Hàng trăm cổ phiếu giảm một phiên hơn gửi tiết kiệm cả năm

Hà Linh |

Chỉ trong một phiên, cổ đông của hàng trăm doanh nghiệp trên sàn đã tạm mất số tiền bằng lãi gửi tiết kiệm cả năm, thậm chí 2 năm.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua thêm một ngày thứ 2 đáng quên khi VN-Index giảm hơn 3% xuống sát 1.180 điểm. Sắc đỏ bao trùm trên hầu hết các nhóm cổ phiếu, thậm chí toàn thị trường có đến 232 mã giảm sàn.

Tính riêng trên HoSE số cổ phiếu nằm sàn đã lên đến 145 mã, gấp đôi số mã tăng xanh. Trong đó, nhóm VN30 có đến 5 cái tên là GAS, HPG, POW, SSI, và STB giảm hết biên độ (-7%). 

Theo thống kê, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng hiện dao động chủ yếu trong khoảng từ 5,5 – 6,5%, rất hiếm nhà băng nào có lãi suất chạm đến 7%. Như vậy, chỉ trong một phiên hôm nay, cổ đông của hàng trăm doanh nghiệp trên sàn đã tạm mất số tiền bằng lãi gửi tiết kiệm cả năm.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải những nhà đầu tư "đen đủi" nhất phiên hôm nay. Thống kê cho thấy HNX có 54 mã nằm sàn (-10%) trong khi UpCOM cũng có 32 cổ phiếu giảm hết biên độ (-15%). Nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu như CEO, L14, PVS, IPA.... hay C4G, G36, RIC, VHG, PXT,... thậm chí còn "bay mất" số tiền ngang gửi tiết kiệm từ 1,5 đến 2 năm.

Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh thời gian gần đây, việc cổ phiếu tăng nóng giai đoạn trước quay đầu giảm sàn nhiều phiên liên tiếp, đặc biệt trong nhóm chứng khoán, thép, bất động sản,... đã không còn xa lạ với nhà đầu tư. 

Câu chuyện càng đáng buồn hơn khi chỉ chưa đầy nửa năm trước, không khí phấn khởi khoe lãi một phiên hơn cả năm gửi tiết kiệm vẫn tràn ngập khắp các diễn đàn, mạng xã hội...

Cục diện thay đổi nhanh chóng khi áp lực lạm phát gây sức ép buộc Fed và các Ngân hàng Trung ương phải đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất. 

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái nâng lãi suất điều hành tuy nhiên rất nhiều Ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn. Điều này phần nào ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán bởi tiết kiệm luôn là một trong những kênh đầu tư thay thế được nhắc đến nhiều nhất.

Theo thống kê, thanh khoản bình quân phiên trên HoSE đã có xu hướng giảm mạnh từ sau khi đạt đỉnh vào tháng 11 năm ngoái. 

Trong tháng 5 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.800 tỷ đồng/phiên, thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Thực tế, ngoài câu chuyện lãi suất, những biến cố trên thị trường trái phiếu thời gian qua cũng có ảnh hưởng đáng kể đến thanh khoản thị trường chứng khoán.

 Hàng trăm cổ phiếu giảm một phiên hơn gửi tiết kiệm cả năm  - Ảnh 1.

Thanh khoản HoSE liên tục sụt giảm

Trong khi dòng tiền có xu hướng rời đi, nguồn cung cổ phiếu lại tăng rất mạnh trong các năm qua. 

Theo thống kê của FiinPro, số lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp niêm yết có kế hoạch chào bán giai đoạn 2021-2023 là hơn 20,5 tỷ đơn vị, riêng thực hiện trong năm 2021 là 19,87 tỷ đơn vị. Ba nhóm doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn nhiều nhất là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.

Điều này phần nào lý giải cho những biến động không mấy khả quan của thị trường thời gian gần đây. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực nhờ tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại