Phấn đấu thi công vượt tiến độ
Dự án thành phần 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư được khởi công ngày 29/9/2022. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là gần 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗn hợp, bao gồm vốn của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và vốn vay thương mại trong nước.
Hạng mục này có tổng diện tích khoảng 70.000m2. Trong đó, công trình chính là đài kiểm soát không lưu và các công trình phụ trợ có diện tích là 24.000m2 được xây dựng để kiểm soát hoạt động tại khu vực di chuyển của tàu bay tại cảng hàng không và hoạt động bay trong vùng trời cảng hàng không.
Theo đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), các nhà thầu cam kết thi công vượt tiến độ thân đài kiểm soát không lưu Long Thành với chiều cao 123m, trong đó đến nay công trình đã hoàn thành đổ bê tông đến cao độ 66,555m, dự kiến sẽ hoàn thành đến độ cao 84,705m trước ngày 20/6.
Ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Long Thành cho biết trên báo Giao thông: “Hiện trên công trường dự án thành phần 2 có trên 200 nhân lực, cao điểm có khoảng trên 300 nhân lực. Có nhiều công việc phải làm thủ công, dựa vào sức người.
Thời gian qua, Ban phối hợp với nhà thầu thiết kế, thi công, tư vấn giám sát để cùng tập trung nguồn lực, đưa ra kế hoạch tổ chức thi công phù hợp. Trong đó Ban cũng chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu liên tục và yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỹ sư, công nhân… trên công trường”.
"Bộ não" của sân bay Long Thành
Tháp kiểm soát không lưu tại sân bay Long Thành được thiết kế với hình dáng búp sen, mang màu sắc và cấu trúc phù hợp với nhà ga và các công trình lân cận. Tháp có chiều cao là 123 mét, đường kính cơ sở 10 mét, và sở hữu một cabin kiểm soát với diện tích 150 mét vuông, cùng với hai cabin kiểm soát ở khu vực sân đỗ, mỗi cabin có diện tích 70 mét vuông.
Tháp không lưu tại sân bay Long Thành được mệnh danh là "bộ não" chỉ huy của sân bay. Ngoài tháp búp sen cao 123 mét, còn có các tiện ích phụ trợ khác như: trạm radar chính và phụ, trạm phát sóng VHF không phụ thuộc vị trí địa lý; radar dự báo thời tiết; hệ thống định vị đa hướng và đo khoảng cách; hệ thống giám sát từ nhiều điểm; hệ thống quan sát thời tiết tự động; hệ thống cảnh báo sự cố gió; và hệ thống thông tin liên lạc, dữ liệu giữa các công trình để đảm bảo hoạt động bay an toàn; cùng hệ thống cung cấp điện trung thế cho các công trình hỗ trợ hoạt động bay.
Các hệ thống thiết bị của Đài kiểm soát không lưu được thiết kế theo công nghệ tự động hóa hiện đại nhất hiện nay và có định hướng mở để đầu tư công nghệ trong tương lai. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết đây là công trình hạ tầng có quy mô lớn, công nghệ phức tạp nhất từ trước tới nay mà đơn vị từng thực hiện.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng đặc biệt cấp Quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (16 tỷ USD), trong đó dành 4% cho giai đoạn một.
Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai.
Tổng hợp