Tại khoa Ung thư nhi Bệnh viện Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên ở Tây Nam Trung Quốc, trong số 40 bệnh nhân nhi ở đây có tới 90% là trẻ em mắc bệnh ung thư máu leukaemia hoặc lymphoma.
Mặc dù nguyên nhân gây ra ung thư có thể do sự kết hợp của nhiều yếu tố nhưng Phó trưởng khoa Nhi của bệnh viện Tứ Xuyên, bà Zhou Chenyan chắc chắn, đã xác định được nguyên nhân chính xuất phát từ hoạt động tưởng chừng không liên quan đó là… sửa sang nhà cửa.
Báo SCMP dẫn lời Phó Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên Zhou Chenyan cho biết, khói bụi nói chung đã được chứng minh có liên quan mật thiết tới bệnh ung thư phổi và bà cũng tin rằng hóa chất được sử dụng trong các nguyên vật liệu xây dựng và trang trí nhà cửa chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư máu leukaemia.
Quan trọng hơn, bà chỉ ra một chất hóa học thường xuyên được sử dụng trong hoạt động tân trang nhà cửa đó là formaldehyde. Formaldehyde là chất hóa học không màu, không mùi được sử dụng trong các loại keo và nhựa.
Theo một số nghiên cứu trước đó đã chỉ ra, chất này đã được biết rộng rãi là một chất gây ung thư và có liên quan tới nhiều dạng ung thư máu khác nhau.
Thực chất, luật chất lượng không khí trong nhà tại Trung Quốc quy định giới hạn formaldehyde là 0,1 miligram/1m3 nhưng quy định này thường bị bỏ qua, rất nhiều người bất chấp nguy hiểm mà quay về nhà trước thời gian mùi hóa chất bay hết.
Trung Quốc đã chứng kiến một vụ việc gây tranh cãi dư luận năm ngoái, trong đó một phụ nữ đã kiện ứng dụng cho thuê Ziroom ra tòa vì cái chết của chồng bà. Người phụ nữ được xác định danh tính là Wang cho rằng, căn chung cư mà gia đình bà thuê qua ứng dụng này tại Hàng Châu có mức độ tập trung formaldehyde cao trong sơn tường và nó là nguyên nhân khiến chồng bà bị mắc ung thư máu, qua đời 3 tháng sau khi gia đình họ chuyển vào căn hộ.
Quay trở lại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên, bà Zhou xác nhận, rất nhiều bệnh nhân của bà sống trong những ngôi nhà vừa được sơn sửa trước khi họ mắc bệnh. “Hơn 70% bệnh nhân của tôi ở Tứ Xuyên đều từ những ngôi nhà mới được sơn sửa lại gần đây”, bà nói.
Một trong số đó là Liu Wei, cựu đầu bếp đến từ Tứ Xuyên có con trai là Xuntao bị bệnh năm 2012. Ông Liu chia sẻ: “Cháu mới gần 2 tuổi thì được phát hiện bệnh sau khi liên tục có biểu hiện sốt cao và hay đau ốm. Tôi đã phải nghỉ việc để tập trung chăm sóc cháu”. Theo ông, chi phí điều trị cho Xuntao đến nay đã ngốn hơn 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 142.190 USD).
Theo bà Zhou, những trẻ em mắc ung thư máu thường mất khoảng 2 đến 3 năm điều trị với chi phí khoảng 300.000 nhân dân tệ, nhưng với nhiều trẻ, đó mới chỉ là giai đoạn bắt đầu. Phác đồ điều trị cho cả 2 bệnh về cơ bản là như nhau, đều đòi hỏi phải sử dụng những phương pháp hoá trị, thậm chí là xạ trị nặng.
Trung Quốc có hệ thống chăm sóc sức khoẻ được chia làm chương trình tư và công. Trong đó, bảo hiểm sức khoẻ công chỉ chi trả một phần nhỏ chi phí khám chữa các bệnh nghiêm trọng, điều này đồng nghĩa các gia đình sẽ phải vật lộn để trang trải các chi phí chăm sóc con ốm khác. Chưa kể, nhiều bậc cha mẹ còn phải nghỉ việc để chăm con nên mất một nguồn thu.
Ông Gao Yukang, 47 tuổi đang làm nông nghiệp tại Tứ Xuyên trước khi con gái bị bệnh leukaemia năm 2017. 4 năm trước, gia đình ông Gao đã chi 500.000 nhân dân tệ để xây nhà mới trong làng và chuyển về một tuần trước khi hoàn thiện. Trong 2 năm, con gái Zhaoruoyi liên tục đau đầu và ho rồi ăn không ngon. Ông cũng cho rằng formaldehyde chính là nguyên nhân gây ra bệnh của con gái.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng kể cả trẻ em và người lớn, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên là nơi điều trị cho khoảng 200 ca mắc ung thư máu. Đỉnh điểm năm 2017, có ngày, bệnh viện này nhận 13 trường hợp ung thư mới.
Cơ sở y tế này hy vọng sự nguy hiểm của những chất hoá học được sử dụng trong các vật liệu trang trí và xây dựng, chủ yếu là formaldehyde được xã hội chú ý. “Tôi hy vọng những gia đình có con cái bị bệnh hãy chung tay để nâng cao nhận thức cho những người khác về mức độ nguy hiểm của các chất độc được sử dụng trong nhà. Các bậc cha mẹ cần phải cẩn trọng để bảo vệ con cái”, bà Zhou nói.