Làn sóng hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia tăng lên, đặc biệt ở châu Âu, kể từ vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng trước.
Đóng băng các thỏa thuận vũ khí mới với Saudi Arabia
Đan Mạch và Phần Lan là những nước mới nhất đình chỉ các thỏa thuận vũ khí mới với Saudi Arabia. Bộ Ngoại giao Đan Mạch ngày 22-11 tuyên bố nước này đang đóng băng các thỏa thuận vũ khí mới với Saudi Arabia vì vụ nhà báo Khashoggi bị giết lẫn chiến dịch không kích ở Yemen.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Phần Lan quyết định chấm dứt các hợp đồng quân sự với vương quốc này vì chiến dịch ở Yemen. Ngoài ra, Phần Lan cũng thông báo ngưng các hợp đồng vũ khí mới với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vì UAE cũng tham gia liên minh tấn công Yemen do Saudi Arabia dẫn đầu.
Thông báo của Đan Mạch và Phần Lan đưa ra chỉ hai ngày sau khi Đức cho biết nước này tạm ngừng tất cả vụ bàn giao vũ khí cho Saudi Arabia, trong khi Pháp cho biết sẽ sớm ra quyết định liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Saudi Arabia lấy vũ khí từ đâu?
Các giao dịch vũ khí thường được thực hiện bí mật hoặc ít công khai. Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) thông qua theo dõi các giao dịch liên quan đến vũ khí lớn và thiết lập cơ sở dữ liệu nhập khẩu Ả Rập trong thập niên qua cho thấy Mỹ là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho Saudi Arabia, theo sau là Vương quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức.
Những năm gần đây, nhiều nhà xuất khẩu vũ khí vẫn bán cho Saudi Arabia nhưng đã giảm đáng kể nguồn cung. Chẳng hạn, Anh đã bàn giao số vũ khí trị giá khoảng 843 triệu USD trong năm 2016 nhưng đến năm 2017, con số này giảm xuống còn 436 triệu USD, theo SIPRI.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu vũ khí chính của Pháp sang Saudi Arabia trị giá 174 triệu USD trong năm 2015 nhưng giảm xuống còn 91 triệu USD trong năm 2016 và 27 triệu USD vào năm ngoái.
Lượng xuất khẩu vũ khí của Tây Ban Nha sang Saudi Arabia cũng giảm đáng kể trong cùng khoảng thời gian trên nhưng chính phủ Tây Ban Nha khẳng định trong năm nay họ sẽ tiên phong ngưng các thỏa thuận với Saudi Arabia.
Mỹ áp đảo các nhà xuất khẩu vũ khí khác
Bất chấp những động thái trên, kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Saudi Arabia thực tế tăng lên 38% trong giai đoạn 2016-2017. Điều này bắt nguồn từ tăng trưởng nguồn vũ khí Mỹ cung cấp cho Saudi Arabia, với giá trị gần gấp đôi từ 1,8 tỉ USD lên 3,4 tỉ USD trong khoảng thời gian trên.
Đức cũng tăng số lượng xuất khẩu từ 14 triệu USD lên 105 triệu USD, mặc dù dự kiến sẽ thấp hơn nhiều trong năm nay sau thông báo ngưng giao dịch nói trên.
Một binh sĩ Saudi Arabia bắn súng cối vào vị trí phong trào Houthi tại biên giới Saudi-Yemen. Ảnh: REUTERS
Nhìn chung, không có quốc gia nào tỏ ra tiềm năng có thể soán ngôi Mỹ trở thành “nhà cung cấp vũ khí chính” cho Saudi Arabia. Trong năm năm qua, Mỹ chiếm 61% doanh thu vũ khí chính cho Saudi Arabia. Anh đứng thứ hai với 23% thị phần, trong khi Pháp ở vị trí thứ ba chỉ là 4%.
Trong một tuyên bố hôm 20-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng hủy các hợp đồng vũ khí lớn với Riyadh là “ngu xuẩn”, rằng “Nga và Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi khổng lồ” nếu Mỹ dừng bán vũ khí.
"Nga đã nỗ lực hết sức trong 10-15 năm qua để thâm nhập thị trường vũ khí Saudi Arabia nhưng không thành công. Saudi Arabia đã từng nhập súng trường của Nga và có thể mua một số mặt hàng khác nhưng những giao dịch như vậy không đáng kể" - Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao về thương mại vũ khí của SIPRI và chương trình chi tiêu quân sự, cho biết.
"Trung Quốc đã thực hiện một số xâm nhập đáng kể hơn vào thị trường vũ khí Saudi Arabia, đặc biệt là bán máy bay không người lái. Các chi tiết rất mờ ám và chúng tôi có thể chưa đánh giá được hết khả năng xuất khẩu vũ khí Trung Quốc sang Saudi Arabia.
Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc chưa nhích lên gần Mỹ, Anh hoặc thậm chí Pháp trong vai trò cung cấp vũ khí. Điều quan trọng là Saudi Arabia đã khám phá ra khả năng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí cho nước mình” - ông Wezeman cho biết thêm.