Khoảng 74% doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng các phần mềm không có bản quyền
Tại nước ta hầu hết các lĩnh vực buôn bán hàng hóa đều xuất hiện các hoạt động gian lận thương mại như hàng giả, hàng nhái, nhập lậu trái phép. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ nhắc đến các sản phẩm công nghệ thông tin vốn quen thuộc với độc giả.
Tính riêng lĩnh vực công nghệ, việc mua sắm, sử dụng hàng hóa "cộp mác" xách tay không còn xa lạ với nhiều người dùng hiện nay. Bất cứ khi nào lướt web mua sắm chúng ta đều dễ dàng tìm thấy những deal "hời", mức giá "rẻ đến không tưởng" mà phần lớn chúng đều là sản phẩm không "chính chủ", từ smartphone, máy tính, tai nghe, máy ảnh, mực in đến hệ điều hành, các bộ phần mềm "quốc dân" Microsoft Office, Adobe, tài khoản lưu trữ đám mây, … Thú thật chính bản thân tôi cũng là người sở hữu danh sách kha khá các món đồ có nguồn gốc không rõ ràng như vậy và nhiều chi tiết trong bài bắt nguồn từ chính kinh nghiệm đã trải qua của bản thân.
Theo số liệu chia sẻ từ HP Việt Nam, kinh doanh hàng giả, hàng nhái chiếm tới ít nhất 3,3% thương mại toàn cầu. Ở Đông Nam Á, phạm vi kinh doanh hàng giả ở chợ đen đã được các tổ chức tội phạm mở rộng, với các mặt hàng đa dạng từ mực in, vật tư in ấn, phụ tùng ô tô đến túi xách hay rượu, đạt giá trị ước tính lên tới 35,9 tỷ USD mỗi năm. Riêng ở Việt Nam, năm 2019, các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 90.000 trường hợp gian lận thương mại, ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng (28,96 triệu USD), tăng đến 7.700 trường hợp và 180 tỷ đồng (7,78 triệu USD) tiền phạt so với cùng kỳ năm ngoái.
HP là một trong những hãng mạnh tay dẹp hàng giả, hàng nhập lậu
Sự xuất hiện của các sản phẩm dạng không chính thống này có thể quen thuộc với người tiêu dùng cuối nhưng để có con số thống kê cụ thể thì rất khó. Các con số trong bài đều mang tính ước lượng từ các hãng nhưng nhìn chung nó phần nào cho ta thấy được bức tranh tổng thể của thị trường.
Đại diện truyền thông của chuỗi cửa hàng CellphoneS chia sẻ các năm trước, số lượng đặt mua iPhone chính hãng chỉ bằng một nửa hàng xách tay nhưng đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Ước tính của Canon, tỷ lệ hàng ngoài nhập khẩu không chính thức đối với các sản phẩm máy in Canon lên đến 20%.
Hiệp hội phần mềm BSA (The Software Alliance) được thành lập bởi Microsoft năm 1988, hiện có rất nhiều công ty thành viên bao gồm tập đoàn an ninh mạng BKAV, đã cho biết một thông tin đáng chú ý: khoảng 74% doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng các phần mềm không có bản quyền.
Riêng với các tên tuổi lĩnh vực khác như mảng máy ảnh của Canon, thiết bị lưu trữ Seagate, thiết bị âm thanh Sennheiser chúng tôi có liên hệ, việc thống kê, kiểm soát hàng xách tay nhập lậu, hàng giả, hàng nhái đều có chung một từ là "khó".
"Hiện tình hình hàng xách tay ( giả/nhái ) rất khó kiểm soát, đa phần các model xách tay thường là các sản phẩm đang bán chạy của Sennheiser, chủ yếu đến từ các cửa hàng nhỏ lẻ nhập qua các đường tiểu ngạch, cũng có khi là những cá nhân tự nhập về để kinh doanh online trên mạng, các cửa hàng trên các sàn Thương mại điện tử, do đó rất khó đo lường tỉ lệ. Và tôi mong trong tương lai tình trạng này sẽ được hạn chế hết mức có thể bởi các cơ quan chức năng", chia sẻ của ông Võ Minh Tuấn, Trưởng phòng phát triển kinh doanh Sennheiser Việt Nam.
Hãng, nhà phân phối "nghênh chiến", Nghị định 98/2020/NĐ-CP "chi viện" sẽ là dấu chấm hết cho hàng xách tay?
Truyên chiến với hàng giả, hàng xách tay không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng chẳng còn là chuyện mới với nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh tại Việt Nam. Đối với từng lĩnh vực và đặc thù từng thương hiệu mà đã có những phương pháp bảo vệ hàng chính hãng, thu hút người tiêu dùng theo cách riêng. Dù vậy, xu hướng chung dễ nhận thấy là các hãng ngày càng tạo sức ép, tấn công mạnh mẽ vào mặt hàng trái phép này.
