Hàng sản xuất ở Việt Nam vào 'tầm ngắm' của các thương hiệu quốc tế

Thiên Kỳ |

Fast Retailing, Walmart, Amazon... đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm nguồn hàng, đối tác tại Việt Nam.

Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn muốn thu mua nhiều hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng hàng nhập khẩu giờ đã thay đổi nhiều so với trước đây. Cụ thể các thị trường như Mỹ, EU yêu cầu cao về sản phẩm có tính bền vững, quá trình sản xuất giảm phát thải, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu đầu vào...

"Việc kết nối doanh nghiệp nội địa với các tập đoàn, doanh nghiệp mua hàng quốc tế giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tiêu thụ hàng hóa, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm do các thị trường lớn đều giảm mua hàng hóa", ông Tạ Hoàng Linh cho hay.

Theo ông Linh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu kết nối hiệu quả hơn, Bộ Công thương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" (Vietnam International Sourcing 2023) từ ngày 13 - 15/9.

Hàng sản xuất ở Việt Nam vào tầm ngắm của  các thương hiệu quốc tế - Ảnh 1.

Sắp tới, Uniqlo sẽ ưu tiên thu mua tại Việt Nam. Ảnh: AEON Mall Bình Dương

Thương hiệu quốc tế tìm nguồn hàng Việt Nam

Về nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng dệt may tại Việt Nam, chủ thương hiệu Uniqlo khẳng định Việt Nam trở thành một cơ sở vững chắc, then chốt trong sản xuất các sản phẩm dệt may, nâng cao chuỗi cung ứng. Do đó, Uniqlo ưu tiên về thu mua cho thị trường Việt Nam. Hiện nay thương hiệu này phát triển nhiều cải tiến cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam, qua đó có thể tăng cường sự hiện diện hơn nữa thông qua hợp tác.

Bởi theo vị này, để sản xuất mặt hàng may mặc, việc chỉ chú trọng vào sản xuất sau cùng đã không còn thích hợp. Tập đoàn cần có sự hợp tác giữa yếu tố đầu vào và đầu ra, để có thêm nhiều nhà máy nguyên liệu, phụ trợ nội địa.

Theo đó, ưu tiên của Uniqlo trong thời gian tới là các sản phẩm dựa trên nhu cầu thực tế của cuộc sống, với những trang phục hằng ngày đơn giản, chất lượng cao.

Cuối năm 2019, Uniqlo khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM, và là cửa hàng thứ sáu ở Đông Nam Á. Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Fast Retailing, chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo, Tadashi Yanai đã đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường được đánh giá là tiềm năng nhất trong khu vực.

Không chỉ Uniqlo mà sắp tới đây trong chuỗi sự kiện "Kết nối cung ứng hàng hóa" diễn ra vào tháng 9 tại TP.HCM, hàng loạt những ông lớn như Uniqlo, Aeon, Amazon... cũng sẽ đẩy mạnh thu mua sản phẩm của Việt Nam.

Trước đó, như Nhadautu.vn đã thông tin, Walmart , tập đoàn bán lẻ hàng đầu Mỹ dự kiến sẽ cử nhân sự cấp cao tham gia sự kiện "Kết nối các nhà cung ứng quốc tế" để giới thiệu và tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu của tập đoàn này.

Theo đó, 6 lĩnh vực mà Walmart mong muốn tìm đối tác thông qua chuỗi sự kiện này bao gồm quần áo và phụ kiện, giày dép, hàng dệt may và phụ kiện, điện tử gia dụng, đồ nội thất, thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, hiện các thị trường cấp cao như Nhật Bản, Mỹ, EU này đang hướng đến thu mua sản phẩm mang tính bền vững như xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Và đại diện các thương hiệu có nhu cầu thu mua hàng hóa Việt Nam cũng đang hướng tới các tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động...

Đại diện Walmart cũng lưu ý cho doanh nghiệp về những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam như năng lực doanh nghiệp, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) vừa có đề xuất áp dụng chương trình trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng bắt buộc (EPR) với doanh nghiệp sản xuất dệt may, buộc doanh nghiệp sản xuất dệt may phải đảm bảo trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm, hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may khắp châu Âu.

"Thời gian tới, doanh nghiệp trong nước cần tập trung đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất, nguồn gốc chất lượng vải, tạo sự cạnh tranh về giá thành.

Đồng thời, phải tuân thủ các quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm rác thải từ dệt may, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, trong quá trình sản xuất sử dụng nguyên vật liệu có thể tái chế nhằm tăng cường hợp tác và cung ứng hàng hóa cho các thương hiệu này", đại diện Bộ Công thương đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp trong nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại