Hàng hóa dồi dào sẵn sàng phục vụ người dân mua sắm cuối năm tại siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 8-12, tại hội nghị công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do Bộ Công Thương tổ chức, bà Vũ Thị Hậu - chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - cho hay các đơn vị bán lẻ đã lên kế hoạch cho hàng Tết từ cách đây ba tháng, đồng thời cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, giá cả tăng đột biến.
"Nguồn hàng dồi dào và đa dạng, nhiều siêu thị chỉ mong có khách để bán ra thôi" - bà Hậu nói.
Hàng hóa dồi dào, khuyến mãi nhiều
Cũng tại hội nghị, các nhà bán lẻ sẽ kiểm tra kiểm soát chặt chẽ việc nhập hàng, không để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống là vấn đề khó khăn.
Ngoài ra, vấn đề lo ngại là việc vận chuyển hàng thuận lợi, kịp thời và nhanh nhất, phân luồng được giao thông trên các tuyến huyết mạch để lưu thông hàng hóa dễ dàng hơn.
Bà Nguyễn Thị Phương - phó tổng giám đốc thường trực WinCommerce (quản lý chuỗi Winmart) - cho biết để đáp ứng nhu cầu thị trường, Winmart đã mở rộng hệ thống ra khu vực nông thôn, có giải pháp để vận chuyển và các hoạt động logistics, giao hàng tập trung để giảm giá thành.
"Chúng tôi cũng đã làm việc với hơn 300 nhà cung cấp để tăng sản lượng nguồn hàng, thực hiện các chương trình bình ổn giá, đảm bảo cung ứng hàng hóa trên toàn hệ thống", bà Phương nói.
Để hỗ trợ người tiêu dùng sau đại dịch, ứng phó với việc giá cả tăng đột biến, ông Lê Văn Liêm - giám đốc Saigon Co.op miền Bắc (đơn vị quản lý chuỗi Co.op Mart) - cho hay đã lên kế hoạch làm việc với nhiều nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung ổn định.
Theo đó, nguồn hàng hóa dự kiến tăng 10-15% được tập trung tại bảy kho trung tâm với tổng giá trị hàng hóa tồn kho là 10.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, hệ thống Co.op Mart cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi và kích cầu mua sắm trên cơ sở phối hợp nhà cung cấp để có giá tốt, kích cầu mua sắm cuối năm cho người tiêu dùng, được thực hiện dài hơi từ cuối tháng 11 đến 21-1-2023 ở 800 điểm bán tại 43 tỉnh thành.
Ngoài ra, Co.op Mart cũng tổ chức bán hàng lưu động, tổ chức hàng trăm chuyến hàng ở vùng sâu vùng xa, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân với giá hợp lý.
Ông Lê Mạnh Phong, giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ BigC&Go, cũng cho biết sẽ tập trung nguồn hàng đa dạng với mức tăng trưởng cao so với năm ngoái với trên 20%. Trong đó, hàng hóa mang tính chất mùa vụ Tết sẽ tăng 20-30%.
Cùng với những mặt hàng phi thực phẩm như gia dụng, dệt may được dự báo tăng tốt hơn năm trước, các mặt hàng thực phẩm Tết sẽ được hệ thống tập trung cung ứng trong hai tuần, gồm các sản phẩm như bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, trái cây...
Cũng theo ông Phong, hệ thống này sẽ tung ra chương trình khuyến mãi từ 30-50% với hàng nghìn mặt hàng xuyên suốt trong dịp Tết, mở thêm thời gian bán hàng và nhân sự để phục vụ bà con mua sắm.
"Nguồn hàng dồi dào sẽ giúp giá ổn định, nhưng sau Tết có thể gặp thách thức cho hàng tươi sống, nguồn hàng và lực lượng cung cấp ít hơn, nên cần chuẩn bị để tránh tình trạng sau Tết giá tăng, hình thành nên mặt bằng giá mới" - ông Phong nói.
Tập trung chống hàng giả, hàng lậu
Theo báo cáo của các địa phương, công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã triển khai với lượng tăng khoảng
10-12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...
Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Đặc biệt, người dân bắt đầu "mạnh tay" với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hóa chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng. Tuy vậy, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - lưu ý gần một tháng trở lại đây hàng hóa từ các tuyến về rất nhiều.
Đáng chú ý là tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra, không tiêu thụ ở thành phố lớn mà đi về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
"Mấy tháng nay hàng lậu không đi đường tiểu ngạch, mà đi từ miền Trung và miền Nam ra rất nhiều, bắt giữ qua vận chuyển đường sắt rất lớn, gồm cả hàng cấm, không rõ xuất xứ, ngay ga Giáp Bát bắt giữ lượng lớn" - ông Linh nói và cho biết sẽ tập trung lực lượng để ngăn chặn hàng kém chất lượng vào thị trường trong dịp Tết nhưng hệ thống phân phối cũng cần nêu cao trách nhiệm, cung ứng hàng có chất lượng.
Chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc điều hành giá cả, quản lý thị trường là nhiệm vụ của các cấp ngành và địa phương. Do đó theo ông Diên, các bộ ngành liên quan cần đẩy mạnh sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, phải đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát giá cả hàng hóa, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về giá, triển khai chương trình bình ổn thị trường, kiểm soát giá. "Các bộ ngành, địa phương cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, tạo thuận lợi về giao thông, đảm bảo vận chuyển xuyên suốt...", ông Diên đề nghị.
Hàng phải đến tận tay công nhân
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý giá mặt hàng thịt heo đang xuống rất thấp, có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do người chăn nuôi thua lỗ, sẽ không tái đàn nên có thể ảnh hưởng nguồn cung khi từ nay đến trước Tết và sau Tết người nuôi không tái đàn.
Ngoài ra, theo ông Hải, các địa phương cần lưu ý là các khu công nghiệp. Ví dụ như Bình Dương, người lao động ở các khu công nghiệp nhiều, thường làm việc tới ngày cuối cùng, nên cần tổ chức đưa hàng đến công nhân.
"Làm sao để công nhân mua hàng ở đâu cho phù hợp, nếu giá cao lên thì sao? Vì vậy phải có chính sách mang hàng đến tận nơi phục vụ công nhân, người lao động, khu công nghiệp, khu chế xuất" - ông Hải đề nghị.