Đơn cử như vấn nạn mực in giả, mực in kém chất lượng, HP từ cuối năm 2019 đã thực hiện Chương trình Chống hàng giả và Gian lận (ACF). Cụ thể hãng đã rà soát hàng triệu trang web buôn bán trực tuyến trên khắp Đông Nam Á và Hàn Quốc và kiểm tra nếu các đơn vị này vi phạm bản quyền hình ảnh hoặc không có nhận dạng thương hiệu và các kí hiệu độc quyền của hãng.
Nhu cầu nạp mực in rất lớn và vì vậy các dịch vụ nạp mực "lô" mọc lên như nấm nhiều năm nay.
Thông qua hoạt động này, những người bán giả danh đối tác ủy quyền và lừa dối khách hàng sẽ bị phát hiện. Từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 5 năm 2020, hơn 12.800 đơn vị kinh doanh hàng giả đã bị xóa sổ trên khắp Đông Nam Á và Hàn Quốc. Tính riêng nước ta, khoảng 36 triệu VNĐ sản phẩm giả đã bị thu giữ và 95 trang mua sắm hàng giả trực tuyến đã bị gỡ bỏ.
Với các đơn vị khác chúng tôi có liên hệ như Canon (ngành hàng máy ảnh và máy in), Sennheiser, Seagate, CellPhoneS, giải pháp chung được dùng nhiều nhất chính là việc tăng cường truyền thông tới người dùng cuối, nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng, thành lập các cửa hàng chính hãng nhằm cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm xách tay không rõ nguồn gốc vốn được bày bán công khai trên các sàn thương điện tử.
Đáng chú ý, Canon có chính sách rất hấp dẫn với các nhà phân phối cấp 1 & 2 để mở rộng cơ hội đưa sản phẩm tới tay người dùng nhưng đồng thời khá quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát và có chính sách thưởng, phạt rõ ràng đối với các đại lý có ý định/đã nhập hàng xách tay, hàng giả/nhái.
Còn ở Seagate Việt Nam, bên cạnh thời gian bảo hành dài và chính sách 1 đổi 1 trong vòng 10 phút, hãng cũng "ghi điểm" với chương trình cứu dữ liệu miễn phí trong vòng 2 - 3 năm (tùy model) dành cho người dùng sở hữu sản phẩm chính hãng. Với động thái này, Seagate đang chứng tỏ cho khách hàng thấy những đặc quyền họ có được mà dịch vụ hàng xách tay sẽ bị hạn chế.
Bên cạnh chính sách hậu mãi, Seagate đang cố gắng "dẹp" hàng xách tay bằng cách đưa ra bộ tem bảo hành mới, dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Hay đối với thương hiệu âm thanh nổi tiếng Senheisher, hãng mang tới người dùng dịch vụ bảo hành toàn cầu một khi xuất trình được hóa đơn (giấy hoặc điện tử) mua từ địa lý ủy quyền hợp pháp.
Và những nỗ lực trên của các hãng như được tiếp lực mạnh mẽ khi Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 đã quy định cụ thể các trường hợp, đồng thời tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Theo đó mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng với tổ chức; phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng dành cho tổ chức.
Việc siết chặt quản lý từ các cơ quan nhà nước đối với hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ làm chùn chân nhiều thương gia chuyên nhập lậu. Nguồn ảnh: Dân Việt
Việc siết chặt quản lý từ các cơ quan có thẩm quyền đã tác động mạnh tới cuộc chiến với mặt hàng xách tay, hàng giả kém chất lượng mà bằng chứng mới đây nhất là sự trầm lắng của iPhone 12 ở thị trường xách tay và quý độc giả có thể xem thêm tại đây.
Thẳng thắn mà nói, sự phối hợp hành động mạnh mẽ giữa nhà sản xuất, kênh phân phối chính hãng và sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thể ví như thế "thiên thời, địa lợi" khi đang thu hẹp dần cánh cửa của mặt hàng xách tay không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả kém chất lượng. Vậy làm sao để xuất hiện "nhân hòa" trong khi "có cầu ắt có cung", nhóm hàng hóa phi pháp này vẫn đem tới lợi ích cho các người dùng cuối?
Trận chiến sẽ còn dai dẳng, kết quả thế nào vẫn phụ thuộc nhiều vào bản thân chúng ta
Dù có nhiều nguyên nhân nhưng giá chính là lý do lớn nhất khiến người dùng tìm tới các sản phẩm xách tay. Số tiền phải bỏ ra để sở hữu món hàng thấp hơn nhiều (có thể lên tới hàng chục triệu) so với khi mua chính hãng thì hiển nhiên khó mà làm ngơ với bất kỳ người tiêu dùng nào, trong đó có tôi. Bên cạnh giá, yếu tố về tâm lý muốn sở hữu món đồ không/chưa được phân phối chính hãng tại Việt Nam cũng thúc đẩy tôi ngắm nghía các món hàng "trốn thuế" này.
