Hàng nghìn nhân viên công ty tài chính nghỉ việc

Minh Vy |

Trong những tháng đầu năm 2023, khó khăn với ngành tài chính tiêu dùng hiện rõ khi dư nợ đồng loạt sụt giảm ở các công ty tài chính. Bên cạnh đó, một xu hướng đáng chú ý là số nhân sự cũng giảm rất mạnh.

Các công ty tài chính đã có giai đoạn phát triển bùng nổ 2017-2020. Thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới thu nhập của khách hàng – chủ yếu là người có thu nhập thấp, dẫn tới nhu cầu tín dụng, khả năng trả nợ sụt giảm. Đến đầu năm 2023, hoạt động thu hồi nợ bị cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao đã khiến thị trường này khó khăn hơn. Nhiều người dân chưa phân biệt được tín dụng đen và các công ty tài chính được cấp phép hợp pháp nên có hành vi trốn nợ, chây ì trả nợ.

Số nhân sự đồng loạt sụt giảm

Hàng nghìn nhân viên công ty tài chính nghỉ việc - Ảnh 1.

Theo báo cáo tài chính của Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit – mã CK: TIN), tổng số nhân viên cuối tháng 3/2023 còn 1.427 người, giảm 309 người so với đầu năm. Trước đó, trong quý cuối cùng của năm 2022, số nhân sự của công ty tài chính này cũng đã giảm tới 649 người. Như vậy, trong vòng nửa năm, đã có gần 1.000 nhân viên của VietCredit nghỉ việc.

Xu hướng sụt giảm nhân sự cũng diễn ra tại nhiều công ty tài chính khác. Chẳng hạn tại HD Saison, số nhân sự giảm 267 người trong quý 1/2023. FE Credit chưa công bố báo cáo tài chính, tuy nhiên diễn biến này có thể nhìn thấy được từ báo cáo của VPBank. Các công ty con của VPBank (trong đó có FE Credit) ghi nhận số nhân sự sụt giảm tới 789 người chỉ trong quý 1/2023.

Trước đó, tại tọa đàm Tín dụng tiêu dùng: "Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật" do báo Người lao động tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP HCM cho biết, thị trường tín dụng tiêu dùng hiện rất khó khăn, nhất là đối với các công ty cho vay hợp pháp. Hoạt động cho vay và thu hồi nợ quý I tăng trưởng thấp, có công ty tài chính sụt giảm cả cho vay và thu hồi nợ. Trong khi trước đó, giai đoạn 2016-2022, các công ty tài chính phát triển rất tốt, tăng trưởng 19-20%, chiếm 14-15% tổng dư nợ chung.

Thậm chí, những tháng đầu năm có tình trạng đội ngũ nhân sự chính thống nghỉ việc nhiều, công ty tài chính khó tuyển dụng do rủi ro nghề nghiệp, định kiến xã hội. Thêm vào đó, nhiều khách hàng vay tiêu dùng dưới chuẩn chây ì trả nợ, khi nhân viên tài chính nhắc nhở thì họ còn đe dọa ngược lại.

Dư nợ cho vay sụt giảm, lợi nhuận phân hóa

Hầu hết công ty tài chính đều ghi nhận dư nợ cho vay sụt giảm trong quý 1 năm nay, song song với nợ xấu tăng lên. Tại VietCredit, tổng dư nợ cho vay khách hàng cuối quý 1 ở mức 4.285 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Nợ xấu tăng 49% lên 784 tỷ đồng.

Tương tự tại HD Saison, dư nợ tín dụng giảm 7,8% trong 3 tháng đầu năm xuống 15.530 tỷ đồng. Số dư nợ xấu có sụt giảm 36 tỷ so với đầu năm, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu tăng từ 7,1% lên 7,5%.

“Ông lớn” FE Credit – công ty tài chính có thị phần lớn nhất cũng ghi nhận dư nợ cho vay giảm hơn 10% xuống còn hơn 68.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh có sự phân hóa mạnh giữa các công ty tài chính, trong khi FE Credit báo lỗ thì MCredit ghi nhận lợi nhuận 302 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Năm nay, MCredit vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 1.300 tỷ đồng, tăng 8% so với năm ngoái. VietCredit báo lãi trước thuế quý 1/2023 đạt 54,3 tỷ đồng, cao gấp 7 lần cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành 51% kế hoạch cả năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại