Hàng nghìn trẻ em ở TP.HCM mồ côi do Covid-19: Người lớn không nên cố giấu bằng lý do "cha mẹ đi công việc", "cha mẹ sắp về"

Bảo Yên |

Đó là chia sẻ của chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM) về phương thức giúp đỡ trẻ mồ côi trong đại dịch Covid-19.

Bé L. (8 tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM) đứng trước bàn thờ người mẹ qua đời vì Covid-19. Ảnh: Huy Hậu

Bé L. (8 tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM) đứng trước bàn thờ người mẹ qua đời vì Covid-19. Ảnh: Huy Hậu

Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng nghìn trẻ em tại TP.HCM đã phải rơi vào hoàn cảnh mồ côi. Đối diện với nỗi đau đầu đời, nhiều em đã bị khủng hoảng tâm lý, dẫn đến trầm cảm. Bên cạnh những chăm lo về thể chất, sức khỏe tinh thần của trẻ em trong mùa dịch Covid-19 cũng là điều vô cùng cấp thiết.

Từng đồng hành với nhiều bệnh nhân F0, trẻ em trải qua khủng hoảng tâm lý, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (trực thuộc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM) đã có những chia sẻ sâu về vấn đề này.

Hàng nghìn trẻ em ở TP.HCM mồ côi do Covid-19: Người lớn không nên cố giấu bằng lý do cha mẹ đi công việc, cha mẹ sắp về - Ảnh 1.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện

Khi trẻ bị tổn thương tâm lý bởi việc mất đi cha, mẹ sẽ có những biểu hiện như thế nào, thưa anh?

Với những trẻ nhỏ ở tuổi mầm non, cấp 1, trẻ cần sự chăm sóc và quan tâm rất lớn từ cha mẹ. Việc đột ngột mất đi cha mẹ, có thể khiến trẻ cảm thấy lo hãi, bất an, hoảng sợ và có thể đưa đến nhiều biểu hiện như quấy khóc, bỏ ăn, mất tự chủ tiêu tiểu, đau bụng, đau đầu không rõ nguyên nhân...

Còn đối với các trẻ lớn hơn ở tuổi trung học, vị thành niên, và cả người lớn khi nhận thức đủ để hiểu được về sự kiện cha mẹ qua đời, có thể có diễn biến tâm lý qua nhiều giai đoạn.

5 giai đoạn cơ bản có thể là: Chối bỏ, giận dữ, mặc cả (suy nghĩ và tiếc nuối về việc nếu như mình làm tốt hơn, can thiệp y tế kịp thời thì cha mẹ đã được cứu sống), buồn rầu và chấp nhận.

Các giai đoạn trên có thể kéo dài và thể hiện không theo thứ tự. Nhiều trường hợp phải mất rất nhiều năm để chấp nhận sự mất mát của thân nhân.

Đặc biệt, trong dịch bệnh Covid-19 này, việc cha mẹ đột ngột qua đời dẫn đến tình trạng trẻ không được chuẩn bị tinh thần để đón nhận tin dữ. Điều này có thể đưa đến tình trạng sốc về mặt tâm lý, các phản ứng stress cấp tính và một số hành vi kích động.

Vậy, theo anh, đâu là liệu pháp xoa dịu tốt nhất ở thời điểm trẻ trải qua cú sốc mất cha, mẹ trong đại dịch Covid-19?

Theo tôi, người lớn không nên nói dối hay cố giấu các thông tin bằng những lý do như "cha mẹ đi công việc", "cha mẹ sắp về". Việc nói dối trong giai đoạn ngắn có thể làm trẻ mất lòng tin với mọi người, khi biết được sự thật sau này. Hãy cho trẻ cơ hội được biết và đối diện với sự thật.

Bên cạnh đó, chúng ta cần cho trẻ được bộc lộ cảm xúc tự nhiên theo cách của mình. Trẻ có thể sẽ khóc rất nhiều, buồn rầu, thậm chí bỏ ăn,... đó là phản ứng tâm lý vô cùng tự nhiên của con người trước những mất mát, đau thương. Nhưng việc khóc than, la hét cũng có thể là 1 cách bộc lộ và giải tỏa cảm xúc buồn đau hiệu quả.

Người lớn hãy hiện diện và lắng nghe, chấp nhận và tôn trọng cảm xúc của trẻ. Trẻ có quyền cảm thấy đau buồn và bộc lộ cảm xúc theo cách thức của mình, miễn không gây hại đến bản thân và người khác.

Vì thế, đôi khi chỉ cần ngồi cạnh, im lặng lắng nghe và nhìn trẻ bằng ánh mắt chân thành, đón nhận cũng đủ để giúp đỡ tâm lý cho trẻ trong giai đoạn khó khăn này. Một số trẻ có nhu cầu chia sẻ ý kiến, mọi người hãy lắng nghe và thừa nhận các suy nghĩ đó hơn là đưa ra lời khuyên nhủ trong thời điểm này.

Điều quan trọng không kém là hãy khẳng định trẻ không có lỗi trong việc cha mẹ qua đời. Nhiều trẻ có thể cảm thấy mặc cảm tội lỗi vì cái chết của phụ huynh.

Một số người lớn cũng "lúng túng" khi nói với trẻ như thế nào về sự ra đi của cha mẹ. Xin anh chia sẻ một vài lời khuyên trong tình huống này.

Để hỗ trợ trẻ tốt, người lớn cũng cần chuẩn bị tâm lý của mình. Hãy can đảm tự nhìn nhận xem mình đã đón nhận biến cố mất mát này chưa trước khi hỗ trợ trẻ.

Nếu người lớn đã sẵn sàng có thể trò chuyện với trẻ về mất mát. Hãy khuyến khích trẻ nêu lên những cảm xúc, suy nghĩ trong lòng, thay vì đưa ra các lời khuyên chủ quan.

Nhiều người mong muốn bảo vệ trẻ khỏi đau buồn bằng cách khuyên trẻ đừng buồn, cố gắng lạc quan, tích cực lên. Đây là cách thức rất nhiều người thường làm nhưng thực ra nó đi ngược lại quy luật của cảm xúc.

Một tinh thần lành mạnh là khi chúng ta có thể thống nhất giữa cảm xúc nội tâm và hoàn cảnh bên ngoài. Hãy buồn đau và khóc khi bị mất mát và tổn thương.

Theo anh, hỗ trợ trẻ mồ côi trong đại dịch này thế nào là hợp lý ?

Trên thế giới, không chỉ đợi đến dịch Covid-19 mà sau các đại dịch trước đây như HIV, Ebola…, nhiều chương trình đã thực hiện để hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng, trong đó có các trẻ mồ côi. Cần có những chính sách giúp đỡ các em một cách toàn diện về y tế, giáo dục, chăm sóc, tâm lý, xã hội… trong thời gian dài theo sự phát triển của các em.

Các em nên được gia đình nuôi, hỗ trợ thay thế hơn là đưa vào trại tế bần, cơ sở giáo dưỡng.

Ngoài ra, cần tránh những nguy cơ trẻ bị dán nhãn, kỳ thị vì tình trạng của bản thân. Hãy tôn trọng quyền riêng tư về thông tin và hình ảnh của các em. Cần có các hoạt động nâng cao ý thức giá trị bản thân (self esteem) và giảm các triệu chứng trầm cảm cho các em.

Xin cảm ơn anh!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại