Mặc dù đã nới lỏng giãn cách, lưu thông đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, trước tình hình người dân từ miền Đông Nam Bộ ồ ạt về quê, các địa phương ở miền Tây đang linh hoạt điều chỉnh các biện pháp để phù hợp tình hình.

Tại Kiên Giang, để kịp thời đón tiếp và hỗ trợ bà con về quê, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có công điện khẩn chỉ đạo tăng cường lực lượng đủ sức làm nhiệm vụ 24/24 tại các cửa ngõ của tỉnh để tiếp nhận, phân luồng người dân theo từng địa phương và tổ chức đưa bà con về tận nhà an toàn. Đồng thời chỉ đạo các huyện, thành phố có người dân từ tỉnh về phải tạo điều kiện cho họ được về nhà sớm nhất và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định.

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, khi người dân về đến địa phương, chính quyền tại đó tổ chức test nhanh COVID-19. Ai có kết quả âm tính thì về cách ly tại nhà, theo dõi y tế đúng quy định. Người có kết quả dương tính thì vào khu cách ly, điều trị. Nhờ vậy đã giải tỏa được áp lực tại các chốt cửa ngõ, tạo điều kiện cho bà con về địa phương nhanh nhất, tránh ùn ứ, ách tắc giao thông, không đảm bảo trong công tác phòng chống dịch.

Kiên Giang chỉ đạo tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, không để người dân thiếu đói. Tỉnh có hơn 105.000 công dân đang làm việc, học tập và lao động tại TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Ngoài ra, Kiên Giang đã ban hành kế hoạch tiếp nhận người dân trở về từ TPHCM và các tỉnh bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đợt 2 (dự kiến ngày 5/10), tổ chức xe lên đón 500 người dân về quê, ưu tiên cho thai phụ, người cao tuổi, trẻ em, học sinh sinh viên; người có hoàn cảnh khó khăn có nguyện vọng trở về địa phương.

Làn sóng người dân từ các tỉnh trở về Sóc Trăng lên tới hơn 30.000 người, nguy cơ rất lớn lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào trong địa bàn tỉnh. Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay, trước mắt, tỉnh tận dụng trường học làm cơ sở cách ly tập trung.

Đồng thời chỉ đạo kích hoạt hết các khu cách ly tập trung, xây dựng nhà vệ sinh riêng biệt trong các khu cách ly để tránh lây nhiễm chéo, lo chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho người dân. Ngoài ngân sách, tỉnh vận động xã hội hóa, kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng chung sức lo cho bà con được chu đáo.

“Tỉnh sẵn sàng đón hết tất cả bà con về quê nhưng chúng tôi khuyến cáo bà con không nên ồ ạt về như vậy mà hãy đăng ký, về từ từ để tỉnh có điều kiện thu xếp cơ sở vật chất khu cách ly đón bà con, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Năng lực tiếp nhận của tỉnh chỉ khoảng chừng này, nếu bà con về thêm nữa, sẽ vỡ trận, khó khăn cho địa phương”, ông Lâu chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại