Hàng nghìn lính chờ lệnh ông Tập: Trung Quốc tìm kiếm gì ở điểm nóng Mỹ vừa "rút chân"?

Thúy Khương |

Trung Quốc dự kiến đóng vai trò lớn hơn trong hòa bình và ổn định của khu vực Sahel ở Tây Phi sau khi cam kết tăng cường tài trợ và quân số cho các phái bộ của Liên Hợp Quốc.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Dai Bing tuần này cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng quốc tế vì hòa bình lâu dài ở Sahel (ranh giới của sa mạc Sahara). Đây là khu vực bị ảnh hưởng bởi bạo lực và mất an ninh, bao gồm cuộc đảo chính vào tháng 8.

Trung Quốc tăng cường nâng ảnh hưởng tới châu Phi

Ông Dai nói trong cuộc họp với Hội đồng Bảo an LHQ vào tuần trước rằng Trung Quốc sẽ cung cấp 45.7 triệu USD tới Lực lượng chung của nhóm 5 quốc gia (G5) cho Sahel. Đây là sáng kiến an ninh và chống khủng bố gồm Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger.

Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ ưu tiên cho các quốc gia trong khối G5 và cung cấp hỗ trợ tài chính ổn định hơn cho lực lượng chung. Ông Dai cũng cho biết, Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực giúp châu Phi tìm ra giải pháp cho các vấn đề của mình, và củng cố vai trò lớn hơn của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh châu Phi (AU) trong các vấn đề khu vực.

Hàng nghìn lính chờ lệnh ông Tập: Trung Quốc tìm kiếm gì ở điểm nóng Mỹ vừa rút chân? - Ảnh 1.

Trung Quốc hy vọng sẽ tham gia nhiều hơn trong việc gìn giữ hòa bình ở châu Phi. Ảnh: 81.cn

Theo Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, Trung Quốc là nước đóng góp lớn thứ 2 cho ngân sách giữ hòa bình của LHQ - hiện đạt khoảng 6 tỷ USD/ năm (chiếm 15%), Mỹ đóng góp 28% cho ngân sách.

SCMP nhận định, khu vực Sahel bất ổn sẽ là điểm chiến lược cho tham vọng thương mại của Bắc Kinh ở châu Phi. Các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khu vực là rất lớn - gồm cả cho Senegal, Niger, Chad, Nigeria và Sudan.

Lợi ích của Bắc Kinh - mối lo của Washington

Theo các nhà phân tích, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động giữ gìn hòa bình ở châu Phi.

Trợ lý Giáo sư về chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Wake Forest ở Bắc Carolina Lina Benabdalla cho biết: "Sẽ có sự tham gia nhiều hơn của chính trị, khả năng và nguồn lực để thực hiện những điều này.

Sự kết hợp đó đặt Trung Quốc vào vị trí thuận lợi, bà Lina Benabdalla nói.

Vào tháng Giêng, Bắc Kinh cho biết, họ sẽ cung cấp 7 triệu USD thiết bị và viện trợ cho mỗi quốc gia trong khối G5. Theo yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc huấn luyện lực lượng dự phòng gồm 8.000 lính giữ gìn hòa bình sẵn sàng được triển khai.

Tính đến tháng 6/2020, nước này đã cử 1.076 sĩ quan tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan - đồng minh quan trọng mà Trung Quốc có những khoản đầu tư lớn vào dầu mỏ.

Chuyên gia Benabdallah cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ tập trung vào việc đối trọng lại với Trung Quốc ở châu Phi và các nơi khác, vì vậy, Washington lo lắng về sự can dự quân sự và an ninh của Bắc Kinh.

"[Nhưng] các chính phủ châu Phi, các quan chức AU và các tổ chức trong khu vực dường như đều có cách tiếp cận thực tế hơn đối với sự can dự của Trung Quốc. Họ thấy rằng các nguồn lực do Trung Quốc cung cấp rất quan trọng và phần lớn họ hoan nghênh chúng," Benabdallah nói.

Mặc dù Trung Quốc có các hoạt động gìn giữ hòa bình đáng kể ở châu Phi, Giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế của LHQ Richard Gowan cho biết: "Bắc Kinh tỏ ra thận trọng về việc đặt các quân nhân của mình vào tình trạng nguy hiểm sau khi một số binh sĩ gìn giữ hòa bình của họ bị giết ở Mali và Nam Sudan năm 2016."

Gowan nói rằng, trong khi Pháp và các nước G5 tiến hành các hoạt động chống khủng bố ở Sahel, Trung Quốc tự giới hạn mình trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình "mũ bảo hiểm xanh" với ít rủi ro hơn. Pháp là nước đóng góp quan trọng khác cho lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong khu vực, đặc biệt là ở Mali.

Ông Gowan cho biết: "Tôi vẫn không thấy việc Trung Quốc sẽ triển khai số lượng lớn quân đội vào các nhiệm vụ chống khủng bố có nguy cơ cao hơn ở châu Phi trong tương lai gần."

Mỹ rút ảnh hưởng: cơ hội Trung Quốc mở rộng hiện diện, bồi dưỡng kinh nghiệm

Khi Bắc Kinh tìm kiếm vai trò lớn hơn, Washington đầu năm nay cho biết họ sẽ rút lui khỏi một số hoạt động an ninh của mình ở châu lục này. Gowan nhận định, chính quyền ông Joe Biden có khả năng sẽ coi trọng việc giữ gìn hòa bình LHQ hơn ông Donald Trump.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tiết lộ trong cuốn hồi ký của mình The Room Where it happened (Tạm dịch: Căn phòng nơi nó diễn ra) rằng Tổng thống Trump không thấy việc quân nhân Mỹ hiện diện nhiều ở châu Phi là điều cần thiết.

Ông Bolton viết trong cuốn sách: "Ngài Tổng thống nói: "Tại sao chúng ta lại ở châu Phi? Tôi muốn ra khỏi châu Phi và nhiều nơi khác nữa. Tôi muốn binh sĩ của chúng ta ở trên đất nước của chúng ta."

Theo Gowan, Trung Quốc có cơ hội mở rộng sự hiện diện của mình khi Mỹ rút khỏi một số cam kết an ninh ở châu Phi. Ông cho biết các sứ mệnh gìn giữ hòa bình là cách tốt để quân đội Trung Quốc có được kinh nghiệm hoạt động trong môi trường đầy biến động và thể hiện cam kết chính trị với các chính phủ châu Phi.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch Luke Patey cho biết, ngay cả khi quân số Mỹ giảm mạnh trong tương lai, "tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ nhanh chóng mở rộng sự hiện diện quân sự ra ngoài căn cứ rộng lớn của mình ở Djibouti, nơi Mỹ và các quốc gia khác cũng đang duy trì căn cứ."

"Do quy mô của căn cứ ở Djibouti, Trung Quốc có thể đạt được rất nhiều điều - từ hỗ trợ gìn giữ hòa bình và hỗ trợ nhân đạo của LHQ đến thu thập thông tin tình báo và chống khủng bố," ông nói.

Ông Patey nói thêm rằng đã có cuộc nói chuyện về việc Trung Quốc tìm kiếm căn cứ mới ở Tây Phi, nhưng nó có khả năng gây ra phản ứng từ phía Mỹ.

"Tôi nghĩ rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tập trung vào việc cân bằng quân đội của họ ở châu Á vào lúc này. Thay vào đó, Trung Quốc trước tiên sẽ cố gắng giải quyết các tình huống khó xử về an ninh của mình bằng cách thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với quân đội châu Phi."

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại