Mới đây, đã có 24 binh sĩ được phân đến tỉnh Helmand tham gia lực lượng bảo vệ biên giới và chống lại bọn buôn lậu đông đảo được trang bị vũ khí. Tuy nhiên, ông Ghulam Wali Afghan, người đứng đầu lực lượng này cho biết: "Chúng tôi không được huấn luyện để tham chiến ngoài tiền tuyến".
Ông Ghulam Wali Afghan cùng 122 người khác đã đến đây từ 7 tháng trước và mang nhiệm vụ củng cố an ninh vùng biên giới trước sự tấn công của phiến quân Taliban.
Vào ngày đầu tiên tham gia chiến đấu, đã có 3 binh sĩ tử vong. Hiện tại, lực lượng bảo vệ biên giới đã đẩy lùi được phiến quân Taliban, nhưng mùa giao tranh chỉ mới bắt đầu và các binh sĩ sẽ sớm phải quay lại chiến đấu.
Với gần 25.000 binh sĩ đóng tại Helmand, có vẻ như chính phủ Afghanistan không hề gặp khó khăn gì trong việc đối đầu với Taliban, tuy nhiên thực tế lại không được như vậy.
Theo The Guardian, danh sách các binh sĩ chiến đấu tại khắp nơi trên Afghanistan, trong đó có cả lực lượng ở tỉnh Helmand, chỉ được lấp đầy bằng những cái tên giả hoặc là tên của những binh sĩ đã chết nhưng không được báo cáo lên trên.
Nói cách khác, ông Wali và các đồng đội của mình hiện đang chiến đấu cùng các "binh sĩ ma".
The Guardian đã trích dẫn kết quả của một cuộc điều tra được thực hiện bởi chính quyền tỉnh Helmand cho biết, hiện có khoảng 40% binh sĩ có tên trong danh sách binh sĩ đóng tại tỉnh này là "binh sĩ ma". Theo một nguồn tin nội bộ, con số này còn có thể cao hơn.
Trong một báo cáo công bố ngày 30.4, Tổ chức giám sát việc tái thiết Afghanistan (SIGAR) do Mỹ thành lập cũng đã thừa nhận rằng "cả Mỹ và Afghanistan đều không nắm rõ được số lượng binh sĩ thực sự đang tham chiến và nghiêm trọng hơn là tình trạng hiện tại của họ".
Trong các lý do khiến lượng "binh sĩ ma" lớn như vậy, lý do quan trọng nhất chính là nạn tham nhũng hoành hành.
Nhà phân tích chính trị Toofan Waziri cho biết, trong một lần đến thăm tỉnh Helmand, ông đã phát hiện một tay chỉ huy ra lệnh đuổi 50 binh sĩ của mình nhưng không hề báo cáo lên cấp trên. Với cách làm này, tay chỉ huy đã bỏ túi tiền lương của 50 binh sĩ bị đuổi khỏi quân ngũ.
Ngoài lý do tham nhũng, việc các tay chỉ huy che giấu con số thương vong thực sự cũng đã khiến khả năng nắm rõ số lượng binh sĩ gặp khó khăn.
Một quan chức tiết lộ, theo danh sách mà chính phủ nắm thì có đến 300 binh sĩ được triển khai đến thị trấn Sangin, nhưng khi căn cứ này bị tấn công thì mọi người mới phát hiện rằng tại đây chỉ có 15 binh sĩ.
Vấn đề binh lính của Afghanistan còn thêm nghiêm trọng bởi tinh thần chiến đấu thấp của binh sĩ. The Guardian cho biết, ngoài binh sĩ ở căn cứ Babaji được ăn thịt vào các bữa tối, hầu hết binh sĩ ở những căn cứ khác mà phóng viên The Guardian ghé thăm đều chỉ có cơm trắng và trà xanh.
Ngoài ra, nhiều binh sĩ còn tham gia vào đường dây buôn lậu ma túy xuyên biên giới hay bán vũ khí cho Taliban.
Ông Waziri tiết lộ, "hầu hết binh sĩ đều nghiện ma túy. Taliban biết điều này và thường tấn công khi các binh sĩ đang phê thuốc".
Chính vì những điều này mà những khu vực thuộc tỉnh Helmand trước đây vốn được quân đội Afghanistan phối hợp cùng liên quân các nước giành được nay đã lại rơi vào tay Taliban.
Quận Kajaki, nơi vốn được quân đội Anh dùng hết tâm sức để chiếm lấy, đã bị Taliban tái kiểm soát tới 95%; Taliban cũng đã kiểm soát đến 80% Marjah, nơi mà liên quân đã dùng 15.000 quân để chiếm.
"Taliban đang lớn mạnh từng ngày, nhưng cho đến giờ chính phủ vẫn chưa cải thiện được tình trạng an ninh tại Helmand vì họ chưa có một chiến lược thực sự", ông Waziri nói.