Ngày 12/9, Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cho biết đang tiếp tục theo dõi hướng đi của áp thấp nhiệt đới vừa hình thành cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa Việt Nam) 220km về phía Bắc Tây Bắc.
Áp thấp nhiệt đới đang có sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Người dân Đà Nẵng đang chằng chống nhà cửa chống bão
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10; biển động rất mạnh.
Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
"Tính đến 6h ngày 12/9, các tỉnh đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 7.092 tàu/45.853 lao động đang ở trong vùng biển nguy hiểm biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.
Hiện khu vực biển từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng: 221 tàu/2.587 lao động; khu vực từ Phú Yên đến Kiên Giang: 1.924 tàu/14.547 lao động, khu vực quần đảo Hoàng Sa: 20 tàu/140 lao động; khu vực giữa Hoàng Sa – Trường Sa: 308 tàu/2.156 lao động; khu vực Quần Đảo Trường Sa: 287 tàu/2.050 lao động.
Tàu thuyền của ngư dân đang trên đường rời khỏi vùng nguy hiểm vào bờ tránh bão.
Ngoài ra, có 4.332 tàu/24.373 lao động hoạt động gần bờ", Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho hay.
Ngư dân đưa tàu thuyền lên bờ
Các tỉnh miền Trung đồng loạt cấm biển
Từ chiều 12/9, các tỉnh miền Trung từ Đà Nẵng đến Bình Định đều đã có công điện khẩn gửi các Sở, Ban, ngành, quận huyện để chủ động phòng chống áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông.
Tại Đà Nẵng, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn liên lạc với tất cả các tàu thuyền của địa phương đang hoạt động trên biển. Các tàu được thông báo về hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới và được hướng dẫn tránh bão.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng, yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi cho đến khi áp thấp nhiệt đới tan.
Tại Bình Định, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, cho biết trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, đơn vị đã triển khai công tác phòng chống và kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú.
Bộ đội Biên phòng cùng gia đình liên tục thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp để chủ động phòng tránh. Các đơn vị tổ chức trực 24/24, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động xử trí khi có tình huống khẩn cấp.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cũng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi trước, trong và ngay sau khi bão tan.
Ở Quảng Ngãi, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cấm tuyệt đối các tàu thuyền xuất cảng. Đặc biệt, tuyến vận tải khách từ Lý Sơn ra, vào đất liền phải tạm dừng từ 14h chiều 12/9 cho đến khi có tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các huyện kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở núi, sạt lở bờ sông, bờ biển… Các địa phương chuẩn bị biện pháp sơ tán, di dời người dân. Tại các vị trí nguy hiểm, lực lượng chức năng phải bố trí người canh gác.
"Các địa phương dừng ngay các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống áp thấp nhiệt đới", UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo.
Ông Nhâm Xuân Sỹ-Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại tỉnh đã có mưa vừa đến mưa rất to. Dự báo trong chiều và tối 12/9 sẽ có mưa vừa đến mưa to tiếp tục xuất hiện ở Quảng Ngãi, mực nước ở các sông có khả năng lên cao.
Ở tỉnh Quảng Nam, ngoài việc cấm tàu thuyền ra khơi, UBND tỉnh còn yêu cầu các địa phương tổ chức thu hoạch ngay lúa, hoa màu với tiêu chí "xanh nhà hơn già đồng" để hạn chế thấp nhất thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra.