Hàng trăm DN tìm đến, Phó Thủ tướng Nga nói điều nể phục Việt Nam - Một "ông lớn" ngỏ ý về dự án 16 tỷ đô

Nhật Minh |

Phó Thủ tướng Chernyshenko ví quan hệ thương mại và kinh tế Việt-Nga như "một gã khổng lồ đang ngủ" với nhiều tiềm năng chưa khai thác hết.

186 dự án, loạt "ông lớn"

Nga tìm đến Việt Nam

Theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 4/2024, Nga có tổng cộng 186 dự án tại Việt Nam. Với tổng mức đầu tư lên tới gần 1 tỷ USD, Nga hiện đứng thứ 28 trong tổng số 145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Điểm nhấn đáng chú ý trong mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt-Nga là liên doanh Vietsovpetro – một dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí, với sản lượng khai thác đáng nể 250 triệu tấn và doanh thu từ hoạt động dầu khí đạt hơn 88 tỷ USD.

Vietsovpetro không chỉ là minh chứng cho sự hợp tác thành công mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp "sếu đầu đàn" của Nga, khi họ không giấu giếm mong muốn sẵn lòng đầu tư sâu hơn vào Việt Nam, nhắm đến các lĩnh vực chủ chốt như máy móc, công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI).

Hàng trăm DN tìm đến, Phó Thủ tướng Nga nói điều nể phục Việt Nam - Một "ông lớn" ngỏ ý về dự án 16 tỷ đô- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko thăm Triển lãm Quốc tế Việt Nam lần thứ 32 (Việt Nam Expo 2023) tại Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: Sputnik

Tháng 4/2023, theo báo Quân đội Nhân dân, hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu của Nga trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, công nghệ cao... đã đi cùng đoàn của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại thị trường Việt.

Có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như tập đoàn Almaz (chuyên về thiết kế thiết bị radar và hệ thống điều khiển tự động đa mục đích), tập đoàn xe hơi thương mại Gaz, công ty logistics và vận chuyển đường sắt RATRACO...

Sự quan tâm lớn mà các doanh nghiệp Nga dành cho Việt Nam một lần nữa được tái khẳng định trong phát biểu của Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko hồi tháng 5 năm nay. Ông Bezdetko cho biết, "nhiều doanh nghiệp Nga - trong các lĩnh vực công nghệ cao và y tế - mong muốn mở rộng phạm vi hiện diện của mình tại Việt Nam".

Phát biểu trên RIA Novosti, Phó Thủ tướng Chernyshenko đã ví quan hệ thương mại - kinh tế Nga-Việt như "một gã khổng lồ đang ngủ" với nhiều tiềm năng chưa khai thác hết.

Phó Thủ tướng Nga nể phục Việt Nam

Lý giải về sức hút đầu tư của Việt Nam trong chuyến thăm tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Nga Chernyshenko đã bày tỏ sự nể phục với thành tựu về kinh tế của Việt Nam khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt hơn 800 tỷ USD trong năm 2022. Bên cạnh đó, Việt Nam là thành viên tích cực của nhiều tổ chức kinh tế, thương mại thế giới.

"Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn ở châu Á" - ông Chernyshenko nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng Nga, hiện Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong khu vực có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu. Do đó, hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt-Nga được hưởng những lợi ích đáng kể từ Hiệp định này.

Hàng trăm DN tìm đến, Phó Thủ tướng Nga nói điều nể phục Việt Nam - Một "ông lớn" ngỏ ý về dự án 16 tỷ đô- Ảnh 2.

Bàn thêm về sức hút của Việt Nam, tạp chí Forbes (bản tiếng Nga) cho biết, thị trường Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất đối với các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp Nga do Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh chóng và mật độ dân số cao.

Trong khi đó, theo hãng thông tấn TASS (Nga), Việt Nam luôn tạo cơ hội đầu tư thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp Nga có nhu cầu hoạt động tại Việt Nam.