Không chỉ là người dùng cá nhân, rất nhiều tổ chức doanh nghiệp ở nước ta sử dụng phần mềm bất hợp pháp cũng vì yếu tố giá cả. "Họ chỉ nhìn vào chi phí trước mắt mà không cân nhắc đến chi phí dài hạn. Thật vậy, mặc dù sử dụng phần mềm có bản quyền có thể đắt hơn nhưng nó có thể giúp các doanh nghiệp tránh được các chi phí cao về mặt pháp lý, danh tiếng và bảo mật trong trường hợp hệ thống của họ bị vi phạm, hoặc các hành vi trái phép của họ bị chính phủ phát hiện", đại diện của BSA nhận định.
Nhìn ở góc độ người tiêu dùng, dù là hàng chính ngạch hay không thì chúng cũng góp phần mang đến thêm lựa chọn khi mua sắm. Ngoài lợi ích mua được món đồ mới với mức giá hấp dẫn thì chi phí cơ hội hẳn rất nhiều người trong chúng ta đều biết: chấp nhận không có bảo hành và dịch vụ chăm sóc chính hãng, việc bảo hành tại cửa hàng dù nghe rất kêu cỡ nào thì phần lớn phụ thuộc vào cái tâm và uy tín người bán; một số trường hợp còn phải nhắm mắt gật đầu với chi phí sửa chữa, thay thế rất tốn kém một khi hư hỏng xảy ra bởi không có sẵn linh kiện tại Việt Nam; tệ nhất là gặp gian thương "treo đầu dê bán thịt chó" để rồi mua trúng hàng dựng, hàng "fa-ke".
Bản thân người viết từng mua hai chiếc laptop cùng nhiều món đồ công nghệ khác ở dạng xách tay. Ngoài việc trang bị cho mình chút kiến thức để kiểm tra hàng hóa lúc mua, một nhân phẩm tốt kiểu "cầu trời nó đừng hỏng hóc gì" cũng là thứ tôi cần chuẩn bị. Mặc dù chưa gặp sự cố đáng tiếc nào nhưng tâm lý chấp nhận rủi ro luôn là gánh nặng tôi phải mang khi mua và dùng đồ xách tay, đặc biệt khi đó là món hàng giá trị lớn (laptop, máy ảnh).
Nếu chúng ta mơ về một Apple Store xịn sò hay các sản phẩm công nghệ mới sớm phân phối chính hãng thì trước tiên cần thay đổi suy nghĩ và thói quen tiêu dùng
Đối với doanh nghiệp, tổn thất từ việc dùng phần mềm lậu còn có thể lớn hơn nhiều. "Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với 1⁄3 cơ hội gặp phải phần mềm độc hại khi tải xuống hoặc mua một máy tính chứa phần mềm trái phép. Và chi phí lây nhiễm phần mềm độc hại đang tăng lên hằng năm do những cuộc tấn công mạng ngày càng phức tạp hơn", thông tin chia sẻ từ BSA.
Cũng theo tổ chức này ước tính, năm 2018, cần tốn khoảng 10.000 đô la cho mỗi máy tính, tương đương trung bình 2,4 triệu USD khi các phần mềm độc hại lây nhiễm cho toàn bộ công ty – cao hơn nhiều so với chi phí trung bình để cài đặt phần mềm có bản quyền.
Từ đó có thể thấy ngoài việc giảm thiểu rủi ro, quẳng gánh lo đi khi mua món đồ chính hãng, việc quan tâm tới thực trạng hàng xách tay ở góc độ người dùng còn là cách để chúng ta tạo môi trường hấp dẫn để các hãng sản xuất chú trọng tới thị trường Việt Nam nhiều hơn. Rõ ràng một thị trường quản lý lỏng lẻo, cạnh tranh thiếu công bằng, minh bạch giữa hàng chính hãng và xách tay nhập lậu, hàng giả, hàng nhái có thể làm chùn chân nhiều nhà sản xuất. Nếu chúng ta mơ về một Apple Store xịn sò hay các sản phẩm công nghệ mới sớm phân phối chính hãng thì trước tiên cần thay đổi suy nghĩ và thói quen tiêu dùng.
Ở góc độ vĩ mô, hàng hóa xách tay không rõ nguồn gốc theo nhận định của tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, một chuyên gia tài chính, còn "gây thiệt đơn, thiệt kép cho nền kinh tế. Với Nhà nước có thể thất thoát thuế rất lớn. Còn với các doanh nghiệp, họ bị thiệt hại nặng nề do sản phẩm khó cạnh tranh nổi với hàng trốn thuế. Điều này còn gây bất bình đẳng, không công bằng cho môi trường đầu tư của Việt Nam".
Tôi không nghĩ sẽ có thể xóa sổ hoàn toàn hàng xách tay trái phép. Nhưng khi đủ ba yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa", chúng ta có thể thấy bóng dáng một Ròm chạy trốn để tồn tại còn người dùng trong nước sẽ ngày càng nhiều hơn lựa chọn hàng hóa hấp dẫn và được bảo vệ quyền lợi một cách chính đáng.