Ông Leonid Viktorovich Mikhelson - Chủ tịch Novatek (tập đoàn khí tự nhiên độc lập lớn nhất tại Nga) - trong một phát biểu vào năm 2020 từng khẳng định, không gian đầu tư cho các doanh nghiệp Nga tại Việt Nam là "rất lớn".

Đặc biệt, theo ông Mikhelson, các doanh nghiệp Nga "rất khâm phục Việt Nam khống chế thành công đại dịch COVID-19. Đây là niềm tin để các doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn".

Lời đề nghị về dự án sân bay 16 tỷ USD

Trong danh sách các công ty Nga đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam, tập đoàn Almaz thu hút sự chú ý đặc biệt.

Với uy tín và vị thế của mình trong ngành công nghệ radar và hệ thống điều khiển tự động, Almaz đang tạo dấu ấn mạnh mẽ trên hành trình tìm kiếm cơ hội và mở rộng hợp tác tại thị trường Việt Nam.

Hàng trăm DN tìm đến, Phó Thủ tướng Nga nói điều nể phục Việt Nam - Một "ông lớn" ngỏ ý về dự án 16 tỷ đô- Ảnh 3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng với Phó Tổng giám đốc Almaz-Antey Mikhail Podvyaznikov thăm cơ sở sản xuất tại St. Petersburg, Nga năm 2023. Ảnh: Sputnik

Đánh giá Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn cho việc đầu tư và phát triển thương mại 2 chiều bền vững, vào tháng 3/2023, Almaz thông báo đã tiến hành thảo luận với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), bày tỏ mong muốn tham gia vào dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Phó Tổng giám đốc Alexander Ponomarenko của Almaz cho biết, tập đoàn này hy vọng sẽ được triển khai hệ thống radar kiểm soát không lưu, radar dẫn đường, radar cất hạ cánh cho máy bay dân sự… tại dự án sân bay Long Thành với kinh phí từ 53 - 300 triệu USD.

Ông Ponomarenko lưu ý rằng, Almaz đã hợp tác và giao dịch thành công với hơn 50 quốc gia trên thế giới. Các thiết bị do tập đoàn sản xuất - bao gồm radar điều phối hàng không, hệ thống kiểm soát không lưu, và các thiết bị chống phương tiện bay không người lái (UAV) - đều đạt tiêu chuẩn EU.

Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán toàn bộ dự án khoảng 16,06 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,45 tỷ USD.

Vào tháng 9/2022, dự án thành phần 2 của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã được khởi công, tập trung đầu tư vào 10 hạng mục xây dựng và thiết bị công nghệ như đài kiểm soát không lưu và các hạng mục phụ trợ (ATCT), trạm radar sơ cấp/thứ cấp và trạm phát sóng vô tuyến (PSR/SSR/Tx), trạm thu sóng vô tuyến và trạm giám sát phụ thuộc (Rx/ADS-B), trạm radar khí tượng...

Hàng trăm DN tìm đến, Phó Thủ tướng Nga nói điều nể phục Việt Nam - Một "ông lớn" ngỏ ý về dự án 16 tỷ đô- Ảnh 5.

Gian hàng của Almaz-Antey tại Hội chợ Thương mại Công nghiệp Quốc tế INNOPROM-2017 lần thứ 8. Ảnh: Sputnik

Ngoài đề nghị tham gia vào hạng mục dự án sân bay Long Thành, Almaz còn sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong cung ứng, trao đổi máy móc, kinh nghiệm sử dụng các thiết bị dân sự như tổ hợp giám sát, đo đạc thời tiết (lượng mưa, sức gió, bão…), thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp...

Đây cũng là những lĩnh vực có nhu cầu lớn ở Việt Nam. Việc thúc đẩy các lĩnh vực này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra hiệu quả.

Theo giới chuyên gia, hành trình hợp tác giữa Việt Nam và Nga đang bước vào chương mới, không chỉ dừng lại ở những số liệu đầu tư khổng lồ mà còn thể hiện qua những sáng kiến và dự án thiết thực, mở ra không gian cho một tương lai lớn mạnh và đầy triển vọng cho cả hai phía.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại